(ĐSPL) – Hơn 30 năm gắn bó và đi theo chụp ảnh cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng lần nào đứng trước Người, tôi cũng cảm thấy xao xuyến và dường như quên đi tất cả.
Đó là những lời tâm sự tận đáy lòng của Đại tá Trần Hồng – người đã có hơn 30 năm gắn bó và chụp ảnh cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với số lượng ảnh đồ sộ mà Đại tá Trần Hồng từng chụp, thì có lẽ ông xứng đáng là người ghi lại cuộc đời của Đại tướng qua những bức ảnh.
Thưa Đại tá, ông có thể chia sẻ câu chuyện về ngày đầu tiên khi ông có cơ hội được tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
Đại tá Trần Hồng đang ngồi xem lại kho ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi được in thành sách. |
Vừa tốt nghiệp Đại học báo chí, tôi trở thành phóng viên của báo Quân đội nhân dân, và khi ấy, Đại tướng lại là người đứng đầu quân đội, nên phóng viên trong ngành như chúng tôi rất may mắn vì thường xuyên được tiếp xúc với Đại tướng.
Tuy nhiên, đối với tôi khi ấy, Đại tướng là một con người ở tầm vóc quá đỗi quá lớn lao, đồ sộ. Dù trong ở điều kiện nào tôi cũng có một sự tự tin rất lớn, nhưng có tự tin đến đâu thì một nhà báo non trẻ khi tiếp xúc với Đại tướng đều không có thành công, và tôi cũng như vậy.
Tôi là một người rất mê chụp chân dung, niềm đam mê vô tận của tôi là chụp chân dung, đặc biệt là chân dung các bà mẹ. Có những lúc tôi thầm nghĩ, mình mê chân dung đến như vậy, mà bên cạnh mình lại có một người thầy, người cha, người chú, người đồng đội lớn như Đại tướng thì tại sao lại không tìm cách tiếp cận con người này để chụp, để thỏa mãn nguyện vọng khai thác nội tâm nhân vật. Và cuối cùng, tôi cũng làm được việc đó.
Vậy ông chính thức được chụp ảnh cho Đại tướng từ khi nào?
Đó là vào mùa xuân năm 1974, một thời khắc mà có lẽ không bao giờ tôi có thể quên được.
Khi tôi tiếp cận với Đại tướng thì Đại tướng cũng đã xem 2 cuộc triển lãm của tôi, qua đó, Người cũng bày tỏ rất tâm huyết.
Khi gặp ông, ông nhìn tôi rất nhanh, và tôi cũng nhìn thẳng vào đôi mắt rất đẹp của ông, ngay sau đó tôi biết chắc chắn ông đã vui lòng. Sau đó, Đại tướng có nói với Thư ký lâu năm của ông là để cho nhà báo Trần Hồng vào gặp Đại tướng bất cứ lúc nào.
Đây là một cửa mở lớn nhất và vinh quang nhất đối với tôi.
Kể từ thời khắc đó, tất cả mọi hoạt động của Đại tướng, đặc biệt là những sinh hoạt đời thường của ông, tôi cũng đều tiếp cận một cách cụ thể, chi tiết và ở nhiều góc độ khác nhau.
Nguyện vọng, khao khát và dự đoán của tôi đều rất đúng, vì thực chất Đại tướng là một con người rất phong phú, ở góc độ nào ông cũng là một con người Việt Nam với phẩm chất tuyệt vời.
Cho đến thời điểm hiện tại, ông đã chụp được bao nhiêu bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp? Ông đã từng mở riêng những cuộc triển lãm để trưng bày những bức ảnh này hay chưa, thưa Đại tá?
Đến bây giờ thì số lượng ảnh tôi chụp Đại tướng cũng rất nhiều, nhưng nói về những bức ảnh mà tôi ưng ý, thì có lẽ tôi sẽ chọn ra được khoảng 2.000 bức ảnh.
Tôi cũng đã tổ chức được 6 cuộc triển lãm, trong đó có những cuộc triển lãm tổ chức không hề dễ dàng, bởi không phải khó khăn về kinh phí mà khó khăn về nhiều thứ, tỏng đó có cả những yếu tố liên quan đến chính trị.
Khi Đại tướng 95 tuổi thì tôi tổ chức được một cuộc triển lãm tại Quảng Bình quê ông. Đó là niềm vui rất lớn và bền vững trong cuộc đời làm báo của tôi.
Tiếp đó, tôi tổ chức được 5 cuộc triển lãm nữa, có 2 cuộc gây ấn tượng lớn nhất là cuộc triển lãm tôi tổ chức ở quên hương Hà Tĩnh của tôi khi Đại tướng tròn 100 tuổi, thứ hai là một cuộc triển lãm tại Thủ đô Hà Nội.
Bức ảnh "Nhớ Bác" mà Đại tá Trần Hồng thích nhất trong hơn 2.000 bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh chụp từ tư liệu của Đại tá Trần Hồng. |
Là một người có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với Đại tướng, vậy trong tất cả những lần gặp gỡ, tiếp xúc ấy, có kỷ niệm gì với Đại tướng mà ông ấn tượng sâu sắc và ghi nhớ nhất, thưa ông?
Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì mỗi cuộc gặp gỡ đều để lại ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc, vì có tiếp xúc trực tiếp với Đại tướng mới thấy ông bộc lộ ra những góc độ mà mình không bao giờ hình dung ra được.
Ví dụ như lần lên Tây Bắc năm 2004, khi tôi đang chụp ảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang nói chuyện với đồng bào dân tộc thì bất ngờ quay lại nói với tôi: “Hôm nay, mình bất lịch sự với Trần Hồng, vì mình nói với đồng bào dân tộc mình phải nói tiếng Tày, chắc cậu không hiểu gì”. Khi đó tôi thực sự ấn tượng vì không ngờ một người ở tầm vóc lớn lao như Đại tướng mà lại quan tâm đến những điều nhỏ nhất như thế.
Một dịp khác, khi thấy tôi đeo theo 2 chiếc máy ảnh trên vai, Đại tướng hỏi tôi bây giờ sao lại phải mang nhiều máy thế? Tôi có giải thích rõ với Đại tướng rằng 2 máy này, một máy là đen trắng, một máy chụp phim màu. Nói đến đen trắng thì ông hơi ngạc nhiên, hỏi sao đến bây giờ còn chụp ảnh đen trắng? Tôi đáp rằng, thưa Đại tướng, mỗi thứ đều có cái riêng của nó, ảnh màu có cái đẹp vì nó bắt mắt, người ta thích nhìn, nhưng đôi lúc màu mè lại đáng lừa thị giác của người xem. Còn ảnh đen trắng thì nó rõ ràng, người xem họ đến với thực chất. Khi nghe tôi trả lời, ông nhìn tôi ưu ái và tặng tôi một nụ cười rất đẹp.
Là một nhà báo, một nhiếp ảnh gia, ông cũng đã từng chụp rất nhiều ảnh, cho rất nhiều đối tượng và nhiều vấn đề trong cuộc sống. Vậy khi chụp ảnh cho Đại tướng, ông có một cảm xúc gì đặc biệt hay không?
Là một phóng viên ảnh, khi đứng trước các nhân vật của mình, tôi luôn cố gắng tập trung cao độ, làm sao chụp để làm toát lên ít nhất 70\% cá tính của đối tượng mình đang chụp.
Còn riêng đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mỗi khi đứng trước và chụp ảnh cho Đại tướng là tôi vô cùng xao xuyến và tôi quên gần như tất cả, tôi tập trung theo dõi không rời Đại tướng để quan sát, ghi lại hình ảnh chân thực nhất, đặc biệt là trạng thái tình cảm trên khuôn mặt của ông, bởi Đại tướng rất dễ bộc lộ các trạng thái tình cảm, nhất là trong đôi mắt rất đẹp của Người.
Đại tá Trần Hồng chụp ảnh cùng vợ chồng tướng Giáp. Ảnh chụp từ tư liệu của Đại tá Trần Hồng. |
Trong hơn 30 năm qua, bức ảnh nào chụp cho Đại tướng mà ông thấy hài lòng và yêu thích nhất?
