+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 18/3: Căn bệnh khiến bố mẹ hoảng sợ vì tưởng con bị bạo hành

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 18/3/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 18/3/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Căn bệnh khiến bố mẹ hoảng sợ vì tưởng con bị bạo hành

    Theo báo Người Lao Động, chiều ngày 17/3, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP.HCM) cho biết vừa tiếp nhận trường hợp bé trai 4 tuổi mắc bệnh ban xuất huyết Henoch - Schonlein sang thương sưng bầm da gây ra nhiều lo lắng, hoảng sợ cho phụ huynh vì nhầm lẫn con bị bạo hành.

    Trước khi nhập viện 1 ngày, sau khi đi học về, bệnh nhi đột ngột ói và đau bụng dù trước đó khỏe mạnh, kèm theo những mảng bầm rải rác vùng mu bàn tay chân 2 bên và vành tai. Sau đó, bệnh nhi giảm ói nhưng không chịu ăn uống, ôm bụng quấy.

    Người nhà thấy bệnh nhi sưng nề nhiều vùng mu bàn tay, chân, mắt phải, sưng nề vùng bìu, than đau tay chân và quấy khóc. Sau nhập viện, bệnh nhi tiếp tục xuất hiện thêm các mảng bầm nhỏ rải rác 2 cẳng chân, đau khớp, đau bụng nhiều hơn.

    tin tuc doi song ngay 183 can benh khien bo me hoang so vi tuong con bi bao hanh1
    Những mảng xuất huyết trên da ở trẻ khiến phụ huynh lo lắng và hoảng sợ vì nhầm lẫn con bị bạo hành. Ảnh: Người Lao Động

    Tại khoa Nhi, qua thăm khám và điều tra bệnh sử cũng như tiền căn, đánh giá tâm lý, các bác sĩ nhanh chóng loại trừ tình huống bạo hành. Kết hợp các xét nghiệm máu, hình ảnh học và xét nghiệm nước tiểu để loại trừ các bệnh lý về máu, nhiễm trùng, chẩn đoán bệnh nhi mắc bệnh ban xuất huyết Henoch - Schonlein.

    Bệnh nhi được điều trị với thuốc corticoid dạng tiêm, sau đó tình trạng cải thiện được chuyển sang uống thuốc. Sau điều trị bệnh nhi đáp ứng tốt, hết đau bụng, hết đau khớp, ban xuất huyết giảm dần.

    Các bác sĩ chia sẻ, bệnh xuất huyết Henoch - Schonlein hay còn là bệnh lý viêm mạch máu hệ thống, khởi phát ở lứa tuổi 3 - 15 tuổi.  Cứ 10.000 trẻ thì có 2 em mắc bệnh lý này.

    "Đa số biểu hiện ban xuất huyết da dễ nhầm lẫn với viêm mô tế bào hoặc ban xuất huyết giảm tiểu cầu hay bệnh lý khác nên phụ huynh cẩn thận không tự ý mua thuốc cho con em mình uống mà phải đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được khám, định bệnh chính xác và điều trị thích hợp", một bác sĩ thông tin.

    Sốc điện cứu sống bệnh nhân suy tim

    Ngày 17/3, Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An cho hay, các bác sĩ vừa cứu sống nam bệnh nhân 68 tuổi ở Diễn Châu (Nghệ An) bị suy tim cấp nhờ sốc điện, theo báo Sức Khỏe & Đời Sống.

    Người bệnh có tiền sử khỏe mạnh. Trước khi nhập viện, bệnh nhân đột ngột xuất hiện triệu chứng hồi hộp đánh trống ngực, kèm khó thở. Các triệu chứng nặng dần kèm phù nhẹ hai chân nên đi khám.

    Sau khi được khám và thăm dò cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy tim cấp do rối loạn nhịp nhanh. Kết quả điện tâm đồ cho thấy, bệnh nhân bị một cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất (AVNRT) với nhịp tim khoảng 160 lần/phút. Đây là một rối loạn nhịp nếu không xử trí sẽ dẫn tới tình trạng suy tim nặng lên, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

    Các bác sĩ khoa Nội tổng hợp dùng nghiệp pháp cường phế vị, sau đó vasava cải tiến, một phương pháp không dùng thuốc để chuyển nhịp tim nhưng không thành công. Vì thế, ThS.BS Phạm Gia Trung - Phó giám đốc chuyên môn đã hội chẩn và quyết định gây mê chuyển nhịp bằng biện pháp sốc điện đồng bộ.

    Quá trình chuyển nhịp đã được thực hiện nhanh chóng và thành công, bệnh nhân đã trở lại nhịp tim bình thường sau 1 lần sốc. Người bệnh không gặp bất kỳ biến chứng hay khó chịu nào khi tiến hành sốc điện.

    Ngay sau đó, bệnh nhân hết hồi hộp, đỡ khó thở, có thể sinh hoạt bình thường và được xuất viện sau 1 ngày theo dõi. Trước khi xuất viện, bệnh nhân được tư vấn tái khám điều trị triệt để bằng can thiệp đốt điện sinh lý ở trung tâm tim mạch chuyên sâu.

    Bệnh nhân 18 tuổi áp xe vành tai sau bấm khuyên

    Báo Kinh Tế & Đô Thị dẫn thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thời gian gần đây, đơn vị tiếp nhận một vài trường hợp áp xe vành tai sau bấm khuyên. Một trong số đó là bệnh nhân N.L.P (18 tuổi).

    tin tuc doi song ngay 183 can benh khien bo me hoang so vi tuong con bi bao hanh2
    Các bác sĩ cảnh báo trong các vị trí bấm khuyên trên cơ thể, viêm tấy hoặc áp xe ở vành tai chiếm tỷ lệ gặp biến chứng cao nhất và nặng nhất. Ảnh minh họa

    Sau khi bấm khuyên ở vành tai trái 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt, sưng nề, đau nhiều, chảy mủ vàng ở vị trí bấm khuyên tai. Người bệnh đã được điều trị tại cơ sở y tế 2 tuần nhưng các triệu chứng cải thiện không đáng kể nên phải chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp tục điều trị.

    Khi này, bệnh đã nặng hơn rất nhiều, sụn vành tai đã bị tiêu một phần. Các bác sĩ phải tiến hành rạch mở rộng ổ áp xe để vệ sinh cắt lọc sụn viêm và chăm sóc hàng ngày. Sau điều trị, tình trạng viêm cải thiện hoàn toàn nhưng để lại di chứng nặng nề là vành tai bị biến dạng. Đây là một hậu quả rất nặng nề về thẩm mỹ cho người bệnh.

    Nhân trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến nghị, người dân nên tìm hiểu kỹ và bấm khuyên tai hay các vị trí khác trên cơ thể tại cơ sở y tế được cấp phép và đủ điều kiện kiểm soát nhiễm khuẩn.

    Nếu có các biểu hiện bất thường như sưng tấy lâu ngày, mưng mủ tại vị trí bấm khuyên thì nên đến ngay cơ sở y tế để được điều trị sớm, tránh hậu quả đáng tiếc sau này.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-18-3-2023-can-benh-khien-bo-me-hoang-so-vi-tuong-con-bi-bao-hanh-a569149.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan