Dịch bệnh đến sớm bất thường
Singapore đã ghi nhận 11.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cao gấp 2 lần con số 5.258 ca bệnh được ghi nhận hồi năm 2021. Đáng nói, con số 11.000 ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận từ trước ngày 1/6, tức là trước đợt cao điểm dịch hàng năm.
Các chuyên gia đang cảnh báo đây là một điều tồi tệ không chỉ đối với Singapore - nơi có khí hậu nhiệt đới và sinh sản tự nhiên của muỗi Aedes mang virus - mà còn đối với cả thế giới. Sự bùng phát dịch sớm một cách bất thường này ở Singapore được cho là do biến đổi khí hậu toàn cầu. Các chuyên gia dự đoán những đợt bùng phát như vậy có sẽ trở nên phổ biến hơn và lan rộng hơn trong những năm tới.
Sốt xuất huyết không phải là một căn bệnh dễ chịu. Căn bệnh này có các triệu chứng giống như bệnh cúm, bao gồm sốt cao, đau đầu dữ dội và đau nhức cơ thể. Trong trường hợp nghiêm trọng, sốt xuất huyết có thể gây ra chảy máu, khó thở, suy nội tạng và thậm chí tử vong.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Singapore Desmond Tan nhận xét: "Đây là một vấn đề khẩn cấp khẩn cấp bây giờ mà chúng tôi phải giải quyết hiện nay".
Các chuyên gia nói rằng dịch sốt xuất huyết bùng phát ở Singapore đã trở nên tồi tệ hơn do thời tiết khắc nghiệt thời gian gần đây và đây có thể là dấu hiệu báo trước những gì sẽ xảy ra ở những nơi khác khi ngày càng có nhiều quốc gia phải chịu đựng những đợt thời tiết nắng nóng kéo dài và mưa giông, điều kiện khiến muỗi sinh sản và làm lây lan virus.
Trong một báo cáo về bệnh sốt xuất huyết toàn cầu hồi tháng 1/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lưu ý rằng các ca bệnh đã tăng khoảng "30 lần trong vòng 50 năm qua". WHO thông tin: "Không chỉ số trường hợp gia tăng khi dịch bệnh lây lan sang các khu vực mới mà các đợt bùng phát bùng phát đang xảy ra".
Theo WHO, vào năm 2019, thế giới đã ghi nhận kỷ lục 5,2 triệu ca mắc sốt xuất huyết và các đợt bùng phát trên khắp châu Á trong năm đó đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Tại Philippines, hàng trăm người đã tử vong và hàng triệu người khác đang gặp nguy hiểm khi nước này tuyên bố là quốc gia có dịch sốt xuất huyết; ở Bangladesh, các bệnh viện rơi vài tình trạng quá tải; còn ở Afghanistan, sự lây nhiễm của sốt xuất huyết cũng lần đầu được ghi nhận.
Đợt bùng phát sốt xuất huyết tồi tệ nhất trong lịch sử của Singapore đã diễn ra chỉ 1 năm sau đó. Cụ thể, trong năm 2020, nước này ghi nhận 35.315 trường hợp mắc bệnh và 28 trường hợp tử vong. Năm 2022, Singapore đã ghi nhận 1 ca tử vong do sốt xuất huyết và tỷ lệ lây nhiễm cao, tính tới thời điểm hiện tại.
Tra đổi với CNN, người phát ngôn Bộ Y tế Singapore chia sẻ: "Tính đến ngày 28/5/2022, khoảng 11.670 trường hợp mắc sốt xuất huyết đã được báo cáo, 10% trong số đó phải nhập viện".
Người phát ngôn Bộ Y tế nói thêm số ca nhập viện dó sốt xuất huyết tại các khoa cấp cứu của bệnh viện đã tăng lên do sự gia tăng gần đây trong số ca mắc, nhưng vẫn ở "mức có thể kiểm soát được".
Nhưng với việc đợt cao điểm của đợt bùng phát dịch chỉ mới bắt đầu, các chuyên gia y tế và các bác sĩ dự đoán số ca mắc sốt xuất huyết tại Singapore có thể tiếp tục lập đỉnh trong năm nay.
Bác sĩ Clarence Yeo Sze Kin, người điều hành một phòng khám ở Singapore, nhận xét: "Sốt xuất huyết là một bệnh theo mùa. Bệnh sốt xuất huyết có thể là bệnh lưu hành nhưng cũng không phải là một căn bệnh có thể điều trị đơn giản".
Người phát ngôn của Bộ cho biết hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết không cần nhập viện hoặc chăm sóc đặc biệt, tuy nhiên một số trường hợp diễn biến nặng có thể dẫn đến tử vong. Người phát ngôn Bộ Y tế Singapore cho biết: "Chúng tôi nhắc nhở cộng đồng y tế về việc quản lý lâm sàng sao cho phù hợp với các trường hợp sốt xuất huyết và duy trì mức độ cảnh giácc cao khi thấy bệnh nhân bị sốt".
Cảnh báo về biến đổi khí hậu
Ruklanthi de Alwis, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Y Duke - Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và là chuyên gia về các bệnh truyền nhiễmở Singapore, cho biết sự gia tăng ca bệnh sốt xuất huyết tại đây là kết quả của nhiều yếu tố như thời tiết ấm áp, ẩm ướt cũng như một chủng virus mới chiếm ưu thế.
Tuy nhiên, bà lưu ý sự biến đổi khí hậu có khả năng làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Bà de Alwis nhận xét: "Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu cuối cùng sẽ mở rộng các khu vực địa lý (nơi muỗi phát triển mạnh) cũng như kéo dài thời gian các đợt bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết".
Cơ quan Khí tượng Singapore cho biết quốc gia Đông Nam Á này đang nóng lên nhanh gấp đôi so với phần còn lại của thế giới. Các nhà khoa học thời tiết đã cảnh báo nhiệt độ trung bình hàng ngày của Singapore có thể đạt 37 độ C vào năm 2100 nếu lượng khí thải carbon tiếp tục tăng lên. Nhiệt độ gần đây của nước này đã đạt mức cao kỷ lục 36,7 độ C vào tháng 5.
Nhà khoa học thời tiết và khí hậu Koh Tieh Yong, đến từ Đại học Khoa học Xã hội Singapore, cho biết: "Thập kỷ qua, thời tiết đã ấm lên nhiều. Giờ đây, chúng ta đã có thêm khoảng 12 ngày nóng và thêm 12 đêm ấm áp so với 50 năm trước".
Ông Koh lưu ý Đông Nam Á có "nhiều điều phải lo ngại về biến đổi khí hậu".
Các chuyên gia khác cho rằng xu hướng thời tiết nắng nóng kéo dài và lượng mưa lớn hơn từ các đợt gió mùa đột ngột đã khiến dịch sốt xuất huyết hàng năm của Singapore có khả năng trở nên tồi tệ hơn.
Nhà khoa học khí hậu Winston Chow từ Đại học Quản lý Singapore chỉ ra: "Chúng ta sẽ không thể loại trừ bệnh sốt xuất huyết (vì) thời tiết khắc nghiệt liên tục tạo ra điều kiện sinh sản hoàn hảo cho muỗi".
Dù đã chi hàng chục triệu USD mỗi năm để cố gắng ngăn chặn sự sinh sản của muỗi thông qua các nỗ lực phun thuốc diệt muỗi trên phạm vi toàn quốc, các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và thậm chí là các thí nghiệm mới lạ sử dụng muỗi đặc biệt được nuôi trong phòng thí nghiệm, các cơ quan chính phủ ở Singapore vẫn tiếp tục ghi nhận sự gia tăng của bệnh sốt xuất huyết và sinh sản của muỗi.
Cơ quan Môi trường Quốc gia cho biết Singapore hiện đang phải đối mặt với tình trạng sốt xuất huyết nghiêm trọng do "thời tiết ấm áp, mưa và ẩm ướt gần đây". Cơ quan này dự đoán số ca sốt xuất huyết tiếp tục tăng mạnh và dự kiến sẽ vẫn ở mức cao trong những tháng tới.
Dù cơ quan chính phủ đã nỗ lực để kiểm soát các khu vực sinh sản của muỗi, họ vẫn đang chứng kiến tình trạng "muỗi sinh sôi nảy nở" ở nhiều khu vực. Cơ quan này nhấn mạnh: "Việc phát hiện nhanh chóng và loại bỏ các môi trường sinh sản của muỗi là rất quan trọng. Chúng tôi kêu gọi tất cả cư dân cảnh giác và kiểm tra nhà cửa kỹ lưỡng ít nhất một lần một tuần xem có nước đọng không".
Khi biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ và hành tinh nóng lên, các bệnh truyền nhiễm do muỗi như Zika, chikungunya và sốt xuất huyết có thể sẽ tiếp tục lây lan và có tác động lớn hơn bao giờ hết đến sức khỏe và cuộc sống con người.
Các chuyên gia cho rằng câu hỏi quan trọng hiện nay là liệu các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách - những người sẽ cần thực hiện các thay đổi để làm chậm biến đổi khí hậu và chuẩn bị cho các hậu quả của nó - có nhận thấy tác động của các bệnh do muỗi gây ra đối với sức khỏe con người hay không. Nhà khoa học khí hậu Chow chỉ ra: "Điều kiện môi trường thay đổi đang làm tăng tỷ lệ sinh sản của muỗi, vì vậy nếu tình trạng khẩn cấp về khí hậu không được cải thiện, việc loại bỏ hoàn toàn nguy cơ sốt xuất huyết sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Và đó sẽ một trận chiến không tốt cho Singapore về lâu về dài".
Minh Hạnh (Theo CNN)