Có những bức ảnh có lẽ xét về góc độ ánh sáng, bố cục thì nhiều đồng nghiệp không thích, nhưng đằng sau những cái mà họ không thích ấy thì tôi lại rất thích, vì tôi là người trong cuộc, là người ghi lại những khoảnh khắc đó nên tôi rất trân trọng.
Nói về bức ảnh tôi thích nhất trong hơn 2.000 bức ảnh chụp Đại tướng, thì có lẽ tôi ấn tượng với bức ảnh “Nhớ Bác”. Đó là một bức ảnh chụp Đại tướng đứng bên một bức tượng Bác Hồ bằng gỗ rất đẹp ở trong văn phòng, khi ấy ông có một tâm trạng không hẳn là vui, không hẳn là buồn, nhưng tổng thể là ông đang cảm thấy rất nặng nề. Khi tôi chụp từ kiểu thứ ba sang kiểu thứ tư thì không chụp được nữa vì ống kính nhòa lệ khi nhìn ông khóc. Sau đó vài ngày thì mấy người ở văn phòng có nhận xét, đây là bức ảnh mà Trần Hồng đã “rút ruột rút gan” Đại tướng để thể hiện lên dung nhan trong bức hình.
Đối với ông, điều dễ nhất và khó nhất khi chụp ảnh cho Đại tướng là gì?
Đại tướng tiếp xúc với bất kỳ ai thì chỉ sau vài giây, hai con người, hai tâm hồn, hai cá tính nói chuyện với nhau đã không còn khoảng cách, không phân biệt giàu sang, nghèo hèn, ấy là biệt tài của Đại tướng.
Cho nên chụp ảnh cho Đại tướng dễ nhất là cái đó, bởi một khi ông đã nói chuyện rồi, thì ông có sự giao cảm rất lớn, sự giao cảm ấy giúp cho cả cuộc đời hoạt động của mình, ông luôn hiểu được rõ ý nguyện của từng người, từng chiến sĩ. Mọi người nói chuyện với Đại tướng đều có thể “kéo hết ruột gan” ra để tâm sự với ông.
Nhưng chụp ảnh cho Đại tướng cũng có có rất khó, đó là vì Đại tướng là một sĩ quan nguyên vẹn nên suốt cuộc đời ông mặc áo lính, ông đã có một vinh quang tột cùng khi mới 37 tuổi được phong là Đại tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, được Hồ Chủ tịch giao cho toàn quyền ngoài mặt trận.
Gánh trọng trách của Tổ quốc, của nhân dân, dân tộc, vì vậy cả cuộc đời ông gói gọn trong bộ quân phục, và vì gắn bó cuộc đời với bộ quân phục của người lính nên nhiều khi có sự “cứng nhắc” của ngoại hình, thông qua ngoại hình này để nói lên nội tâm cực kỳ khó.
Dưới góc độ là một nhà báo, một nhiếp ảnh gia, ông quan niệm như thế nào về giá trị đằng sau mỗi bức ảnh mà mình chụp, thưa Đại tá?
Tôi quan niệm, chụp đẹp thì rất dễ, nhưng chụp làm sao để qua dung nhan, diện mạo người ta biết được bản chất con người thì đó mới là cái đích tôi hướng đến.
Trong tuyên ngôn nhiếp ảnh của tôi, thì ảnh là cái nhìn đầu tiên của người cầm máy, đúng sai, phải trái thì nhất nhất mọi người đều nhìn vào bức ảnh đầu tiên của người cầm máy, vì thế trọng trách của người cầm máy rất lớn.
Đối với tôi, ảnh phải thông tin chính xác nhất, trung thực nhất, bảo vệ thông tin một cách trọn vẹn nhất, vì thế không bao giờ trong những bức ảnh của tôi có sự can thiệp thô bạo của Photoshop để làm sai lệch giá trị của bức ảnh.
Những sự can thiệp thô bạo ấy chính sự giả dối, nặng hơn nữa nó còn là tội ác vì đem lại cho mọi người một cái nhìn không đúng với thực tế.
Xin cảm ơn ông!