+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 13/8/2024: Nguy kịch sau khi uống nước trong giờ nghỉ

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 13/8/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 13/8/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Nguy kịch sau khi uống bình nước trong giờ nghỉ

    Theo thông tin trên VietNamNet, anh P.T.H (40 tuổi, trú tại Phú Thọ) làm công nhân tại một nông trường chè. Trong lúc làm việc ngoài trời nắng nóng, người đàn ông này nghỉ giải lao, lấy một bình nước uống.

    Sau đó, anh H. xuất hiện triệu chứng đau rát ở lưng, nóng trong người, mệt mỏi nên uống thuốc Paracetamol và vitamin C. Ba ngày sau, các triệu chứng của người đàn ông này nặng hơn nên gia đình đưa anh vào một bệnh viện ở Hà Nội cấp cứu.

    Bác sĩ làm xét nghiệm phát hiện hàm lượng chlorfenapyr - một hoạt chất cực kỳ hiếm gặp trong thuốc trừ sâu Chlorferan 240SC. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển tới Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp tục điều trị.

    Tại đây, nam bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, mất dần ý thức, suy đa tạng, tiên lượng tử vong cao. Sau 3 lần lọc máu, anh H. dần lấy lại ý thức và được theo dõi chặt chẽ.

    Người đàn ông xuất hiện triệu chứng đau rát ở lưng, nóng trong người, mệt mỏi sau khi uống bình nước trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh minh họa: VTC News

    Người đàn ông xuất hiện triệu chứng đau rát ở lưng, nóng trong người, mệt mỏi sau khi uống bình nước trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh minh họa: VTC News

    Theo các chuyên gia tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định thuốc trừ sâu Chlorferan 240SC không có thuốc giải độc đặc hiệu, tỷ lệ tử vong là 70%. 

    Ngộ độc hóa chất này có đặc trưng là độc tính lan chậm, gây tổn thương nghiêm trọng các cơ quan tiêu tốn nhiều năng lượng, bao gồm hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch. Các triệu chứng hay gặp như vã mồ hôi nhiều, dấu hiệu mất nước, sốt, tăng thông khí, nhịp tim nhanh, nhiễm toan chuyển hóa, độc tính trên thận. 

    Bác sĩ khuyến cáo nếu có các bất thường nghi ngờ ngộ độc hóa chất, người dân nên vào viện cấp cứu ngay, tránh biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.

    FDA phê duyệt loại thuốc dạng xịt mũi đầu tiên điều trị sốc phản vệ

    Theo TTXVN, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt loại thuốc epinephrine dạng xịt mũi đầu tiên dùng để điều trị các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, được gọi là sốc phản vệ.

    Việc này cung cấp một giải pháp không cần kim tiêm thay thế loại thuốc tiêm EpiPen và các loại thuốc tương tự. Loại thuốc mới được phê duyệt có tên gọi là Neffy, do hãng dược ARS sản xuất, được kê đơn cho người lớn và trẻ em cân nặng trên 30kg.

    Thuốc được dùng dưới dạng xịt một liều vào một bên mũi. Có thể dùng liều thứ hai nếu cần, tương tự epinephrine dạng tiêm. Được biết, thuốc Neffy sử dụng cùng loại thiết bị xịt như Narcan, thuốc xịt mũi naloxone để điều trị quá liều opioid.

    Theo thông tin từ FDA, các tác dụng phụ phổ biến nhất của Neffy bao gồm kích ứng cổ họng, ngứa mũi, nhức đầu, khó chịu ở mũi và cảm giác bồn chồn. Hiện tại, ARS chưa tiết lộ giá bán niêm yết của Neffy.

    Tiến sỹ Kelly Stone - Phó Trưởng Khoa Phổi, dị ứng và chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Đánh giá và nghiên cứu thuốc của FDA, cho biết: "Sốc phản vệ đe dọa tính mạng bệnh nhân, trong khi một số người, đặc biệt là trẻ em, có thể trì hoãn hoặc tránh điều trị hiện tượng này do sợ tiêm. Thuốc epinephrine dạng xịt mũi có thể giúp điều trị nhanh chóng tình trạng sốc phản vệ."

