(ĐSPL) - Bài thơ bị vu rằng có ý phản loạn, khiến Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử, còn người con trai bị trảm quyết.
Nguyễn Văn Thành (1758 - 1817) là một trong những vị khai quốc công thần của nhà Nguyễn, ông bôn ba theo vua Gia Long từ lúc "nằm gai nếm mật" đến khi nhà Nguyễn thống nhất giang sơn, ông cũng chính là người soạn thảo Bộ luật Gia Long nhưng chính ông đã phải nhận cái án đầy khắc nghiệt quy định trong bộ luật này. Căn nguyên của vụ án từ một bài thơ do Nguyễn Văn Thuyên - con trai trưởng của Nguyễn Văn Thành sáng tác. Bài thơ bị vu rằng có ý phản loạn, khiến Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử, còn người con trai bị trảm quyết.
Tượng Tiền Quân Nguyễn Văn Thành
Vốn hâm mộ văn chương, Nguyễn Văn Thuyên thường làm thơ, ngâm vịnh với những kẻ sĩ. Một bài thơ do Thuyên làm đến tai nhiều vị quan triều đình, trong đó có cả vua Gia Long. Do Nguyễn Văn Thành là công thần nên một số người ghen tỵ với công trạng của ông. Những người có hiềm khích đã dựa vào hai câu cuối của bài thơ mà lập luận, suy đoán, thêu dệt là cha con Nguyễn Văn Thành có ý phản loạn, truất ngôi vua. Bài thơ như sau:
Ái Châu nghe nói lắm người hay
Ao ước cầu hiền đã bấy nay
Ngọc phác Kinh Sơn tài sẵn đó
Ngựa kỳ Ký Bắc biết lâu thay
Mùi hương hang tối xa nghìn dặm
Tiếng phượng gò cao suốt chín mây
Sơn tể phen này dù gặp gỡ
Giúp nhau xoay đổi hội cơ này
Vì bài thơ này mà cha con Nguyễn Văn Thành bị bắt. Sách "Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ" chép: Vua nói: "Trẫm đãi Văn Thành không bạc, nay hắn tự mình làm nên tội thì phép công của triều đình trẫm không thể làm của riêng được". Vua bèn sai bắt Văn Thành và con giam ở nhà quân Thị lang. Bầy tôi họp để xét hỏi Văn Thành. Hỏi: "Có làm phản không? Có muốn lật ngôi không?". Thành nói: "Không".
Vài ngày sau, Thống chế Hoàng Công Lý nói với Văn Thành rằng: "Án đã xong rồi, vua bắt bầy tôi chết, bầy tôi không chết không phải là trung". Thành lặng im uống thuốc độc chết. Vua triệu Hoàng Công Lý hỏi rằng: "Văn Thành khi chết có nói gì không?", Công Lý nói: "Bẩm không". Vua giận nói rằng: "Văn Thành không biện bạch mà chết, sự nhơ bẩn càng rõ rệt".
Đúng lúc đó, có quân lính lại nhặt được tờ di chiếu trần tình của Văn Thành trước lúc chết ở nhà quân đem dâng. Vua cầm tờ trình khóc to đưa lên cho bầy tôi xem mà dụ rằng: "Văn Thành từ lúc nhỏ theo trẫm có công lao to. Nay nhất đán đến nỗi chết, trẫm không bảo hộ được ấy là trẫm kém đức".
Luật nay: Hoàng Công Lý phạm tội xúi giục người khác tự sát Vụ án Nguyễn Văn Thành khép lại đã để lại nhiều dấu hỏi lớn trong triều đình nhà Nguyễn và cả hậu thế. Một bậc khai quốc công thần đã phải uống thuốc độc tự vẫn còn con trai ông bị trảm quyết khiến hậu thế không khỏi xót xa. Nếu vua Gia Long sáng suốt xem xét tình hình, nếu không có chuyện đố kỵ nơi triều chính, Nguyễn Văn Thành ắt đã không phải nhận cái chết đầy oan khuất. Căn cứ theo những tình tiết trong vụ án, chiếu theo pháp luật Việt Nam hiện hành, Thống chế Hoàng Công Lý có dấu hiệu phạm tội xúi giục người khác tự sát được quy định tại Điều 101 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009). Theo đó, tội xúi giục người khác tự sát là hành vi của một người có những lời nói nhằm kích động, dụ dỗ, khuyến khích, thúc đẩy người khác tự sát. Trong vụ án này, khi Nguyễn Văn Thành đang bị tước hết chức quan, chờ điều tra xử lý thì Hoàng Công Lý xuất hiện. ông ta nói với Văn Thành rằng: "án đã xong rồi, vua bắt bầy tôi chết, bầy tôi không chết không phải là trung". Lúc đó, Nguyễn Văn Thành đang rơi vào tình trạng chán nản, bi quan. Những lời nói của Hoàng Công Lý đã khiến ông ấy càng thêm tuyệt vọng. Và hậu quả, Nguyễn Văn Thành đã lặng im uống thuốc độc để kết liễu đời mình. Như vậy, Hoàng Công Lý đã có hành động xúi giục Nguyễn Văn Thành lựa chọn cái chết như là một cách để biểu hiện "lòng trung" với nhà vua. Đây là hành vi không phù hợp với đạo đức và vi phạm pháp luật hình sự. Theo pháp luật hiện hành, Hoàng Công Lý có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Một tình tiết khác cũng rất đáng chú ý chính là việc vì sao tờ di chiếu trần tình của Nguyễn Văn Thành lại không đến được tay vua Gia Long trước lúc ông chết vẫn là bí ẩn. Không loại trừ khả năng Hoàng Công Lý đã cố tình "ỉm" đi tờ di chiếu này(?!). Nếu đúng như vậy, hành vi của Lý càng được củng cố. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-tuong-oai-hung-chet-trong-oan-nghiet-vi-mot-bai-tho-a42530.html