(ĐSPL) – Từ ngày 15/10 tới quy định về việc cho điểm học sinh Tiểu học bằng lời sẽ chính thức có hiệu lực. Nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự băn khoăn, lo ngai về sự chính xác và hiệu quả trong việc khắc phục bệnh thành tích của phương pháp này.
Giảm áp lực về điểm số, tạo không khí lớp học thân thiện
Chia sẻ trên báo Vietnamnet, anh Nguyễn Sơn cho biết, “Tôi thấy như thế là hơn, vì điểm số hay gây áp lực cho trẻ. Trước đây đi học tôi đã từng phải nghĩ kiểu trả lời "8 điểm 3 chỗ" để “thông báo” cho bố mẹ về 3 điểm 8 của mình. Đến lượt con trai bây giờ đi học, mỗi lần được 7, 8 điểm nó hay nói lảng khi bị hỏi hôm nay mấy điểm. Mà câu “hôm nay mấy điểm?” nhiều lúc chỉ là câu cửa miệng, mình hỏi theo thói quen. Nói cho cùng, nhận xét ở các lớp lớn còn quan trọng hơn, nhất là với tuổi mới lớn, cá tính hình thành mạnh, cái tôi cá nhân muốn được người khác để ý hơn bao giờ, nhất là thầy, và cũng đủ trình độ để hiểu hơn. Và phù hợp hơn trong các môn xã hội”.
Phương pháp cho điểm mới sẽ chính thức được áp dụng vào ngày 15/10. Ảnh minh họa. |
Theo Bộ GD, với cách đánh giá mới này, học sinh cũng có khả năng tự đánh giá, tham gia đánh giá; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ.
Đặc biệt là sự tham gia của cha mẹ học sinh có vai trò rất lớn trong phương pháp này, phụ huynh có thể cùng tham gia đánh giá quá trình và kết quả học tập, rèn luyện, quá trình hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của con em mình; tích cực hợp tác với nhà trường trong các hoạt động giáo dục học sinh.
Tin tức trên VOV phản ánh, đồng ý với phương án không chấm điểm học sinh cấp Tiểu học, chị Đào Thị Thúy, phố Võng Thị, quận Tây hồ, Hà Nội có con đang học lớp 1 cho rằng, học sinh cấp Tiểu học chủ yếu là rèn luyện các kỹ năng chứ không phải kiến thức.
Trong khi rất nhiều quốc gia trên thế giới đã không chấm điểm học sinh cấp Tiểu học và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, không hề gây áp lực học tập, điểm số cho học sinh và phụ huynh thì theo chị Đào Thị Thúy, bên cạnh việc nhận xét học sinh hoàn thành hay không hoàn thành bài tập, môn học nào đó, giáo viên có thể đánh giá mức học của con là Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém. Trong đó, mức học Giỏi có thể là từ 9-10 điểm; Khá từ 7-8 điểm... Như vậy, phụ huynh có thể biết được năng lực học tập của con như thế nào.
Vẫn còn những trăn trở, băn khoăn
Bên cạnh những phản hồi tích cực như vậy, cũng còn không ít phụ huynh lo lắng và không hoàn toàn nhất trí với phương pháp cho điểm mới này của Bộ Giáo dục.
Bởi lẽ khi phương pháp chấm điểm, phân loại học sinh đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người thì việc không chấm điểm làm sao đánh giá được chính xác. Việc nhận xét học sinh cũng vậy, từ định lượng (bằng điểm số) sang định tính (bằng những nhận xét) là rất khó khăn. Khó khăn nữa là không khéo lại tạo điều kiện cho tiêu cực vì đó là nhận xét hoàn toàn cảm tính của thầy cô giáo… Có phụ huynh còn lo lắng nếu không chấm điểm xếp loại thì có thể không có động lực để cho học sinh phấn đấu như “hoa điểm 10”, không có tranh đua học giỏi giữa học sinh nên chất lượng học sẽ không bảo đảm…
Bên cạnh đó, có người cho rằng mục đích “giảm bệnh thành tích” ở bậc Tiểu học sẽ không thể thông qua việc cho điểm bằng lời mà hiệu quả.
Chị Lê Thùy Dương, phố Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội nêu quan điểm trên báo VOV: Bộ GD-ĐT đưa ra phương án không chấm điểm học sinh Tiểu học với mục đích là khắc phục dần bệnh thành tích trong giáo dục. Thế nhưng, thực tế, việc chạy theo “bệnh” thành tích là từ phía những người quản lý nhà trường muốn có thành tích thi đua chứ không phải là do chấm điểm học sinh.
Việc không chấm điểm có mặt hạn chế là phụ huynh không biết được thực lực học tập của con mình đến đâu, yếu kém ở mặt nào để điều chỉnh. Thậm chí, nhiều phụ huynh có ý nghĩ là kệ cho con học, dẫn đến lơ là việc kiểm tra kiến thức của con.
Nếu hàng ngày giáo viên chỉ nhận xét học trò là hoàn thành hay không hoàn thành bài tập thì chỉ phản ánh mức độ chăm chỉ, chứ không thể phản ánh hết khả năng học tập của con đến đâu. Ví dụ như giáo viên nhận xét con không hoàn thành môn Toán trong một ngày nào đó thì không thể biết được con không hoàn thành bài Toán nào, phần nào, sai ở đâu.
Cùng chung ý kiến, chị Đinh Bích Hạnh, phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội cũng cho rằng nếu không chấm điểm học sinh cấp Tiểu học thì nhiều phụ huynh sẽ không bám sát được quá trình học tập của con mà chỉ biết được việc đánh giá trình độ học tập của con một cách chung chung. Họ sẽ không biết rõ được con yếu kém ở bài học, phần học nào để cố gắng kèm cặp thêm hay quan tâm bổ sung kiến thức cho con ở phần đó hơn.