Mắc bệnh Whitmore, người đàn ông 45 tuổi sốt cao liên tục 1 tháng
VietNamNet dẫn thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, nam bệnh nhân 45 tuổi có tiền sử đái tháo đường 10 năm nay. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị áp-xe nhiều vị trí ở thành bụng, cơ thắt lưng, gan, kèm theo viêm phổi do nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore.
Trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau vùng hạ sườn trái, sốt cao liên tục trong suốt một tháng. Người bệnh được điều trị bằng kháng sinh đường tĩnh mạch, dẫn lưu các ổ áp-xe tại vị trí dưới mạn sườn trái và lưng trái. Tới ngày 15/3, sau 6 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, chỉ số nhiễm trùng cải thiện.
Theo bác sĩ CKI Phạm Công Đức – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bãi Cháy, Whitmore là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm ở người và động vật. Bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể người chủ yếu qua da khi có vết thương hở.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng, phức tạp, diễn tiến âm thầm như bệnh lao. Người bệnh có thể bị viêm phổi, viêm mô mềm, áp-xe các cơ quan như gan, lách, thận, nhiễm trùng huyết. Tỷ lệ tử vong tương đối cao nếu không điều trị kịp thời.
Bác sĩ Phạm Công Đức cho hay, những người có bệnh nền như đái tháo đường, suy thận, bệnh gan, bệnh phổi mạn tính, người suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao mắc bệnh.
Thời kỳ ủ bệnh từ 1-21 ngày, có thể kéo dài và khó chẩn đoán, người bệnh khi đến bệnh viện đã tổn thương rất nhiều cơ quan. Việc điều trị bệnh Whitmore thường phức tạp, dài ngày và tốn kém chi phí.
Khối u chiếm gần nửa vùng mặt trái của bé trai 4 tuổi
Theo thông tin trên báo Công Lý, bệnh nhi T.C.M.Đ. (SN 2019, dân tộc Hà Nhì, ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) sinh ra khỏe mạnh bình thường. Năm 2021, bệnh nhi xuất hiện khối u ở mắt nên được gia đình đưa đi khám và được phẫu thuật sinh thiết u tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Kết quả giải phẫu bệnh khối u là Sarcoma cơ vân thể bào thai. Sau đó, bệnh nhi được điều trị hóa chất bổ trợ và xạ trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, rồi theo dõi điều trị tiếp tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Khoảng 2 tháng gần đây, khối u tái phát, ngày càng phát triển, kích thước tăng nhanh, đẩy lồi mắt trái ra ngoài, u phát triển mạnh ngoài hốc mắt. Khối u chiếm gần nửa vùng mặt trái của bệnh nhi, khiến cậu bé luôn hoảng loạn, sợ hãi và đau đớn.
Lúc này, bố mẹ đưa bệnh nhi đến nhiều bệnh viện lớn nhỏ ở Hà Nội nhưng không bệnh viện nào nhận phẫu thuật mà chỉ điều trị giảm đau. Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện K vào đầu tháng 3/2023.
TS.BS Nguyễn Đức Liên - Trưởng Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện K cho biết, trước tình trạng khẩn cấp, khoa đã hội chẩn liên viện để tìm ra phương án xử lý tốt nhất cho bé. Ngày 7/3, các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật khối u quái mắt trái cho bệnh nhi.
Ekip gây mê hồi sức đã tiến hành phối hợp nhịp nhàng, cẩn trọng phẫu thuật cắt bỏ khối u kích thước lớn đường kính 15cm. Các bác sĩ cố gắng tối đa để đạt được mục tiêu cắt bỏ toàn bộ các nhánh mạch cấp máu còn lại vào khối dị dạng, loại bỏ hoàn toàn khối dị dạng đảm bảo tránh tái phát, và tạo hình 1 thì cho bệnh nhi.
"Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ các phương án phẫu thuật, tuy nhiên khó nhất là do khối u đã quá to, lồi hết 1 bên mắt ra ngoài, nguy cơ có thể chảy máu trong quá trình mổ và có thể gây nguy hiểm tính mạng cho cháu bé.
Nếu cắt bỏ không hết thì bệnh sẽ tái diễn trong tương lai. Bên cạnh đó phải tính phương án chuyển vạt da che vùng khuyết. Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, thuốc men tối đa, và sự phối hợp nhịp nhàng của toàn bộ ekip, ca mổ diễn biến an toàn và thuận lợi", TS Nguyễn Đức Liên nói.
Sau mổ 12 tiếng, bệnh nhi đã tỉnh táo và được gặp bố. Người bố đã khóc khi thấy con không còn bị chảy máu quanh mắt, đặc biệt con vẫn còn nhìn thấy bố khi mắt phải thị lực vẫn tốt. Bệnh nhi hiện được chăm sóc ở khoa Ngoại thần kinh. Bé sẽ tiếp tục được theo dõi liền vết thương, điều trị hóa trị.
Cứu bệnh nhân 40 tuổi nguy kịch sau tai nạn giao thông
VTV News thông tin, sau cú va chạm với xe chở bê tông bị đa chấn thương nặng, bệnh nhân N.V.H (SN 1983, trú tại Trung Giáp, Phù Ninh, Phú Thọ) bị đa chấn thương nặng: chấn thương sọ não, gãy hở độ 3C 1/3 trên 2 xương cẳng tay trái, gãy hở xương đùi trái, đa tổn thương phần mềm.
Người bệnh được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân sau đó được hồi sức tích cực, được phẫu thuật cấp cứu phối hợp các chuyên khoa Ngoại thần kinh, Mạch máu, Chấn thương. Ca phẫu thuật được thực hiện thành công, đã cứu được tính mạng và giữ lại được cẳng tay tưởng chừng sẽ phải cắt bỏ của bệnh nhân.
Theo bác sĩ CKII Lê Thanh Hải – Trưởng khoa Chấn thương 2, trước tình trạng bệnh nhân bị đa chấn thương, đặc biệt với cẳng tay dập nát có nguy cơ phải cắt cụt đến hơn 90%, ekip phẫu thuật đã cố gắng hết sức phải giữ bằng được cẳng tay cho bệnh nhân, dù chỉ còn những hi vọng rất mong manh.
Những trường hợp chấn thương nặng như vậy đòi hỏi phải có đội ngũ phẫu thuật có tay nghề chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, vật tư trang thiết bị y tế hiện đại để có thể xử lý và can thiệp kịp thời, hiệu quả.
Đinh Kim(T/h)