Nhập viện sau khi chế biến thủ lợn đãi bạn
Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, khoa Cấp cứu của đơn vị này vừa tiếp nhận bệnh nhân V.T. (52 tuổi, ngụ Thanh Hoá), với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết có sốc do liên cầu lợn, viêm phổi và theo dõi xơ gan.
Khoảng 12 ngày trước, ông T. mua thủ lợn về chế biến đãi bạn bè. Một ngày sau, người bệnh sốt cao, nổi ban xuất huyết trên da, được người thân đưa đến cơ sở y tế gần nhà.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá trong tình trạng sốt cao, rối loạn ý thức, tụt huyết áp. Các bác sĩ đặt nội khí quản thở máy, lọc máu, cho người bệnh.
Mặc dù được hồi sức tích cực trong một tuần, tình trạng bệnh nhân vẫn không cải thiện, tiến triển suy đa tạng và rối loạn đông máu nặng. Kết quả cấy máu ra Streptococcus suis (vi khuẩn liên cầu lợn).
Ông T. được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng thở máy, thuốc vận mạch liều cao, nhiều mảng xuất huyết trên da, xuất huyết tiêu hóa, vô niệu. Người bệnh tiếp tục được duy trì thở máy, lọc máu liên tục, truyền các chế phẩm máu và kháng sinh thích hợp.
Theo ThS.BS Phan Văn Mạnh - khoa Cấp cứu, liên cầu lợn có thể gặp ở bất kỳ ai nhưng các nghiên cứu cho thấy bệnh phổ biến hơn trên nền bệnh nhân lạm dụng rượu. Những bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch, nhiều bệnh lý nền, tuổi cao thì bệnh càng diễn biến nặng.
Liên cầu lợn thông thường sẽ gây ra 2 bệnh cảnh chính là nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não. Bệnh nhân T. đã được chọc dịch não tủy và loại trừ viêm màng não. Tuy nhiên, ở bệnh nhân này, tình trạng nhiễm khuẩn huyết tiến triển rất nhanh và gây ra nhiều hậu quả nặng nề như rối loạn đông máu, suy đa tạng kéo dài.
Nguyên nhân khiến người phụ nữ sốt cao 4 ngày liên tục
Theo VietNamNet, nữ bệnh nhân H.T.T (68 tuổi, trú tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) vào Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê ở gần nhà lúc 5h ngày 17/7. Người nhà cho biết bà đã sốt cao suốt 4 ngày liên tục, không thể hạ sốt dù đã uống thuốc.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân sốt 38,3 độ C, mệt mỏi, đau đầu, đau người, khát nước nhiều, hạch vùng bẹn đau, trên da vùng bẹn phải có nốt loét đặc trưng kích thước 3x4mm.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán sốt mò, chỉ định bù dịch, kháng sinh, hạ sốt, nâng cao thể trạng. Sau 1 ngày điều trị, tới ngày 18/7, bệnh nhân còn sốt nhẹ, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Nội tổng hợp Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê.
Bác sĩ CKI Nguyễn Đức Thượng - khoa Nội tổng hợp, cho biết sốt mò là bệnh do ấu trùng mò đốt gây ra, bệnh gây các triệu chứng như:
- Sốt liên tục từ 38-40 độ C, nếu không điều trị có thể kéo dài 15-20 ngày, trong khoảng 1-2 ngày đầu thường có biểu hiện sốt rét run, kèm theo đau đầu, đau mỏi cơ.
- Bệnh nhân có nốt loét đặc trưng của sốt mò: thường chỉ có một nốt loét hình tròn hoặc bầu dục ở vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, hậu môn, bẹn, nách, cổ…; vết loét không gây đau, không ngứa; có tới 65-80% các trường hợp sốt mò có nốt loét này.
- Hạch và ban dát sẩn: Hạch gần khu vực nốt loét thường hơi sưng và đau, không đỏ, xuất hiện cùng với triệu chứng sốt hoặc sau sốt 2-3 ngày. Theo bác sĩ Thượng, đây là dấu hiệu để bác sĩ tìm nốt loét, sau 1 tuần, bệnh nhân có thể xuất hiện các ban dát sẩn toàn thân.
Nếu được chẩn đoán và điều trị với kháng sinh thích hợp, bệnh nhân bị sốt mò sẽ sớm cắt sốt; trường hợp để lâu, có thể gặp phải biến chứng như viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, suy hô hấp, viêm não - màng não.
Nam thanh niên đa chấn thương do tai nạn giao thông
Tạp chí Gia Đình Việt Nam đưa tin, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) vừa tiếp nhận bệnh nhân nam (21 tuổi, trú tại Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội) vào viện vì đa chấn thương do tai nạn giao thông.
Bệnh nhân được cấp cứu 115 đưa vào trong tình trạng không có người thân đi cùng, không có giấy tờ tùy thân, chảy máu ổ bụng nhiều nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ CKII Nguyễn Quốc Đông - Trưởng khoa ngoại thận tiết niệu Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, bệnh nhân được đưa vào khoa trong tình trạng hôn mê, niêm mạc nhợt, mạch quay không bắt được, HA: 60/ 40 mmHg.
Xác định đây là tình trạng cực kì nguy kịch, có tổn thương đa chấn thương. Ngay lập tức, hệ thống báo động đỏ được kích hoạt, bệnh nhân được cấp cứu hồi sức, chống sốc, đặt nội khí quản, thở máy, bù dịch, truyền máu cấp cứu, làm các xét nghiệm cận lâm sàng và được chuyển lên phòng mổ cấp cứu trong vòng 20 phút.
Quá trình phẫu thuật vào trong ổ bụng thấy 2000ml máu đông và không đông, lách vỡ nhiều mảnh, gan hạ phân thuỳ 6,7 có đường rách 1 x 8 cm, sâu vào nhu mô 1cm, rách thanh mạc đại tràng, tụ máu quanh thận.
Bệnh nhân được phẫu thuật cắt lách, khâu cầm máu nhu mô gan, khâu thanh mạc đại tràng, được truyền 2800ml máu trong mổ. 3 ngày sau mổ, bệnh viện đã tìm được người thân của bệnh nhân.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục, nhiều đờm máu qua ống nội khí quản. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức như thở máy, vận mạch, kháng sinh, giảm đau, truyền thêm các chế phẩm máu.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ cho thấy hình ảnh nhiều ổ máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng vùng trán-thái dương phải, chảy máu dưới nhện trong các rãnh cuộn não, chảy máu nhu mô vùng thái dương-đỉnh phải, vỡ xương đỉnh, xương hàm và xương gò má phải; cắt lớp vi tính ngực: dập phổi phải và X quang: gãy thân xương đùi phải, gãy 2 xương cẳng tay trái.
Sau 3 ngày phẫu thuật các tổn thương ổ bụng ổn định, bệnh nhân tiếp tục được chỉ định phẫu thuật kết hợp xương đùi và 2 xương cẳng tay. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn còn tổn thương não và phổi nên tiếp tục được điều trị thở máy tại phòng hồi sức ngoại của khoa Gây mê hồi sức.
Sau 7 ngày thở máy, bệnh nhân được rút ống nội khí quản. Hiện tại, ngày thứ 10 sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống được, các xét nghiệm trong giới hạn bình thường.