Rối loạn đông máu nặng do bị rắn lục cắn
VTV Times đưa tin, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) vừa cứu sống bệnh nhân nữ 59 tuổi bị rắn lục cắn bằng huyết thanh kháng nọc rắn.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau nhức, sưng nề cẳng chân phải. Bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm đông máu tại giường và xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu.
Kết quả cho thấy, bệnh nhân có rối loạn đông máu nặng, tiểu cầu giảm. Căn cứ vào các kết quả xét nghiệm và khám lâm sàng, các bác sĩ đã hội chẩn toàn viện. Sau hội chẩn, thống nhất sử dụng huyết thanh kháng nọc đặc hiệu cho bệnh nhân.
Hiện tại, tình trạng bệnh nhân ổn định, điều trị đáp ứng tốt, hết sưng nề tại vị trí vết cắn, xét nghiệm đông máu và tiểu cầu bình thường.
Trước đây, những người bệnh bị rắn hổ mang và rắn lục cắn thường phải chuyển về Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai vì không có huyết thanh kháng nọc rắn. Hiện tại, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã triển khai điều trị huyết thanh kháng nọc ở một số loại rắn thường gặp như rắn lục, rắn hổ mang…
Qua đây các bác sĩ khuyến cáo, người dân khi bị rắn cắn cần phải nhanh chóng sơ cứu rửa vết rắn cắn dưới vòi nước chảy, bất động vị trí bị cắn, đặt thấp hơn so với tim và khẩn trương đến bệnh viện để thăm khám, xét nghiệm và có hướng điều trị kịp thời.
Cô gái nhập viện sau khi uống 9 viên paracetamol
VietNamNet đưa tin, cô gái 19 tuổi (trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cấp cứu trong tình trạng mệt lả, đau đầu, chóng mặt sau khi uống 9 viên paracetamol loại 500mg.
Trước đó, khoảng 12h ngày 11/8, cô bị sốt cao vì mắc COVID-19 nên nhờ em trai 5 tuổi pha thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, em trai không biết nên bóc hết vỉ thuốc có 9 viên hòa vào nước, đưa chị uống.
Khoảng 8 giờ sau, cô gái này mệt lả, đau đầu, chóng mặt được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc giải độc và thải trừ paracetamol. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân ổn định, các dấu hiệu sinh tồn trong giới hạn bình thường.
Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Thanh Thủy ở Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cho biết, paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng nhiều trong cộng đồng, không cần kê đơn. Việc sử dụng thuốc không đúng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như suy gan, suy thận, rối loạn chức năng đông máu, nặng hơn có thể gây suy đa tạng, hôn mê, thậm chí tử vong.
Để dự phòng ngộ độc, bác sĩ Thủy khuyến cáo người dân cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất hoặc hướng dẫn của bác sĩ, không dùng kết hợp các loại thuốc có cùng thành phần. Tại gia đình, các loại thuốc cần để xa tầm tay trẻ em và không nhờ trẻ lấy, pha thuốc để tránh sử dụng nhầm loại hoặc liều dùng.
Cấp cứu bé trai 9 tháng tuổi nuốt nắp chai
Theo báo Bình Thuận, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận cho biết, các y bác sĩ của khoa Tai - Mũi - Họng kịp thời cấp cứu bé trai 9 tháng tuổi ở xã Hàm Thắng (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) nuốt nắp chai, khó thở.
Cụ thể, tối 12/8, bé trai nhặt nắp chai thuốc và nuốt khi mẹ đang bôi thuốc cho bé. Người thân phát hiện nhưng không thể lấy nắp chai ra khỏi miệng của bé nên gọi xe cứu thương đưa bé đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận.
Bệnh nhi đến bệnh viện trong tình trạng chảy máu vùng miệng, khó thở. Sau khi sơ cứu tại khoa Cấp cứu, các y bác sĩ khoa Tai - Mũi - Họng sử dụng thiết bị chuyên dụng gắp nắp chai ra khỏi vùng miệng của bé. Tình hình sức khỏe của bệnh nhi hiện ổn định, sẽ được xuất viện trong 2 - 3 ngày tới.
Bác sĩ CKII Mai Xuân Phi - Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận khuyến cáo các cha mẹ, người chăm sóc trẻ nên đặt những vật nhỏ dễ nuốt xa tầm tay của trẻ nhỏ để tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ. Những vật mà trẻ nhỏ hay nhặt và nuốt là pin điện tử, bi, đinh vít, nam châm, những thiết bị trong đồ chơi của trẻ...