(ĐSPL) – Căng thẳng Ukriane-Crimea đang lên tới đỉnh điểm, trong khi Nga và phương Tây đều phô trương sức mạnh, không chịu lùi bước.
Ukraine sắc lệnh huỷ trưng cầu dân ý ở Crimea
Tổng Thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchynov ngày 7/3 ký sắc lệnh hủy bỏ quyết định tổ chức trưng cầu dân ý của Nghị viện Crimea.
|
Tổng Thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchynov ngày 7/3 ký sắc lệnh hủy bỏ quyết định tổ chức trưng cầu dân ý của Nghị viện Crimea. |
Ngày 6/3, Nghị viện Crimea đã biểu quyết sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga và ấn định ngày 16/3 là ngày tổ chức trưng cầu dân ý.
Theo Reuters, ông Oleksandr Turchynov nói quốc hội Ukraine và cá nhân ông sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.
Thủ tướng tạm quyền Arseniy Yatsenyuk tuyên bố “không ai trong thế giới văn minh” công nhận các kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea mà ông gọi là “bất hợp pháp” và “vi hiến”. Lãnh đạo Mỹ và các nước Châu Âu cũng gọi cuộc trưng cầu dân ý này là bất hợp pháp.
Nga không bỏ rơi Crimea, gây sức ép lên Ukraine
Trong khi đó, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko nói các nhà lập pháp Nga sẽ hậu thuẫn quyết định của Crimea, nếu khu vực này của Ukraine quyết định sáp nhập vào nước Nga trong một cuộc trưng cầu dân ý.
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin lên án chính phủ Ukraine mới do Tây phương hậu thuẫn là “bất hợp pháp” và nói Moscow “không thể làm ngơ” trước những lời kêu gọi xin được giúp đỡ đến từ khu vực có nhiều người Nga ở miền Đông và Nam Ukraina.
Hãng tin Reuters ngày 7/3 đăng tải lại tin tức của truyền hình Ukraine dẫn lời lực lượng biên phòng Ukraine nói 30.000 lính Nga đã vào Crimea. Hồi đầu tuần Kiev đã xác nhận có tổng cộng 16.000 binh sĩ Nga ở Crimea.
Đây không phải là lần đầu Lực lượng biên phòng Ukraine thông báo Nga đưa quân vào Crimea. Vào ngày 3/3, lực lượng này cho biết quân đội và máy bay quân sự của Nga đang đổ vào Crimea. Trong một tuyên bố, lực lượng này nói rằng trong vòng 24 giờ, có 10 máy bay trực thăng chiến đấu và 8 máy bay chở hàng quân sự của Nga đã hạ cánh xuống bán đảo bên bờ Biển Đen đang là điểm nóng này. Cũng theo biên phòng Ukraine, 4 tàu chiến của Nga đã cập cảng Sevastopol kể từ ngày 1/3.
|
Gazprom không loại trừ có thể cắt giảm việc cung cấp khí đốt cho Ukraine |
Theo Itar-Tass, Giám đốc điều hành Tập đoàn khí đốt Gazprom tuyên bố Nga không thể cung cấp khí đốt cho Ukraine miễn phí và cảnh báo nếu Kiev không thanh toán 2 tỷ USD tiền khí đốt còn đang nợ thì Ukraine có thể trở lại tình hình giống như cuộc khủng hoảng khí đốt đầu năm 2009.
Giám đốc điều hành Miller nói với các nhà báo hôm 7/3: "Ukraine đã bỏ lỡ thời hạn thanh toán cho việc cung cấp khí đốt vào thời hạn chót 7/3. Khi khoản nợ ngày càng tăng, Gazprom không loại trừ có thể cắt giảm việc cung cấp khí đốt cho đất nước này”.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Gazprom Alexander Medvedev cho biết: “Gazprom đã gia tăng thị phần tại thị trường Châu Âu do sức sản xuất nội địa tại một số quốc gia châu Âu như Anh và Na Uy đã giảm sút. Chúng tôi không thấy có các dấu hiệu cho thấy tình hình tại châu Âu sẽ thay đổi.”.
Mỹ đưa tàu khu trục vào Biển Đen, NATO tập trận ở Na Uy
Ngày 7/3, một tàu chiến của Mỹ đã đi qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp tục hải trình hướng tới Biển Đen. Động thái này được quân đội Mỹ mô tả là hoạt động triển khai "thông thường" được lên kế hoạch trước thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine.
|
Mỹ đưa tàu khu trục tên lửaUSS Truxton vào Biển Đen |
Hình ảnh trên truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy tàu khu trục tên lửa USS Truxton đi lên phía Bắc qua Istanbul hướng tới Biển Đen, nơi tàu này dự kiến tiến hành tập trận với lực lượng hải quân của hai đồng minh thuộc NATO là Bulgaria và Romania.
Theo Hiệp ước Montreux, tàu chiến của những nước không ở ven Biển Đen chỉ được phép lưu trú 21 ngày trong vùng biển này.
Cùng ngày, quân đội Na Uy thông báo NATO đang tiến hành một cuộc tập trận tại miền Bắc Na Uy với sự tham gia của 16.000 binh sĩ đến từ 16 nước để diễn tập ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự bất ngờ. Cuộc tập trận có sự tham gia của 9.000 binh sĩ Na Uy và 7.000 binh sĩ từ các quốc gia khác thuộc NATO như Anh, Pháp, Mỹ cũng như hai quốc gia không liên kết là Thụy Điển và Thụy Sĩ. Mục tiêu của cuộc tập trận là huấn luyện binh sĩ NATO chiến đấu trong môi trường lạnh giá như miền Bắc Na Uy và trong số các quan sát viên quốc tế sẽ có cả người Nga.
Quân đội Na Uy khẳng định cuộc tập trận đa quốc gia mang tên "Cold Response" được lên kế hoạch từ lâu và không liên quan đến tình hình căng thẳng giữa Phương Tây và Nga liên quan đến Ukraine.
Văn Linh (tổng hợp)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dien-bien-khung-hoang-ukraine-ngay-cang-leo-thang-a24651.html