(ĐSPL) - Vào tháng 5/1823, dưới thời vua Minh Mạng (1820 - 1841), một ông quan làm việc tại phủ Nội vụ tên là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng bị phát giác. Bộ Hình đưa ra xét xử vụ án và tuyên Diệm phải chịu hình phạt đi đày. Thế nhưng, vốn là một vị vua nghiêm khắc, nhằm giữ gìn kỷ cương phép nước, vua Minh Mạng đã xử tội chém đầu Lý Hữu Diệm.
|
Vua Minh Mạng |
Điều 229 của Bộ luật triều Nguyễn quy định: Kho của vua gọi là Nội phủ, nó ở trong cấm địa của Hoàng thành. Hễ lấy trộm món gì ở đó dù nhiều hay ít đều bị tội chém đầu. Trở lại vụ án của Lý Hữu Diệm, sau khi xét xử, thay bằng tuyên án chém đầu, Bộ Hình giảm xuống thành tội đi đày. Vụ án tâu lên, vua Minh Mạng không chấp nhận giảm án và dứt khoát hạ lệnh cho Bộ Hình đưa can phạm ra chợ Đông Ba chém đầu cho mọi người trông thấy.
Sử cũ chép lại: "Thư lại Nội vụ Phủ là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng. Bộ Hình ra phán quyết đi đày. án tâu lên, nhà vua dụ rằng: "Khoảng năm Gia Long, bọn Nguyễn Đăng Được thông đồng với thợ bạc là Nguyễn Khoa Nguyên đúc trộm ấn giả, để trộm đổi ấn ở kho, đều xử chém ngay. Nay Hữu Diệm ở đấy cân vàng mà còn dám lợi dụng lấy trộm, huống chi của kho thì sao? Thế là trong mắt hắn đã không có pháp luật. Chi bằng theo đúng tội danh mà định tội để răn người khác. Lý Hữu Diệm phải giải ngay đến chợ Đông Ba chém đầu cho mọi người biết. Hồ Hữu Thẩm phải truyền cho bọn viên lại Nội vụ Phủ cùng đến xem, hoặc giả mắt thấy lòng sợ mà tự khuyên răn nhau để khỏi mắc tội, há chẳng là một phương thuốc hay cho mọi người sao?".
Sau khi Hữu Diệm bị xử chém, nhiều ý kiến cho rằng, bản án trên là quá nặng. Thế nhưng, đối với vua Minh Mạng, mọi người, kể cả hoàng thân quốc thích xuống đến thứ dân, binh lính đều bình đẳng trước pháp luật. Đối với những vụ án tham nhũng, đòi ăn hối lộ và biển thủ công quỹ thì Minh Mạng trị tội rất nặng, có khi vượt qua cả pháp luật.
Luật nay: Phạm tội tham ô tài sản nhưng chưa đến mức bị tử hình
Là một ông vua luôn thưởng, phạt hết sức nghiêm minh; người nào tham ô của công cho dù làm quan với chức vụ cao đều bị vua Minh Mạng xử lý rất nặng, có khi vượt khỏi cả pháp luật. Thế nên, việc nhà vua xử chém viên quan Lý Hữu Diệm cũng là điều dễ hiểu. Bản án của vua Minh Mạng tuy nặng nhưng nhằm mục đích giữ nghiêm kỷ cương phép nước.
Trong xã hội nào cũng vậy, hành vi tham ô, đục khoét của công đều bị lên án mạnh mẽ. Điều này thể hiện quan điểm cương quyết đấu tranh đối với tội phạm này, bởi vì cùng một lúc nó xâm hại đến hai khách thể quan trọng là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và quan hệ sở hữu tài sản. Ngày nay, Bộ luật Hình sự 1999 quy định: "Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm" (Điều 278).
Trở lại với vụ án của Lý Hữu Diệm, trong xã hội ngày nay, hành vi của Lý Hữu Diệm cũng bị quy vào tội tham ô tài sản. Theo đó, Diệm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn (trong trường hợp này là viên quan làm việc trong phủ Nội vụ, phụ trách việc cân vàng), để chiếm đoạt tài sản là 1 lượng vàng. Đây là tài sản công, thuộc sở hữu của triều đình nhưng Diệm đã "đục khoét" làm của riêng. Việc định tội tham ô với Diệm là hoàn toàn đúng, tuy nhiên, cần căn cứ vào hành vi cũng như hậu quả để tuyên án.
Tài sản mà Diệm "đục khoét" từ kho của triều đình là 1 lạng vàng. Tính theo thời điểm hiện nay, số vàng trên chỉ có giá trị khoảng vài chục triệu đồng. Hơn nữa, hành vi của Diệm cũng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, không có các tình tiết tăng nặng, chiếu theo điều luật hiện nay, Diệm có thể chỉ bị kết án từ 2 đến 7 năm tù. Có thể việc kết án tử hình với Diệm là chưa tương xứng với tội danh, tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, cần tăng nặng hình phạt hơn nữa với tội tham ô, tham nhũng trong xã hội hiện nay.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trom-mot-lang-vang-vien-thu-lai-bi-xu-chem-a42913.html