(ĐSPL) - Ngày 9/3, những người biểu tình ủng hộ Nga và Kiev đã đụng độ với nhau, trong khi Tổng thống Putin nói trưng cầu dân ý ở Crimea là phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ngày Chủ Nhật (9/3), hàng nghìn người ủng hộ hội nhập với Nga đã chiếm tòa thị chính thành phố Lugansk ở miền đông Ukraine và treo cờ Nga lên trụ sở cơ quan an ninh ở Donetsk.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi khá căng thẳng với Thủ tướng Đức Angela Merkel |
Trong các cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron, theo AFP, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tố cáo các nhà lãnh đạo mới của Ukraine không kiềm chế nổi “các lực lượng dân tộc cực đoan”. Bất chấp sự lên án của phương Tây, ông Putin nói việc trưng cầu dân ý ngày 16/3 ở Crimea là hợp pháp và dựa trên “luật pháp quốc tế”.
Theo Reuters, điện Kremlin tuyên bố: "Vladimir Vladimirovich Putin đặc biệt nhấn mạnh rằng các biện pháp mà chính quyền hợp pháp của Crimea ban hành là dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế và đảm bảo những quyền lợi hợp pháp của nhân dân bán đảo này”.
Tuy nhiên Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong một cuộc điện đàm hôm Chủ nhật, rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là bất hợp pháp và vi phạm Hiến pháp Ukraine.
Trong khi đó, một nghị sĩ Nga cho biết Moscow đã dành sẵn 1,1 tỷ USD để viện trợ cho Cộng hòa tự trị Crimea. Đồng thời, tập đoàn khi đốt nhà nước Gazprom cảnh báo có thể ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine do khoản nợ chưa trả lên tới 1,89 tỷ USD, một động thái có thể đụng chạm đến Châu Âu.
Chủ tịch Quốc hội Crimea Vladimir Konstantinov nói rằng binh sĩ Ukraine còn lại nên rời khỏi vùng lãnh thổ này trừ phi họ từ bỏ chính quyền ở Kiev.
Trong khi đó, các lực lượng thân Nga đã siết chặt quyền kiểm soát, chiếm một đồn biên phòng của Ukraine nằm ở biên giới phía tây Crimea với khoảng 30 nhân viên còn kẹt bên trong. Một phát ngôn viên quân sự của Ukraine, ông Oleh Slobodyan, cho biết hiện các lực lượng thân Nga kiểm soát 11 đồn biên phòng trên bán đảo này.
Moscow đã phủ nhận sự có mặt của binh sĩ Nga trên bán đảo Crimea nhiều hơn lực lượng thường trực của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol.
Các nhà quan sát nước ngoài không thể vào Crimea để trực tiếp xem xét tình hình và đã bị buộc phải quay trở về hôm Thứ Bảy (8/3) sau khi các tay súng thân Nga nổ súng cảnh cáo.
Minh Đức (theo AFP, Reuters)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tt-putin-trung-cau-dan-y-o-crimea-la-hop-phap-a24827.html