Lọc máu liên tục cứu người bệnh sốc nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng
VTV News đưa tin, khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhân L.H. (65 tuổi, trú tại phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nhập viện vì ho, khó thở, tiêu phân lỏng lượng nhiều, bệnh nền đái tháo đường type 2.
Thời điểm nhập viện, người bệnh lơ mơ, thở gắng sức nhiều, chỉ số oxy trong máu rất thấp, mạch nhẹ khó bắt, huyết áp tụt sâu phải duy trì vận mạch liều cao. Qua thăm khám, sử dụng các cận lâm sàng phù hợp, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn huyết tiêu điểm từ đường hô hấp và tiêu hoá, suy đa tạng.
Xác định đây là căn bệnh tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn, sử dụng thuốc điều trị tích cực kết hợp với phương pháp lọc máu liên tục cho bệnh nhân.
Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh hơn, khỏe dần, đỡ khó thở, mạch - huyết áp ổn định dần và đã ngưng vận mạch. Sau 4 ngày, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện rất nhiều, tỉnh táo hơn, có thể tự ăn uống, sinh hoạt. Người bệnh được xuất hiện sau 1 tuần theo dõi và điều trị.
Điều trị bảo tồn tử cung thàn công co sản phụ bị băng huyết sau sinh
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ đã điều trị bảo tồn tử cung thành công trường hợp sản phụ băng huyết sau sinh do đờ tử cung. Cụ thể, lúc 2h35 ngày 15/3, sản phụ T.B.T (28 tuổi, ngụ tại Phong Điền, Cần Thơ) nhập viện với chẩn đoán suy thai trên cơ địa mẹ thiếu máu.
Xác định đây là trường hợp có nhiều yếu tố nguy cơ băng huyết sau sinh. Vì thế, sản phụ được chuyển mổ chủ động. Ca phẫu thuật lấy thai được tiến hành với sự phối hợp sẵn sàng của các bác sĩ chuyên khoa và đầy đủ phương tiện dự phòng băng huyết sau sinh, hồi sức mẹ/ sơ sinh và ngân hàng máu.
Với sự phối phối hợp nhịp nhàng của ekip bác sĩ Hồi sức tích cực, Sản khoa và Nhi sơ sinh ca phẫu thuật đã thành công, bé trai cân nặng 3.020g chào đời, bé hồng hào, khóc tốt.
Ngay sau khi bắt bé, bác sĩ phẫu thuật đã kiểm tra nhận thấy tử cung gò kém, diện nhau bám chảy nhiều máu, ekip phẫu thuật sử dụng phối hợp các loại thuốc tăng gò tử cung tích cực kết hợp khâu thắt động mạch tử cung 2 bên, khâu diện nhau bám đồng thời khâu ép tử cung cầm máu bằng mũi khâu B-Lynch với quyết tâm bảo tồn tử cung để duy trì khả năng sinh sản trong tương lai cho sản phụ.
Sau phẫu thuật và truyền máu, sản phụ vượt qua giai đoạn nguy hiểm, tử cung go hồi tốt, không còn tình trạng chảy máu. Hiện tại, sức khỏe mẹ và bé ổn định, được chăm sóc hậu sản tại khoa Điều trị theo yêu cầu.
Bé 7 tuổi nhập viện cấp cứu sau khi nuốt đầu bút bi
Bé trai P.K.N. (7 tuổi, sống ở TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh trong tình trạng khó thở kèm ho sặc sụa, theo Tri Thức Trực Tuyến.
Thời điểm nhập viện, nồng độ oxy máu (SpO2) của bệnh nhi giảm chỉ còn 93%. Trên phim chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, các bác sĩ phát hiện dị vật chiều dài 3 cm tại vị trí carina và phế quản gốc phải.
Sau khi hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ quyết định nội soi để gắp vỏ đầu bút bi ra khỏi cơ thể bệnh nhi. Dị vật kích thước lớn nằm sâu trong khí phế quản, khiến đường thở bị chèn ép. Điều này khiến trẻ có nguy cơ gây suy hô hấp, các bác sĩ phải gắp rất nhanh và thận trọng. Hậu phẫu, bệnh nhi tỉnh táo, thở đều và được xuất viện.
Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết dị vật đường thở là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, có thể gây suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Trẻ thường có thói quen đưa đồ vật nhỏ vào miệng, vì thế các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên thận trọng và thường xuyên chú ý khi trẻ tiếp xúc những đồ dùng nhỏ, cạnh sắc, nhọn như đầu bút, nam châm hay mảnh đồ chơi. Chúng có thể làm trẻ bị sặc, gây tổn thương thực quản, khí phế quản...
Nếu nghi ngờ trẻ hóc dị vật thì cha mẹ cần nhanh chóng chuyển con đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất.
Đinh Kim(T/h)