Với bài thuốc gia truyền bí ẩn kết hợp cùng cách chữa bệnh có một không hai là dùng chân đạp vào chỗ đau của người bệnh, một “thầy lang” ở xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) khẳng định mình có thể chữa được nhiều bệnh, nhất là các bệnh về thần kinh, xương, khớp và cả...… ung thư.
Một bài thuốc chữa bá bệnh
Trong vai những người bệnh từ xa tới, chúng tôi tìm đến “phòng điều trị” của “thầy lang” Phương (thôn 4, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo) để nhờ chữa bệnh. “Phòng điều trị” chỉ là một cái nhà tạm, rộng chừng 20m2, cũ kỹ, ẩm thấp và bẩn thỉu. Khi chúng tôi đến vào khoảng 9 giờ sáng, ngoài phòng khám đang có một số người chờ đến lượt để được thầy “bắt bệnh”. Bên trong “phòng điều trị”, 2 thanh niên lực lưỡng, cởi trần ngồi trên ghế liên tục dùng gót chân nhúng vào bát đựng gừng giã nhỏ trộn rượu và hơ chân trên bếp than cho nóng rồi đạp vào những người bệnh đang nằm dài dưới nền nhà. “Đau chỗ nào đạp chỗ đó”, từ tay, đùi, lưng, vai, gáy, thậm chí cả mặt. Thỉnh thoảng hai thanh niên đứng dậy “giải lao”, đi chân không khắp nhà rồi lại dùng chính bàn chân ấy dẫm thuốc vào chỗ đau người bệnh. Hỏi thăm thì được biết, 2 thanh niên này là “đệ tử” của “thầy” Phương, phụ thầy dẫm thuốc vào chỗ đau của người bệnh, khi “đạp” xong thì “thầy” mới bấm huyệt để khai thông khí huyết. Thấy chúng tôi thắc mắc tại sao ai cũng được dẫm một loại thuốc như nhau, 2 đệ tử của “thầy” Phương liền quảng cáo: “Bát thuốc là gừng trộn với rượu thuốc gia truyền đấy. Bệnh nào cũng dùng một loại thuốc này thôi, nhưng quan trọng là phải dẫm thuốc đúng vào chỗ đau thì mới khỏi được. Không tin, các chị cứ thử sẽ biết ngay, đạp thuốc xong là bệnh bớt liền à!?”.
Thấy chúng tôi là những người lần đầu xuất hiện tại “phòng điều trị”, ban đầu “thầy” Phương khá dè dặt và không quên “thẩm vấn” vì sao biết đến danh tính của “thầy”. Sau khi hoài nghi được gỡ bỏ, thái độ của “thầy” Phương cởi mở hơn. Nghe chúng tôi nói bị đau lưng đã đi chữa nhiều nơi không khỏi, “thầy” phán: “Tí nữa các cô vào đạp thuốc rồi tôi bấm huyệt cho. Các cô đến đây là tìm đúng chỗ rồi đó, tôi chữa tất cả các bệnh kể cả ung thư, nhưng thiên về các bệnh thần kinh, xương, khớp nhiều hơn. Tôi đã chữa khỏi cho cả những người bị liệt, bị tai biến mạch máu não”. Đến lượt, chúng tôi được yêu cầu nằm xuống chiếu, gối đầu lên những chiếc gối bẩn khủng khiếp. Do hai “đệ tử” của thầy đang đạp thuốc cho người bệnh khác nên một ông già được giới thiệu là “bố của bệnh nhân đang điều trị” được nhờ đạp thuốc cho chúng tôi. “Thầy” giải thích: “Ai cũng đạp thuốc được, miễn là đạp đúng chỗ đau. Còn khỏi được bệnh hay không là phụ thuộc vào việc bấm huyệt của thầy”.
Mặc dù nói là bị đau thắt lưng và gai đốt sống nhưng các “đệ tử” của thầy thỉnh thoảng lại dí gót chân nóng bỏng lên lưng trên và hai cạnh sườn khiến chúng tôi đau điếng. Đạp thuốc khoảng 10 phút thì chúng tôi được thầy bấm huyệt. Những ngón tay có móng dài đen kịt của thầy “bấm”, day day trên lưng, vài giây sau “thầy” quay sang nói với một người trong nhóm chúng tôi: “Cô bị gai 3 đốt nhé!”, rồi quay sang người còn lại phán tiếp: “Cô này bị khớp gối nặng lắm do dây thần kinh chèn ép nên khí huyết không lưu thông đến khớp gối được”.
Vờ lo lắng cho bệnh tật của mình, chúng tôi quay sang hỏi “thầy” bệnh của mình về thời gian điều trị và phải dùng thuốc như thế nào, “thầy” bảo: “Thời gian tùy vào cơ địa mỗi người, có người 10 ngày nhưng cũng có người phải mất vài, ba tháng. Các cô phải thu xếp đến đạp thuốc ngày 2 – 3 lần, khoảng 3 ngày thì kết hợp với uống thuốc để tác động cả bên trong và bên ngoài, bệnh mới nhanh khỏi được”. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua thuốc về dùng thử, “thầy” quả quyết: “Các cô phải đạp thuốc vài lần mới dùng thuốc được. Thuốc của tôi toàn bằng rễ cây đưa từ Tây Sơn (Bình Định) lên, dễ uống lắm. Người bệnh mới uống sẽ thấy mình mẩy đau ê ẩm nhưng khi ngấm thuốc rồi thì bệnh khỏi ngay. Đặc biệt, với phụ nữ không bị bệnh xương, khớp, thuốc của tôi còn là thuốc bổ, giúp lưu thông khí huyết, chu kỳ tháng đều đặn…”. Thêm vài câu trao đổi sau đó, chúng tôi cũng sở hữu được một gói thuốc “gia truyền” của “thầy” với giá 100.000 đồng nhưng không phải “thầy” bán cho người bệnh mà bán dưới dạng thuốc bổ!
