Tượng Tiền Quân Nguyễn Văn Thành tại một ngôi miếu thuộc Đại Nội Huế |
Thì cơ hội đó đã tới. Con trưởng của Thành là Nguyễn Văn Thuyên đã đỗ Hương cống và tỏ ra là người có tài. Vừa cậy tài, lại vừa có thế cha, Nguyễn Văn Thuyên không khỏi có chút khoa trương kênh kiệu. Bắt chước các bậc quyền quý đời trước, Thuyên cũng chiêu tập môn khách. Bấy giờ Nguyễn Trương Hiệu người Thanh Hóa tự đến cửa nhà Thuyên mong được kết bạn. Thuyên nghe nói ở Thanh Hóa còn có Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Đức Thuận đều là những bậc hiền tài thì ngỏ ý muốn Nguyễn Trương Hiệu đi vời.
Nguyễn Trương Hiệu không những không đi mà còn đến báo với thiêm sự Hình bộ Nguyễn Hữu Nghi rằng Thuyên “bội nghịch”, lại còn đưa ra bài thơ Thuyên viết cho 2 vị và tố rằng qua bài thơ Thuyên ngỏ ý muốn làm vua.
Bài thơ như sau: (đã dịch qua Hán Việt)
Văn đạo ái châu đa tuấn kiệt
Hư hoài trắc địa dục cầu ti
Vô tâm cửu bảo Kinh Sơn phác
Thiện tướng phương chi Ký Bắc kỳ
U cốc hữu hương thiên lý viễn
Cao cương minh phượng cửu cao tri
Thử hồi nhược đắc sơn trung tể
Tá ngã kinh luân chuyển hóa ky
Bài thơ có khẩu khí đế vương rất rõ. Vốn người khôn ngoan, không muốn ra mặt để chuốc oán với Nguyễn Văn Thành, Nghi sai Hiệu đến cáo với tả quân Lê Văn Duyệt – người ngang vai vế lại sẵn có hiềm khích đối với Thành.
Quả nhiên là Lê Văn Duyệt đem dâng bài thơ đó lên cho vua Gia Long. Không ngờ Gia Long phán: sự trạng vẫn chưa rõ rệt, không nên khép tội Thuyên và hạ lệnh trả bài thơ đó lại cho kẻ cáo giác, xem như chẳng có chuyện gì.
Đâu phải vua muốn che đỡ cho cha con Nguyễn Văn Thành. Chỉ cần dựa vào đây là có thể khép cho Thuyên tội chết. Nhưng Gia Long thừa hiểu Thuyên chỉ là một kẻ ngông cuồng. Hơn thế nữa Gia Long muốn diệt Nguyễn Văn Thành chứ không phải là diệt con hắn. Diệt Văn Thành với kế này thì cùng lắm chỉ khép được tội “không biết dạy con” mà thôi. Như thế sẽ làm cho Thành thêm phòng thân. Hãy cứ để đấy, âu cũng là một cách gia ơn nhằm nuôi thêm sự sơ hở của Thành.
Sang năm 1816, ngòi nổ dường như được châm. Kỳ lục QuảngTrị Nguyễn Duy Hòa vào chầu, được phe chống Thành kích động đã dâng sớ hạch tội Nguyễn Văn Thành. Sớ viết:
“Con Nguyễn Văn Thành âm mưu làm phản, Thành không biết đến cửa khuyết chịu tội mà còn áo triều mũ triều nghênh ngang đứng ở trên các đình thần, như thế thì còn thể thống triều đình chi nữa. Huống chi Văn Thành lại là người soạn điều luật, tự tiện bỏ qua tội kết giao cận thị của Trần Hựu. Y là người bậy, cưỡng dâm vợ người nhưng Văn Thành vẫn nhắm mắt làm ngơ. Ông ta kết bè đảng, dối trên lừa dưới, xây dựng mồ mả cha mẹ thì vượt thói phạm nhân, xét đạo của người bề tôi thì đó là tội rất lớn. Nay bệ hạ có thương là người có công nhưng cũng nên lấy phép mà trị, rồi sau lấy ơn mà chu toàn cho, như thế phép nước mới được đúng”.
Nắm được tờ sớ Gia Long có ý mừng, bèn giao ngay xuống cho đình thần bàn bạc, định tội. Nhưng trước đình thần, Nguyễn Văn Thành chỉ nhận tội cử nhầm Trần Hựu. Các tội khác ông ta đều nêu ra chứng cớ có lý để bác bỏ cả. Và rất khôn ngoan Thành dâng sớ chỉ nhận mỗi tội “nhầm lẫn” của mình, do vậy các quan không ai vạch thêm tội của Thành. Tất cả thấy đúng như Thành tâu.
Vua Gia Long lại thêm một lần nữa thất vọng và rất khéo léo, nhà vua gợi nhớ đến bài thơ phản nghịch của Văn Thuyên. Ý vua là muốn đình thần kết tội Thuyên thật nặng để từ đó kết tội Thành. Lần này Gia Long không thể không bộc lộ thẳng dụng ý của mình. Ngài dụ trước để vạch hướng đi cho đám bầy tôi : “Ý thơ của Văn Thuyên sao mà tiến bộ thế? Phàm có Lương Vũ để làm vua rồi sau mới có Tể tướng trong núi chứ? Văn Thuyên là người như thế nào mà muốn được Tể tướng trong núi?”
