Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những năm tháng tuổi thơ bình dị ở quê nhà trước khi lớn lên và hoà mình vào phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20.
Cậu bé Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời ngày 25/8/1911, tại làng An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình), trong gia đình có 7 anh chị em.
Theo ông Võ Đại Hàm, người trông coi Nhà lưu niệm Đại tướng ở làng An Xá, tuổi thơ của Đại tướng là những dòng ký ức đầy ắp những trò chơi đánh bi đánh đáo, đánh trận giả cùng đám bạn đồng trang. Dưới góc cây khế phía sau nhà, cậu bé Giáp thường xuyên bày trò chơi, leo trèo cùng đám bạn nên thi thoảng vẫn hay bị cha - cụ Võ Quang Nghiêm đánh đòn.
Ông Võ Đại Hàm đã được cha ông kể lại rất nhiều chuyện về tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong hình là cây khế gắn bó với tuổi thơ và cũng là nơi Đại tướng lập nên Tổ đọc sách báo yêu nước ở quê nhà. |
Dù tinh nghịch nhưng cậu bé lại rất thông minh, sáng dạ. Những bài học về chữ Nho rồi đến chữ Quốc ngữ do cha dạy đều được Võ Nguyên Giáp nhanh chóng học thuộc, hoàn thành đầu tiên trong đám học trò của thầy đồ Võ Quang Nghiêm. Lên lớp 3, cậu bé Giáp phải ra trường Tổng của huyện để học, rồi sau đó về Đồng Hới để học khi hết lớp 3.
“Cha tôi kể rằng, từ trường làng đến trường huyện rồi xuống tỉnh ông Giáp luôn là học sinh đứng đầu lớp. Chuyện ông ấy là người học giỏi nhất làng An Xá này đã được cả làng nhắc đến bởi những bậc cha mẹ thường lấy đó làm gương để dặn dò con cháu. Tôi nhà nghèo không được đi học nhưng lớn lên vẫn rất ngưỡng mộ Đại tướng”, bà Lê Thị Quy, 85 tuổi kể.
Học xong bậc sơ học (Tiểu học), muốn học tiếp bậc Trung học thì phải thi vào trường Quốc học Huế. Hồi đó, muốn thi đỗ vào Quốc học là chuyện rất khó bởi trường chỉ tuyển 90 học sinh ở 12 tỉnh miền Trung.
Bà Lê Thị Quy. |
Một điều không ai ngờ đã xảy ra mà ngay cả hai cụ thân sinh của Đại tướng cũng hết sức ngạc nhiên xen lẫn thất vọng khi cậu học trò Võ Nguyên Giáp vừa đỗ đầu trong kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học lại thi không đỗ vào trường Quốc học Huế. Thương con và muốn cho con theo sự nghiệp học hành nên hai ông bà Võ Quang Nghiêm và Nguyễn Thị Kiên đành phải cho con khăn gói vào Huế ôn thi vào Quốc học một năm.
Mùa hè năm sau, năm 1925, Võ Nguyên Giáp thi đỗ vào trường Quốc học Huế với số điểm cao thứ nhì. Tại đây, cậu liên tục đạt thành tích học tập đứng đầu lớp. Trong thời gian học tại Huế, Võ Nguyên Giáp đã được tiếp xúc với thơ văn, những luồng tư tưởng yêu nước của các bậc chí sĩ như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phong trào Cần Vương….
Xem video: Người thư ký 40 năm kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Bị đuổi học về quê, chối hôn nhà bá hộ
Tháng 4/1927, trường Quốc học Huế nổ ra một cuộc bãi khóa rầm rộ với mô lớn. Nguyễn Chí Diểu bị tên giám thị Pháp chú ý, coi là kẻ cầm đầu những cuộc đấu tranh bãi khóa ở trường, nên đuổi học. Võ Nguyên Giáp liền bàn với Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều) tiếp tục tổ chức bãi khóa để phản đối việc đuổi học Nguyễn Chí Diểu của chính quyền thực dân.
Cuộc bãi khóa của học sinh Trường Quốc học Huế lan rộng ra khắp các trường ở Huế và phát triển thành cuộc tổng bãi khóa. Võ Nguyên Giáp bị bắt rồi bị đuổi học, phải trở về quê nhà.
Chùa An Xá, nơi Đại tướng thường xuyên lui tới hoạt động trong thời gian bị đuổi học về quê. |
Trở về quê nhà, chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp tích cực tham gia hoạt động cách mạng với việc tiếp tục phát triển Tổ đọc sách báo yêu nước ở làng An Xá để truyền bá những tư tưởng yêu nước của các bậc tiền bối cho các thanh niên trong vùng Lệ Thuỷ. Sau này, rất nhiều người trong tổ đọc sách báo đã lớn lên tham gia cách mạng và trở thành những cán bộ cốt cán trong phong trào yêu nước của Lệ Thuỷ và Quảng Bình.
Theo ông Võ Mày (94 tuổi), người cao niên nhất làng An Xá hiện giờ, hồi đó, ông mới 7-8 tuổi nhưng vẫn được theo chân các anh lớn tuổi hơn đến nhà Võ Nguyên Giáp chơi. Một số người lớn hơn ông hoặc trạc tuổi Đại tướng thường xuyên bí mật tụ tập ở nhà Đại tướng hoặc dưới bệ thờ bí mật ở chùa An Xá.
"Tôi con nhà nông dân nghèo không biết chữ nên sau này mới biết đó là thời kỳ Đại tướng thành lập và phát triển Tổ đọc sách báo yêu nước cùng với một số thanh niên yêu nước trong vùng”, ông kể lại.
Cũng trong thời gian này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với một số đồng chí hoạt động trong phong trào yêu nước tại đây đã thành lập nên trường tiểu học đầu tiên ở huyện Lệ Thủy, trường Thành Chung. Ngôi trường do toàn những chiến sĩ cách mạng đứng lớp vừa dạy chữ vừa truyền bá tư tưởng yêu nước cho cả một thế hệ cán bộ cách mạng của huyện Lệ Thủy sau này.
“Hồi đó, Đại tướng còn là thanh niên, tôi từng được học tại trường Thành Chung này hơn một năm rồi sau mới về Đồng Hới học tiếp do trường bị thực dân Pháp đóng cửa”, đại tá Lê Thanh Châu (86 tuổi), nguyên Phó chính ủy mặt trận Bình Trị Thiên, người làng An Xá, nhớ lại
Cũng trong thời gian chính quyền thực dân Pháp đuổi học, trục xuất khỏi Huế, có một câu chuyện mà ít người biết đến đó là Đại tướng từng “chối hôn” một người con gái trong làng An Xá.
Trung tướng Phạm Hồng Cư trong cuốn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ đã nhắc đến chuyện chính Đại tướng kể rằng, khi còn là thanh niên 16-17 tuổi, Đại tướng từng khước từ ý định cầu hôn của một gia đình bá hộ trong làng. Gia đình này muốn gả con gái cho Võ Nguyên Giáp đồng thời hứa cho ruộng cho nhà nhưng thân mẫu ông là bà Kiên thì thương con nên không ép ông phải nghe theo.
Sau gần một năm, nhà cách mạng Nguyễn Chí Diểu đã về An Xá tìm Võ Nguyên Giáp để mời ông tham gia vào Đảng Tân Việt.
“Cha tôi kể rằng, năm đó ông Nguyễn Chí Diểu về An Xá đúng mùa lụt, hai người chèo đò lên Mỹ Đức để đi tàu vào Huế rồi hoạt động cách mạng. Mãi đến sau này Đại tướng mới đưa vợ là bà Nguyễn Thị Quang Thái về thăm nhà, ra mắt họ hàng”, ông Võ Đại Hàm nói.