Các “đệ tử” của “thầy lang” Phương đang đạp thuốc cho người bệnh. |
Theo lời “thầy” Phương thì việc mở “phòng điều trị” này là muốn lấy nghề gia truyền của mình để chữa bệnh cho mọi người, nhất là người bệnh nghèo, còn việc trả công cho “thầy” thế nào thì tùy vào lòng hảo tâm và điều kiện kinh tế của người bệnh. Thế nhưng, qua khảo sát của chúng tôi, sau mỗi lần “đạp thuốc”, hầu hết người bệnh đều trả công cho “thầy” 20.000 đồng. Trong khi đó, số lượng người bệnh tìm đến nhờ “chẩn bệnh” mỗi ngày rất đông. Theo quảng cáo của các “đệ tử” của “thầy”, mỗi ngày “phòng khám” chữa trị cho hơn 200 người, rất nhiều người từ các huyện và các tỉnh khác như Kon Tum, Gia Lai, Dak Nông, thậm chí theo lời kể của thầy Phương thì có cả những người ở tận Hà Nội, Yên Bái cũng tìm đến nhờ chữa bệnh.
Quả thật, trong khoảng 1 tiếng đồng hồ có mặt tại “phòng điều trị”, chúng tôi đã chứng kiến “thầy” Phương và các đệ tử “đạp thuốc” cho hơn 10 bệnh nhân. Nếu tính theo thời gian làm việc của “thầy” Phương từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối hằng ngày thì mỗi ngày cũng có trên 100 người được “thầy” chẩn bệnh và số tiền “hảo tâm” của người bệnh trả công cho “thầy” đã lên đến tiền triệu, ấy là chưa kể tiền bán thuốc (100.000 đồng/gói) mà người bệnh nào cũng phải dùng sau vài lần “đạp thuốc”.
“Thầy lang” xuất thân từ... thợ hồ
“Thầy” Phương cho biết, bài thuốc gia truyền “thầy” được thừa hưởng từ bố nuôi có nguồn gốc… Ba Tàu; thuốc chữa bệnh là từ loại cây có tên “huyết tử” do một người anh từ Bình Định chuyển lên. Tuy nhiên, bước đầu tìm hiểu chúng tôi không thấy có loại cây thuốc nào tên là “huyết tử”, chỉ có cây huyết dụ và huyết đằng dùng để chữa xuất huyết, phong thấp đau nhức… Còn cách chữa trị bằng cách nhúng chân vào gừng ngâm rượu rồi đạp lên chỗ đau của người bệnh thì chẳng khác gì việc tẩm quất, matxa hay giác hơi thông thường.
Theo ông Nguyễn Đăng Vân, Trưởng Công an xã Dliê Yang, “thầy” Phương tên thật là Nguyễn Tứ Đình Phương, sinh năm 1970, mới chuyển đến sinh sống tại xã Dliê Yang được vài năm nay. Khi mới chuyển đến sinh sống trên địa bàn, ông Phương làm nghề thợ xây, đến khoảng giữa năm 2013 thì chuyển sang làm “thầy lang” chữa bệnh cho người dân. Trước tình hình rất đông người bệnh tụ tập về “phòng khám” chữa bệnh, Công an xã đã yêu cầu ông Phương đình chỉ “phòng khám” cho đến khi có giấy phép của cơ quan chức năng song ông không nghe mà vẫn tiếp tục tổ chức khám bệnh.
Còn bà Dương Thị Duyên, Trưởng Phòng Y tế huyện Ea H’leo cho biết: “Sau khi nhận được thông tin ông Phương tổ chức khám chữa bệnh tại nhà cho người dân trong và ngoài tỉnh, Phòng Y tế đã đến kiểm tra giấy tờ liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh, tuy nhiên ông Phương không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào, từ bằng cấp chuyên môn, giấy phép hành nghề cho đến giấy chứng nhận phương thuốc gia truyền. Trước tình hình đó, Phòng Y tế đã mời ông Phương lên trụ sở làm việc vào ngày 26-3, tại đây ông Phương đã cam kết tạm dừng hoạt động khám chữa bệnh để làm các thủ tục liên quan theo hướng dẫn của Phòng”. Cam kết là như vậy, song trên thực tế, suốt từ đó đến nay, ông Phương không những không dừng hoạt động sai trái của mình mà vẫn công khai tổ chức khám chữa bệnh, thậm chí còn cho người bệnh lưu trú dài ngày tại phòng điều trị để chữa bệnh. Chính “thầy” Phương cũng thừa nhận: “Gia truyền mà, ai người ta cấp giấy phép cho” (?!).
Có thể thấy, với việc tổ chức khám chữa bệnh rộng rãi trong khi không có bằng cấp chuyên môn và giấy phép hành nghề, ông Phương đang vi phạm nghiêm trọng quy định về hành nghề y dược tư nhân. Đề nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng cần có những biện pháp mạnh để xử lý vấn đề này; đặc biệt cần làm rõ xem bài thuốc gia truyền mà ông Phương đang sử dụng thực sự có tác dụng chữa bệnh hay không!.