(ĐSPL) - Sau khi cướp ngai vàng của Hiến Văn Đế, Chu Đệ chính thức lên ngôi, lấy hiệu là Vĩnh Lạc (1402 - 1424). Vừa lên ngôi, Chu Đệ đã cho thanh trừng nội cung, giết toàn bộ cung nữ, người hầu và thái giám, trừ những người trước đây đã từng đắc tội với Hiến Văn Đế.
Số cung nữ bị giết gần ba vạn người, máu chảy thành sông, thây chất thành núi, tiếng than khóc vang trời.
Để củng cố quyền lực, Chu Đệ phế bỏ Quảng Trạch Vương Chu Doãn Thông, Hoài Ân Vương Chu Doãn Kiên xuống làm thường dân, quản thúc Ninh Vương Chu Quyền ở Nam Xương. Đồng thời, ông ta cho những người thân tín của mình trấn thủ những nơi hiểm yếu và phục chức cho những người bị Hiến Văn Đế phế bỏ trước đây.
|
Chân dung hoàng đế Chu Đệ. |
Sau khi lên ngôi, Chu Đệ ra chiếu thư diệt trừ tất cả những đối tượng có ý gièm pha, nghi kỵ mình để mở màn cho một cuộc thanh trừng toàn bộ các đại thần, tay chân thân cận của Hiến Văn Đế. Lúc Chu Đệ dẫn quân vào kinh thành, thái tử Đăng chuẩn bị ra nước ngoài cầu viện quân để cứu giang sơn nhưng không may bị Chu Đệ bắt được. Thái tử Đăng không những không quy phục lại còn lấy bút viết vào giấy: "Các văn thần của tiên đế đã từng can ngăn không nên lập bọn phiên vương, tiên đế không nghe, nay con cháu mới thấy hậu quả tàn khốc của nó". Chu Đệ tức giận, liệt thái tử Đăng vào hạng thủ ác, phải bị hành hình. Chu Đệ cho người chặt đứt hai tay, hai chân của Đăng và nói: "Xem thử mi có hai tay để bơi ra đảo nữa hay không, có hai chân để đạp xuống đáy biển nữa hay không? Xem thử mi có thể vượt biển cầu viện để chống lại ta nữa hay không?". Toàn bộ gia quyến là thái tử Đăng, không phân biệt già trẻ, lớn bé đều bị chặt đầu, tổng cộng 380 người bị giết, một số bị đày ra biên ải.
Thiết Huyễn nguyên là Binh bộ Thượng thư dưới thời Hiến Văn Đế cũng không thoát khỏi án tử. Lúc hành hình, Chu Đệ sai cắt thịt Thiết Huyễn rồi đưa miếng thịt cho ông và nói: "Mi xem thịt mi có ngọt không?". Thiết Huyễn nhai miếng thịt của mình, trả lời: "Thịt của người trung thần, hiếu tử không bao giờ ngọt cả!". Chu Đệ tức quá, liền hạ lệnh cắt tai, xẻo mũi Thiết Huyễn, đổ dầu vào thân thể, đốt cháy thành than. Thiết Huyễn chết, hai người con của ông cũng bị xử tử theo cha.
Cùng chung số phận với những trung thần khác của Hiến Văn Đế, ngự sử đại phu Luyện Tử Ninh bị cắt lưỡi trước khi xử tử, gia quyến bị giết 101 người, hơn 100 người bị lưu đày biệt xứ. Hình bộ thượng thư Bạo Chiếu bị nhổ răng, chặt tay chân cho đến chết do ông này chửi Chu Đệ quá nhiều. Lễ bộ thượng thư Trần Địch cùng 180 người bị lưu đày. Hộ bộ thị lang Trác Kính bị tru di tam tộc.
Phương Hiếu Nhị là người học rộng tài cao, rất có tiếng tăm ở đầu triều Minh. Có một vị hòa thượng tên là Đạo Diễn vốn rất yêu mến tài đức của Nhị, sợ Nhị bị giết nên ra sức can ngăn Chu Đệ rằng: "Ở phương Nam có Phương Hiếu Nhị là người học vấn uyên thâm lại có phẩm hạnh, nếu ông ta không phục thì cũng đừng nên giết để tránh thiên hạ dị nghị, con cháu không có sách dùng". Chu Đệ nghe xong chỉ ỡm ờ cho qua chuyện nhưng trong lòng rất khó chịu. Sau đó không lâu, Chu Đệ cho mời Phương Hiếu Nhị ra giúp việc nhưng Nhị quả nhiên từ chối. Chu Đệ cho bắt Phương Hiếu Nhị giam vào ngục rồi cho hai người ngày ngày đến thuyết phục nhưng không có tác dụng. Chu Đệ vô cùng tức giận, hạ lệnh cắt tai Phương Hiếu Nhị trước khi xử tử, đồng thời bắt giết hết cả 9 họ cùng các đệ tử của ông, tức là 10 họ, tổng cộng 873 mạng người.
Quá căm phẫn trước tội ác của tên bạo chúa, Cảnh Thanh liều mạng ám sát Chu Đệ nhưng không thành. Thanh bị vả gãy răng bật cả máu tươi liền nhổ máu ấy vào long bào Chu Đệ. Chu Đệ cho người giết chết kẻ ám sát, phơi xác ở Trường An môn. Không những thế, Chu Đệ còn cho người truy lùng, tiêu diệt hết 10 họ của Thanh, giết luôn cả những người đã từng quan hệ với Thanh như bạn bè, hàng xóm láng giềng... Nhiều người trước khi chết không biết tai họa từ đâu giáng xuống, cũng không biết tại sao mình phải chết. Có một xóm, người chết nhiều quá, không ai dám đi qua, cây cỏ sầu úa, đêm mưa gió chỉ nghe tiếng hú bi thương.
Thời ấy, có một ni cô tên Đường Trại, lãnh đạo nhóm nông dân nổi dậy chống Chu Đệ. Sau khi giết được Đường Trại, Chu Đệ cho bắt hết tất cả những ni cô, đạo cô ở Sơn Đông, Bắc Kinh và lệnh trong cả nước bắt hết các phụ nữ xuất gia về, dùng hình tra hỏi. Trong vụ án này, có gần một vạn người bị bắt, hơn một ngàn người bị giết. Khi bước vào tuổi 65, Chu Đệ ra lệnh các nơi dâng gái đẹp. Lệnh ra chưa đầy một tháng sau, Chu Đệ bị bệnh, chết trên đường Bắc phạt.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-de-tu-ngai-vang-dam-mau-den-so-thich-giet-nguoi-a35864.html