(ĐSPL) – Quy định về cho điểm bằng lời với học sinh Tiểu học đã chính thức áp dụng từ 15/10, sau tuần đầu triển khai, hoạt động đánh giá học sinh thực sự đã có nhiều thay đổi đáng kể.
Nhận xét bằng con dấu
Học sinh nhận điểm bằng cách...đóng dấu. Ảnh: VnExpress |
Tin tức trên báo Tuổi Trẻ, việc đi khắc sẵn lời nhận xét vào những con dấu gỗ hoặc khắc kí hiệu hình hoa, ngôi sao, mặt cười là phương pháp mà các giáo viên sử dụng để “vượt khó” khi phải đối diện với nhiều loại sổ sách và khối lượng công việc lớn hơn với yêu cầu kiểm soát, theo dõi, kèm cặp, động viên khích lệ từng HS.
Một giáo viên Trường tiểu học Phương Mai (Hà Nội) cho biết: “Tùy theo mỗi giáo viên có cách khắc phục riêng, nhưng hầu như cô nào cũng có 5-6 loại dấu nhận xét khác nhau”.
Trao đổi về các sáng kiến trong việc “thay chấm điểm bằng nhận xét”, cô Nguyễn Thị Kim Dung - hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Hoàng (Hà Nội) - chia sẻ: “Ở trường tôi, các cô cũng có sử dụng các con dấu để khen ngợi HS hoặc nhận xét chung."
"Nhưng lãnh đạo nhà trường khi tập huấn cho giáo viên cũng đã phổ biến kỹ, những “lời nhận xét gỗ” chỉ có thể sử dụng trong những trường hợp nhất định, chủ yếu dành cho những HS đã hoàn thành tốt, không có biểu hiện quá đặc biệt cả ở khía cạnh tích cực hay tiêu cực."
"Với những HS có thay đổi về khả năng tiếp thu, kết quả học tập, thái độ học tập theo chiều hướng tốt lên hay xấu đi, cần phải khuyến khích, chỉ dẫn thì không thể sử dụng “nhận xét bằng dấu gỗ” mà bắt buộc giáo viên phải nhận xét bằng lời nói, bằng chữ viết cụ thể”.
Cần nhiều hơn những phương pháp sáng tạo
Trong khi đó, thông tin trên VnExpress cho hay, cô Liên, giáo viên lớp 3 một trường tiểu học ở Tây Hồ (Hà Nội) kết hợp nhiều hình thức, như: nhận xét, tặng hoa giấy và đóng dấu "cô khen" khi học sinh làm bài tốt. Nhiều đồng nghiệp của cô đã sử dụng con dấu từ trước khi có thông tư 30, mục đích là khen ngợi, động viên học sinh nhiều hơn bên cạnh việc chấm điểm cao.
Để "giảm tải" cho việc ghi lời nhận xét, cô Liên chia 56 em trong lớp làm 4 tổ và ghi lời phê luân phiên, mỗi ngày 2 tổ. Những học sinh chữa bài tập trên bảng hoặc kiểm tra miệng sẽ được nhận xét trực tiếp trên lớp mà không phê vào vở. Theo cô, không nhất thiết ngày nào cũng phải có lời nhận xét bởi sự tiến bộ là cả một quá trình. Hơn nữa, nhà trường còn có sổ liên lạc điện tử giúp bố mẹ biết rõ tình hình học của con.
Khẳng định việc không chấm điểm như hiện nay sẽ giúp khuyến khích học sinh yếu kém bỏ qua tâm lý mặc cảm tự ti, nhưng một giáo viên chủ nhiệm lớp một ở quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết, việc phê vào bài vở hay bài kiểm tra của học sinh mất rất nhiều thời gian. Nếu trước đây, giáo viên chỉ đánh dấu đúng, sai rồi ước lượng để cho điểm thì bây giờ phải chỉ rõ từng bài, từng phần học sinh làm chưa đúng. Thông tư yêu cầu phải tránh những từ dễ gây tự ti cho học sinh, như “em chưa làm bài tốt”, “em làm bài yếu”… khiến không ít thầy cô vò đầu bứt tai nghĩ ra lời phê phù hợp và không trùng lặp.
Bên cạnh đó, việc chấm điểm bằng lời còn gây khó khăn với một số giáo viên môn năng khiếu như mỹ thuật hay thể dục, bởi những tiết học này đòi hỏi giáo viên phải hướng dẫn liên tục, phải thị phạm cho học sinh hiểu và làm theo, hết giờ lại đi dạy lớp khác, thời gian để viết nhận xét cho học sinh gần như là không có.
Trước đó, cũng có nhiều phụ huynh tỏ ra băn khoăn lo lắng với cách cho điểm này. Bởi lẽ khi phương pháp chấm điểm, phân loại học sinh đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người thì việc không chấm điểm làm sao đánh giá được chính xác. Việc nhận xét học sinh cũng vậy, từ định lượng (bằng điểm số) sang định tính (bằng những nhận xét) là rất khó khăn. Khó khăn nữa là không khéo lại tạo điều kiện cho tiêu cực vì đó là nhận xét hoàn toàn cảm tính của thầy cô giáo… Có phụ huynh còn lo lắng nếu không chấm điểm xếp loại thì có thể không có động lực để cho học sinh phấn đấu như “hoa điểm 10”, không có tranh đua học giỏi giữa học sinh nên chất lượng học sẽ không bảo đảm…
Thông tư số 30 về Quy định đánh giá học sinh Tiểu học bằng lời chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2014. Cụ thể nội dung đánh giá học sinh Tiểu học bao gồm: Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; Đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh: Tự phục vụ, tự quản; Giao tiếp, hợp tác; Tự học và giải quyết vấn đề; Đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh: Chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động giáo dục; Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; Trung thực, kỉ luật, đoàn kết; Yêu gia đình, bạn và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước. |