    FDA phê duyệt thuốc Neffy sau khi có kết quả nghiên cứu trên 175 người lớn khỏe mạnh. Kết quả đo nồng độ epinephrine trong máu cho thấy mức độ tương đương đối với Neffy và epinephrine tiêm, cũng như mức tăng huyết áp và nhịp tim tương tự. Một nghiên cứu ở trẻ em cân nặng hơn 30kg cho thấy mức epinephrine tương đương người lớn.

    Thuốc này lẽ ra được phê duyệt vào năm 2023, tuy nhiên FDA muốn có thêm thông tin về việc dùng liều lặp lại. Cơ quan này lưu ý, những người mắc các bệnh về mũi như polyp hoặc đã phẫu thuật mũi có thể không hấp thụ đủ Neffy và nên trao đổi với bác sĩ về việc liệu tiêm epinephrine có tốt hơn cho họ hay không.

    ARS cho biết thuốc Neffy dự kiến sẽ có mặt tại Mỹ trong vòng 8 tuần tới. Công ty cũng có kế hoạch nộp đơn xin FDA chấp thuận Neffy cho trẻ em có cân nặng từ 15-30kg vào cuối quý 3/2024 hoặc trước tháng 10, với liều thấp hơn, tương tự EpiPen liều thấp hơn cho trẻ nhỏ hơn.

    Hãi hùng khi biết sự thật về vệt gồ trên tay người phụ nữ

    Báo An Ninh Thủ Đô dẫn thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cơ sở này vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ N.T.T. (42 tuổi, ở Vĩnh Phúc) vào điều trị trong tình trạng nổi sẩn khắp cơ thể. Lòng và mu bàn tay của bệnh nhân còn xuất hiện một vệt dài loằng ngoằng, nổi gồ lên, dài khoảng 5-8 cm.

    Bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm ký sinh trùng và xét nghiệm kháng thể dị ứng. Kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với giun đũa chó mèo (Toxocara spp.). Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân làm nghề nông và đang nuôi 8 con vật, trong đó có 3 con chó và 5 con mèo.

    Hình ảnh ấu trùng giun đũa di chuyển dưới da lòng bàn tay của bệnh nhân. Ảnh: An Ninh Thủ Đô

    Hình ảnh ấu trùng giun đũa di chuyển dưới da lòng bàn tay của bệnh nhân. Ảnh: An Ninh Thủ Đô

    Theo TS.BS Vũ Minh Điền - Phó trưởng khoa Nội tổng hợp của bệnh viện, sau khi có kết quả xét nghiệm, các bác sĩ đã hội chẩn và nhận định vệt gồ trên tay bệnh nhân chính là do sự di chuyển của ấu trùng giun đũa chó mèo dưới da. Bệnh nhân phải điều trị dài ngày mới ổn định.

    Bác sĩ Điền chia sẻ thêm, giun đũa chó mèo là một loại ký sinh trùng thường gặp ở chó và mèo. Chúng có khả năng lây nhiễm sang người qua đường tiêu hóa.

    Khi con người tiếp xúc với đất hoặc nước bị nhiễm trứng giun từ phân chó, mèo, trứng giun có thể xâm nhập vào cơ thể qua miệng và phát triển thành ấu trùng. Những ấu trùng này di chuyển qua các mô cơ thể, gây ra nhiều triệu chứng, phổ biến nhất là ngứa, nổi sẩn và các ban trên da.

    Các bác sĩ khuyên người dân nuôi chó, mèo cần có các biện pháp phòng ngừa như tẩy giun định kỳ cho chó, mèo và giữ vệ sinh cá nhân để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-ngay-13-8-2024-nguy-kich-sau-khi-uong-nuoc-trong-gio-nghi-a455735.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan