(ĐSPL)– Trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục đưa ra những lập luận xảo ngôn, đánh tráo khái niệm và lừa dối công luận quốc tế.
Luật sư Lê Thanh Sơn - Văn phòng Luật sư AIC, thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam đưa ra quan điểm như trên tại cuộc đối thoại chia sẻ về tình hình biển Đông, được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức vào sáng 13/5.
Luật sư Lê Thanh Sơn phát biểu về tình hình biển Đông. |
Nhắc lại vụ kiện của Philipines, ông Sơn khẳng định Trung Quốc đã cố tình đánh tráo khái niệm, tự tạo ra chủ quyền ở đó, xây dựng các thềm lục địa, các khu đặc quyền kinh tế. Còn đối với Việt Nam, các tờ báo, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc hô hào rằng Trung Quốc có chủ quyền ở khu vực đặt giàn khoan, chồng lấn lên các vùng của Việt Nam với mưu đồ biến việc không có tranh chấp thành có tranh chấp.
“Trung Quốc muốn dựa vào đó để đưa ra tuyên bố về đường lưỡi bò. Điều này là vô cùng nguy hiểm vì đường lưỡi bò chiếm đến 80\% biển Đông. Trung Quốc đã không tôn trọng những điều họ đã ký, chà đạp lên những cam kết mà họ là thành viên, lừa dối công luận thế giới” – Luật sư Sơn khẳng định.
Phân tích sâu hơn dưới góc độ pháp lý, ông Sơn cho rằng, theo Công ước về Luật biển 1982, trong vùng đặc quyền kinh tế, tất cả các nước đều có quyền tự do đi lại nhưng không được đánh, bắt cá, hải sản, thăm dò khai thác, đặt đường dây cáp ngầm khi chưa có sự cho phép của quốc gia có chủ quyền tại vùng đặc quyền kinh tế đó. Trong trường hợp đang có tranh chấp, Công ước Luật biển 1892 cũng quy định, các bên không được phép làm gia tăng tranh chấp, không được khai thác hay tiến hành các hoạt động nghiên cứu ở vùng biển đó.
“Từ đó, có thể khẳng định tất cả những hành động của Trung Quốc trong thời gian vừa qua không phải là tranh chấp mà là thực chất là xâm chiếm” – Luật sư Lê Thanh Sơn nói và cho rằng, Trung Quốc với tư cách thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, lẽ ra phải tôn trọng các điều đã ký về quy định công ước biển, song họ đã cố tình chà đạp lên tất cả. Mặt khác, cũng chính Trung Quốc là nước liên tục đưa ra những lập luận xảo ngôn, đánh tráo các khái niệm, lừa dối công luận trong những vụ việc tranh chấp tại biển Đông.
Theo ông Sơn, Việt Nam nên có các động thái cần thiết như gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, kiến nghị vấn đề này lên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, và có thể khởi kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế.Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Lan Anh - Phó trưởng khoa luật Quốc tế (Học viện Ngoại Giao) cho rằng, Việt Nam không thể hành xử giống Trung Quốc, mà sẽ tuân thủ theo luật pháp quốc tế.
TS. Nguyễn Thị Lan Anh phân tích về hành vi vi phạm của Trung Quốc. |
Theo TS. Nguyễn Thị Lan Anh, vị trí hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý để chứng minh chủ quyền đối với Hoàng Sa từ thế kỷ XII qua các hoạt động chiếm hữu thực sự của các đời vua Nguyễn. Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa bằng sử dụng vũ lực trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc năm 1974, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Với hành động đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cho tàu, máy bay tấn công, uy hiếp các tàu đang làm nhiệm vụ của Việt Nam, Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và de dọa sử dụng vũ lực.
Theo tin tức lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cung cấp, bất cứ tàu thuyền nào của Việt Nam đi qua khu vực giàn khoan HD-981 đang hạ đặt trái phép đều bị tàu Trung Quốc bám sát và uy hiếp, tấn công. Như vậy, hành động này cho thấy Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền tự do hàng hải và đe dọa an ninh, an toàn hàng hải, hàng không.
Không chỉ có vậy, với tất cả những hành động ngang ngược, thô bạo trong thời gian qua, Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cụ thể là, vi phạm cam kết không đe dọa sử dụng vũ lực, sử dụng vũ lực và giải quyết bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không leo thang tranh chấp, không chiếm đóng mới và giải quyết bất đòng theo tinh thần xây dựng.
Trung Quốc cũng đang vi phạm 16 chữ vàng là “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt là “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Căn cứ vào các tài liệu pháp lý, Phó trưởng khoa luật Quốc tế (Học viện Ngoại giao) cho biết, vị trí đặt giàn khoan HD- 981 nằm hoàn toàn trong chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Vị trí này cách đất liền Việt Nam 132 hải lý, cách đảo Lý Sơn một điểm của đường cơ sở theo luật Việt Nam 119 hải lý, cách Hoàng Sa của Việt Nam 66 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo TS. Lan Anh, việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam vi phạm trắng trợn các điều luật biển quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Chính phủ Trung Quốc đã đơn phương phá vỡ cam kết thực hiện nghiêm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Nhận định hành động của Trung Quốc là không bình thường, bởi nó đang đi ngược lại các thỏa thuận của công ước quốc tế và những điều mà chính Trung Quốc đã đặt bút ký và cam kết, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng – Viện Biển Đông cho rằng, tình hình biển Đông đang có dấu hiệu leo thang chứ chưa hạ nhiệt, nâng từ chỗ quan ngại lên mức độ nguy hiểm”.
PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng trong cuộc đối thoại về vấn đề biển Đông. |
“Ngay khi các diễn biến dồn dập liên quan đến giàn khoan HD-981 thì Trung Quốc vẫn ngang nhiên tiến hành các hành động cướp phá, tấn công cả tàu cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ và tàu cá của Việt Nam", ông Tùng nói và khẳng định, đây là hành động phi pháp, đi ngược lại các tuyên bố về chính trị song phương và đa phương, đi ngược lại Công ước Luật biển 1982, trong đó, các bên cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế; cam kết sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp; cam kết kiềm chế không để tình hình leo thang và diễn biến phức tạp.
Xem thêm clip: Tàu Trung Quốc tấn công vòi rồng, tàu Việt Nam đáp trả