Cứu bé 7 tuổi chấn thương sọ não nguy kịch
VTV Times đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho bệnh nhi N.H.M. (7 tuổi, trú tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) bị chấn thương sọ não nguy kịch do tai nạn giao thông.
Bệnh nhi vào cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng tri giác tỉnh hoàn toàn, đau đầu kèm sưng nề bầm tím vùng mặt, nhãn cầu phải lồi nhẹ sau tai nạn giao thông.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não có tụ máu ngoài màng cứng vùng trán thái dương phải (chỗ đo dày nhất 27mm, đè đẩy vào nhu mô não lân cận, não thất bên phải, đường giữa lệch trái 4mm); vỡ xương trán - thái dương phải, thành trên và trong ổ mắt phải.
Căn cứ kết quả thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng các bác sĩ đánh giá tiên lượng gần về khả năng máu tụ có thể tăng lên nhanh chóng.
Sau khi nhập viện khoảng 2 tiếng, tri giác bệnh nhi bắt đầu giảm điểm, bệnh nhi được chỉ định chụp CT-scanner sọ não lần 2 đánh giá tiến triển tổn thương. Kết quả phim chụp máu tụ tăng lên nhiều so với phim chụp ban đầu.
Tiến hành hội chẩn liên khoa, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị chấn thương sọ não tụ máu ngoài màng cứng trán thái dương phải, vỡ trán - thái dương phải, tiên lượng nặng, và được chỉ định can thiệp phẫu thuật cấp cứu lấy máu tụ, cầm máu.
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu lấy bỏ toàn bộ khối máu tụ, cầm máu, đặt dẫn lưu. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, bệnh nhi được chăm sóc, hồi sức tích cực hậu phẫu tại khoa Nhi.
Sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhi thoát nguy kịch, tình trạng tỉnh táo hoàn toàn, mọi chức năng không bị ảnh hưởng, vết mổ tạm ổn định. Bệnh nhi tiếp tục được điều trị nội khoa hỗ trợ, chăm sóc vết mổ và theo dõi một số biến chứng khác có thể xảy ra sau phẫu thuật.
Người đàn ông bị sốc phản vệ sau khi tiêm thuốc
Báo Người Lao Động đưa tin chiều 17/7, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long cho hay vừa cứu kịp ông N.V.N. (72 tuổi, ở Vĩnh Long) bị sốc phản vệ sau khi tự ý tiêm thuốc. Trước đó, ông N. nhập viện trong tình trạng ngứa toàn thân, co cứng người, mệt, khó thở, huyết áp 80/40mmHg.
Người nhà cho biết ông thường đau hông lưng phải. Cách lúc nhập viện 15 phút, ông có đến cơ sở y tế tư nhân để tiêm thuốc giảm đau, sau đó xuất hiện biểu hiện ngứa toàn thân, khó thở, triệu chứng ngày càng tăng nên được đưa đi cấp cứu.
Ông N. có tiền sử sốc phản vệ trước đó 2 năm. Các các sĩ nhanh chóng xác định loại thuốc bệnh nhân đã tiêm và nhận định bị sốc phản vệ độ III thuốc Diclofenac.
Ngay lập tức, bệnh nhân được xử trí cấp cứu thuốc chống sốc theo phác đồ của Bộ Y tế bằng thuốc Adrenalin, Solumedrol và Dimedrol và được tiếp tục theo dõi, điều trị.
Đột ngột ngã lăn xuống đất, ngừng thở khi đang uống cà phê
Báo Giáo Dục và Thời Đại dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, đơn vị tiếp nhận và điều trị thành công cho người đàn ông 46 tuổi ngừng thở, tưởng chết não.
Cụ thể, bệnh nhân V.H (46 tuổi, quê Thanh Hóa) làm thợ xây tại một công trình ở quận Gò Vấp (TPHCM). Ngày 5/6, đang ngồi uống cà phê sáng, anh H. đột ngột ngã lăn xuống đất, ngừng thở.
Sau 5 phút lay gọi không tỉnh, đồng nghiệp chở bệnh nhân H. bằng xe máy đến Bệnh viện quận Gò Vấp cấp cứu. 10 phút sau, bệnh nhân H. nhập Bệnh viện quận Gò Vấp trong tình trạng mạch và huyết áp không đo được.
Tại đây, bệnh nhân H. được hồi sức ngừng tim, sốc điện chuyển nhịp liên tục trong 30 phút. Mặc dù đã hồi phục tuần hoàn tự nhiên nhưng các bác sĩ đánh giá bệnh nhân H. có nguy cơ cao chết não, đồng tử hai bên đều dãn. Với hy vọng mong manh, bệnh nhân H. được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
ThS.BS Nguyễn Thanh Thảo - khoa Hồi sức tim mạch Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng toan chuyển hóa rất nặng, phù phổi cấp và tổn thương cơ tim gây suy tim nặng do ngừng tim kéo dài.
Bệnh nhân H. được can thiệp hạ thân nhiệt trung tâm để bảo vệ não không bị tổn thương nặng hơn, tiến hành oxy hóa máu màng ngoài cơ thể phương thức lai ghép (V-AV ECMO), lọc máu liên tục điều chỉnh suy chức năng thận đi kèm.
“Sau 1 tuần can thiệp hồi sức chuyên sâu, chức năng co bóp cơ tim của bệnh nhân H. hồi phục gần như hoàn toàn, tổn thương phổi sau ngừng tim cải thiện đáng kể; ngừng can thiệp ECMO sau 10 ngày, chức năng não bắt đầu có tín hiệu hồi phục muộn hơn sau 2 tuần”, bác sĩ Thảo cho hay.
Trong khi đó, theo ThS.BS Giang Minh Nhật - Phó Trưởng khoa Hồi sức tim mạch Bệnh viện Nhân dân Gia Định: “Kết quả xét nghiệm ghi nhận, bệnh nhân H. có đột biến lệch khung gene trội titin TTN trên nhiễm sắc thể thường.
Bệnh nhân H. được lên kế hoạch cấy máy phá rung trong tim để ngăn ngừa đột tử do rối loạn nhịp thất trong tương lai. Đồng thời, 3 người con ruột của bệnh nhân H. được các bác sĩ tham vấn di truyền, đưa ra chiến lược theo dõi tim mạch dài hạn ngừa đột tử gia đình”.