Ý vua thế nào ai cũng rõ, thế nhưng không có ai dám đứng lên tố cáo Thành theo ý vua. Vua lại bất lực, thở dài rồi bãi triều.
Chân dung vua Gia Long - Nguyễn Ánh |
Đến đây Gia Long thấy không thể không khép nhanh vụ án của cha con Nguyễn Văn Thành. Tháng 3, vua triệu bầy tôi đến điện Cần Chánh sách lập thái tử. Gia Long gọi Thượng thư bộ Lại Trịnh Hoài Đức yêu cầu viết : “Lập hoàng tử Hiệu làm thái tử”. Muốn thăm dò đình thần, vua nói thêm “ Ai đồng ý thì ký tên vào”. Ai cũng phải ký tên, duy có Thành không đồng ý. Để triệt phá cái lý “đích tôn thừa trọng” của Nguyễn Văn Thành, vua dẫn việc Thái tổ nhà Minh vì lấy đích tôn làm trọng, bỏ con lập cháu mà sinh ra tai vạ để làm chứng, tỏ rõ sự sáng suốt của mình.
Tháng 4, Gia Long thu ấn Chưởng trung quân của Thành và bắt giam Thuyên vào ngục.Trong ngục tù, Gia Long tìm mọi cách để ép Nguyễn Văn Thuyên phải nhận tội. Với sự ra tay của Tả quân Lê Văn Duyệt, cuối cùng Nguyễn Văn Thuyên phải cúi đầu nhận là mình có ý làm phản. Nguyễn Văn Thành nghe tin như sét đánh ngang tai, sợ hãi quá bèn dâng biểu xin nhận tội. Tất nhiên điều này vẫn chưa vừa ý vua. Vua muốn mượn miệng bầy tôi để trừng trị nặng hơn tội trạng của Nguyễn Văn Thành. Tờ biểu của Thành được đưa lên cho các đình thần xem xét. Đình thần luận tội như sau: “Văn Thuyên mưu làm phản, tội trạng đã rõ ràng. Văn Thành dám che dấu cho con, lấy yêu ngôn tâu bậy, tiến cử người xằng, làm nhiều điều bất pháp như thế, xin xử tội chết”. Ấy vậy nhưng vẫn có một số vị quan to trong triều không đồng ý với bản luận tội ấy. Vậy là cái án chết tạm thời vẫn treo lơ lửng trên đầu Nguyễn Văn Thành. Phải cho đến tháng 5 năm 1827, niên hiệu Gia Long thứ 16 mới khép được Thành vào một vụ án đại nghịch.
"Chim hết rồi thì chó săn cũng bị...thịt"
15 năm trước đó, khi mới lên ngôi, để vỗ về dân Bắc Hà vẫn còn hoài vọng nhà Lê, Gia Long đã tìm ra được một người dòng họ Lê là Lê Duy Hoán và phong cho ông ta tước Diên Tự Công. Duy Hoán ở Thanh Hóa đang yên phận thì Đỗ Doanh Hoành từ Hưng Yên vào xin làm môn hạ và xúi Duy Hoán làm phản. Đặng Đình Thạnh được cử làm mưu chủ, Lê Duy Hoán được tôn làm Trinh Nguyên hội chủ, xưng là vua Lê. Hoán sai người về Bắc Thành chiêu mộ quân sĩ. Việc bị phát giác, sự trạng tâu lên, vua Gia Long khép Duy Hoán và bè đảng vào tội chết.
Không hiểu thế nào mà từ hai việc khác nhau, Duy Hoán lại khai Văn Thuyên làm chủ mưu, gửi thư bảo Hoán làm phản. Song Văn Thuyên vẫn đang ở trong ngục thì bảo Hoán thế nào được? Gia Long biết và nói thẳng điều này với các đình thần. Đâu phải vua muốn vạch chỗ sai trái để cho đúng tội trạng. Vua muốn suy rộng hơn nữa kia! Thì đình thần Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Đình Đức đã theo đúng hướng vua mở. Cả hai đều biện luận rằng: “Bọn kia âm mưu làm phản từ ngày Văn Thành còn làm tổng trấn Bắc Thành chứ không phải lúc tù tội rồi mới gửi thư”. Vài ngày sau, tất cả các đình thần đều quả quyết âm mưu làm phản của cha con Nguyễn Văn Thành đã quá rõ, cần kết tội ngay để răn đe thiên hạ. Gia Long thấy đúng ý mình thì rất vui nhưng vẫn còn giả nhân giả nghĩa: “Trẫm đãi Văn Thành không bạc, nay hắn tự mình làm nên tội, thì phép công của triều đình trẫm không thể làm của riêng được.”
