Nguyên nhân khiến nữ sinh đi cấp cứu trong đêm
VietNamNet đưa tin, nữ sinh 13 tuổi được gia đình đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) trong tình trạng phù nề vùng mặt, ho, khó thở, tức ngực, mệt nhiều, mạch nhanh, huyết áp tụt.
Trước đó, khoảng 22h ngày 9/7, nữ sinh bị ong mật bay vào nhà và đốt vào mi mắt. Người thân đã lập tức rút nọc ong ra cho bệnh nhân. Chỉ vài giây, vết đốt sưng, mề đay, ban đỏ xuất hiện khắp cơ thể. Ngay sau đó, nữ sinh được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bác sĩ chẩn đoán nữ sinh bị sốc phản vệ độ 3 do ong đốt. Bệnh nhân được xử trí tình trạng phản vệ, tiêm chống sốc, truyền dịch, thở oxy và theo dõi sát các chỉ số huyết áp, mạch, nhịp thở. Tuy nhiên, tình trạng phản vệ của bệnh nhân vẫn tiến triển nặng lên, khó thở, suy hô hấp, huyết áp tụt, được đặt ống thở, cấp cứu, truyền nhanh dịch, duy trì thuốc vận mạch liều cao. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực.
Sau một thời gian can thiệp, bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt, thoát khỏi tình trạng nguy kịch, huyết động dần ổn định, giảm dần các thuốc vận mạch. Khi tình trạng ổn định hơn, các bác sĩ đã quyết định dừng an thần để bệnh nhân tỉnh dậy, bỏ máy thở, và rút ống nội khí quản. Ngày 15/7, bệnh nhân được ra viện.
ThS.BS Đoàn Duy Thành ở khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sốc phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính ở mức độ nặng, người bệnh có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời. Nữ sinh này vô tình bị ong đốt nhưng bệnh trạng rất nặng nếu đến muộn hơn có thể nguy hiểm tính mạng.
Sở Y tế tỉnh Lào Cai thông tin về trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu
Theo VietNamNet, Sở Y tế tỉnh Lào Cai vừa có thông tin về trường hợp có biểu hiện giống bạch hầu tại tỉnh này. Nữ bệnh nhân là bà M.T.V. (55 tuổi, ở xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Bà V. có biểu hiện ho, đi ngoài kéo dài gần nửa năm nay, đã đi viện khám và điều trị nhiều lần.
Ngày 10/7, bệnh nhân ho nhiều, ho có đờm, đau họng kèm theo đi ngoài. Đến ngày 12/7, bệnh nhân sốt cao 39 độ C, khoang miệng xuất hiện nhiều mảng giả mạc, được gia đình đưa lên Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng (Lào Cai) khám và điều trị.
Tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ nhận thấy người phụ nữ này có các biểu hiện: sốt, ho nhiều; lưỡi, vòm họng, khoang miệng có nhiều nốt mảng trắng vàng; phổi có ran; gan, lách to. Sơ bộ các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm phổi, đau bụng, nghi mắc bạch hầu.
Ngoài ra, kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân dương tính với nấm men và nấm sợi (mẫu bệnh phẩm lấy ở mảng giả mạc).
Vì bệnh nhân có sốt, ho, xuất hiện giả mạc nên bệnh viện ở Bảo Thắng phối hợp với trung tâm y tế huyện, báo cáo ca bệnh về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) và Sở Y tế tỉnh Lào Cai. Đồng thời, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm với tác nhân bạch hầu.
Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy do ốm yếu đã lâu nên bà V. không đi đâu xa khỏi địa phương, không tiếp xúc với người nghi nhiễm hay nhiễm bạch hầu.
"Sơ bộ điều tra có 23 người tiếp xúc gần với người bệnh, trong đó có 12 nhân viên y tế và 11 người trong gia đình. Hiện tại những người tiếp xúc gần với ca bệnh sức khoẻ bình thường và đang tiếp tục được theo dõi", thông báo của Sở Y tế tỉnh Lào Cai cho biết.
Nhận định về trường hợp này, CDC Lào Cai cho rằng khả năng thấp bệnh nhân nhiễm bạch hầu; có cơ địa dễ nhiễm nấm và các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác. Tuy nhiên trước diễn biến tình hình bệnh bạch hầu trên cả nước, cơ quan này cho rằng vẫn cần dự phòng và kiểm soát sớm.
Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng. Các đơn vị y tế tiếp tục điều tra người tiếp xúc gần với người bệnh và đánh giá tình trạng nguy cơ với dịch bệnh bạch hầu tại xã Kim Sơn.
Người phụ nữ dương tính với 6 loại giun, sán
Theo VTV Times, nữ bệnh nhân 38 tuổi ở Hà Nội tới Bệnh viện Đa khoa Medlatec kiểm tra sức khỏe, bất ngờ phát hiện mắc ký sinh trùng cần điều trị ngay để tránh biến chứng.
Người bệnh kể, thỉnh thoảng tức nặng bắp chân hai bên, có thói quen ăn rau sống và thường xuyên tiếp xúc với chó mèo, ngoài ra, bản thân không xuất hiện dấu hiệu khó chịu nào.
Bác sĩ thăm khám toàn thân và cơ quan bộ phận của bệnh nhân, chưa thấy bất thường nào. Siêu âm có tổn thương gan và xét nghiệm có tăng Bilirubin và bạch cầu ái toan.
Xét nghiệm tìm giun sán cho kết quả dương tính với giun đũa, giun tròn, giun lươn, giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Vì vậy, bác sĩ tư vấn bệnh nhân chụp MRI, CT đánh giá tổn thương gan.
Kết quả chụp MRI phát hiện nhiều tổn thương dạng nốt, khối khu trú trong gan (chủ yếu gan phải), lách, đáy phổi trái (theo dõi tổn thương do ký sinh trùng). Đồng thời, chụp CT ghi nhận hình ảnh tổn thương rải rác nhu mô phổi hai bên (theo dõi tổn thương viêm không đặc hiệu), hạch trung thất, nốt giảm tỷ trọng nhu mô gan và lách.
Từ kết quả chụp chiếu đó cho thấy bệnh nhân có tổn thương tại gan, lách, phổi và kết quả xét nghiệm dương tính với các loại giun sán do ký sinh trùng nên chẩn đoán xác định tổn thương gan, lách, phổi theo dõi do ký sinh trùng. Sau đó, bệnh nhân được tư vấn, điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để tránh biến chứng khôn lường có thể xảy ra.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Medlatec, khi mắc ký sinh trùng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm đường mật cấp tính hoặc áp xe gan, viêm túi mật, tụ máu dưới bao gan (trong giai đoạn nhu mô khi sán di chuyển qua bao gan vào nhu mô gan).
Tuy nhiên, ở bệnh nhân này rất may mắn khi ngay trong lần kiểm tra định kỳ, vô tình phát hiện ra bệnh lý tiềm ẩn bằng các chỉ số xét nghiệm đơn giản ban đầu nhưng có bất thường để "mở đường" cho những kỹ thuật chuyên sâu, nhằm truy tìm chính xác bệnh lý tiềm ẩn trước khi bệnh "bùng phát" ra các triệu chứng bất thường và may mắn điều trị kịp thời.
Đối với trường hợp của bệnh nhân trên, theo chuyên gia, nguyên nhân mắc ký sinh trùng có thể do thói quen hàng ngày là ăn rau sống và thường xuyên tiếp xúc với chó mèo.