Liền đó Nguyễn Văn Thành cùng các con bị bắt và giam ở nhà ngục của cơ Thị Trung. Đến nơi giam giữ, Thành nói với thống chế Thị Trung Hoàng Công Lý: “Án đã xong rồi, vua bắt bề tôi chết, bề tôi không chết không phải là trung”. Những lời cuối cùng này chứng tỏ Nguyễn Văn Thành đã thấu hiểu rõ ông vua mình dựng lên vụ án này rồi, vua bắt ông ta chết thì đằng nào ông ta cũng không thoát được. Và Nguyễn Văn Thành đã uống thuốc độc tự tử.
Sau cái chết không chờ chung cuộc của Nguyễn Văn Thành, vua Gia Long rất giận vì ông ta đã bị phơi bày lòng dạ trước miệng lưỡi thế gian. Ông ta bèn lấp liếm: “VănThành không biện bạch mà chết, sự nhơ bẩn càng rõ rệt”. Vua cho mai táng Nguyễn Văn Thành thật hậu. Vua ban cho 500 quan tiền, cấp trả áo mũ, lại cho thêm 3 cây gấm Thống, 10 tấm vải, 10 tấm lụa để phục vụ cho việc chôn cất, mặc dù với tội của Thành thì chỉ được táng như kẻ thường dân. Trừ Thuyên ra, các con của Thành đều được tha. Những kẻ còn lại, kể cả mấy viên quan trước đã bênh vực Thành đều bị kết án nặng nhẹ khác nhau. Duy Hoán, Văn Thuyên bị xử lăng trì. Nguyễn Trương Hiệu được thưởng 500 quan tiền vì có tội cáo giác.
Oan sai được giải sau 3 đời vua
Nguyễn Văn Thành là bậc nho tướng, giỏi việc quân, biết dùng người hiền tài, mang phong thái của một mạnh thường quân, việc tài chánh, giao thiệp với ngoại bang, biên soạn hình luật, không gì không làm được, giỏi văn chương, giao hảo với Ngô Nhân Tịnh, có thơ tặng đáp với Lê Quang Định, nhưng thơ văn phần nhiều không thấy hành thế, nay chỉ còn vài tác phẩm trong đó nổi tiếng nhất là bài “Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong” viết bằng chữ Nôm.
Sách Đại Nam Liệt Truyên còn ghi:
"...Thành có văn võ tài lược, lâm trận dụng binh mưu lược rồi mới đánh cho nên ít khi thua, lúc đầu trung hưng, công ấy tốt lắm. Đến khi Bắc hà đã định, một mình đương công việc Tổng trấn không động đến lời nói nét mặt mà trộm giặc đều yên, bày mưu chốn miếu đường, bày tâu sự nghị đều được thi hành, có thể gọi là người có mưu giỏi trị nước..."
Lăng mộ Tiền Quân Nguyễn Văn Thành |
Năm Mậu Thìn 1868, sau khi nguyên niên được 21 năm, thể theo lời đệ tấu xin gia ân của Đông các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn, Vua Tự Đức đã truy xét công trạng, lại chiếu giải oan án và phong chức tước cho con cháu Tiền Quân Nguyễn Văn Thành. Sau đây là bản dịch nghĩa Sắc gia ân do dịch giả Lê Xuân Hoàng phụng dịch:
Nhân lúc vận trời đang hưng vượng Hoàng Đế phán rằng:
Ta nghĩ công thần là khí tốt của nước nhà, là người có quyền lớn, những việc làm kỳ lạ đều bày ra tốt đẹp, có công và có tội cũng có khi xảy ra. Các quan nhà Châu đều đặt ra tám nghị (điều) còn bên sách Tả truyện thì có mười điều là để khen chê những người có công hay có tội.
Trước đây Vọng Các Công Thần là ông Quận Công Thành, NGUYỄN VĂN THÀNH là một người công thần cũ, là con của ông NGUYỄN VĂN HIỀN, là một nhà trung nghĩa đời đời đều có công, đã từng đánh giặc nhiều phen, đánh trăm trận lên đến Đại tướng, chức đến Thượng công.
Sử sách còn để rõ ràng. Về triều đại Gia Long, nhân vì người con có tội, mà để lụy cho cha, có dâng biểu lên thì nhà Vua cũng cảm động. Đến triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị cũng đem ra xét và đã thi ân tha tội. Trẫm ngưỡng truy vì ta đây thấy chỗ đời trước cũng thương tiếc đến công trạng. Sắc cho đình thần phải hai ba lần xét lại cho rõ ràng, rồi cho lại chức tước đúng như nguyên hàm mà thờ tự.
Như thế là đã thi ân nhiều cho ông NGUYỄN VĂN THÀNH được phục chức Vọng Các Công Thần, tước Quận Công, được thờ vào miếu Trung Hưng Công Thần và cho cáo mạng để an ủi linh hồn.
Than ôi ! Công lao nặng như đá, không lẽ vì một chút đứa con mà phải bị mất hết, cho nên phải truy lục lại để tỏ rõ là ơn của nhà Vua vậy.
Như vậy là đã đối xử một cách rất hậu đối với tướng tài, nhà Vua không quên ơn của người có công, mặc dầu đã qua đời lâu nhưng vẫn như còn sống vậy.
Ngày 17 tháng 4 năm Tự Đức thứ 21.
V.H