Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, các nhà khoa học của Viện vừa kết thúc chuyến khảo sát, đánh giá hiện trạng khu vực biển Bình Thuận dự kiến nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải.
Theo tin tức trên báo Dân trí, ngày 24/7, PGS. TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, các nhà khoa học của Viện Hải dương học vừa kết thúc chuyến khảo sát, đánh giá hiện trạng khu vực biển Bình Thuận dự kiến nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải.
Theo Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cuộc khảo sát được thực hiện bởi 9 chuyên gia, nhà khoa học của Viện Hải dương học Nha Trang và kết thúc vào ngày 21/7, sau khi kéo dài 4 ngày.
Khu vực biển được cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất tại Tuy Phong, Bình Thuận. Ảnh: Dân trí |
Phạm vi khảo sát rộng 30 ha tại vùng biển dự kiến nhận chìm thuộc xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Trong quá trình khảo sát, các nhà khoa học thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên.
Theo PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, có 4 nội dung khảo sát đã được thực hiện, gồm: đo đạc, vẽ bản đồ địa hình; quay phim hiện trạng nền đáy; lấy mẫu trầm tích và lấy mẫu sinh vật đáy trong trầm tích.
“Mấy ngày nay, anh em đang xử lý số liệu. Sáng mai (25/7), tôi sẽ báo cáo sơ bộ với Bộ Tài nguyên & Môi trường. Sơ bộ nhé vì mẫu chưa phân tích hết nhưng sẽ có một báo cáo sơ bộ”, ông Tuấn khẳng định.
Viện trưởng Viện Hải dương học từ chối cho biết kết quả sơ bộ sau chuyến khảo sát vì phải báo cáo cho Bộ Tài nguyên & Môi trường trước.
Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang thông tin, cuộc khảo sát được tiến hành theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên & Môi trường.
Cũng liên quan đến dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn, báo Vietnamnet dẫn lời ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó tổng giám đốc công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 (Nhiệt điện Vĩnh Tân 1) cho biết, công ty được cấp phép nhận chìm ở biển các vật liệu nạo vét vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
"Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các điều khoản của nghị định Chính phủ có liên quan đã nêu rõ danh mục các vật, chất được nhận chìm ở biển, trong đó có chất nạo vét, các chất địa chất trơ, chất vô cơ... Như vậy, các vật liệu nạo vét này không phải bùn thải và hoạt động nhận chìm đã được quy định bởi pháp luật VN", ông Thành nói.
Ông Phan Ngọc Cẩm Thành cho hay, sau gần 30 ngày kể từ khi nhận giấy phép, công ty đã trình nộp bổ sung đầy đủ hồ sơ đề nghị giao khu vực biển theo luật; thi công màn chắn bùn, lặp đặt 600m trên tổng số 2.200m màn chắn bùn tại khu vực nhận chìm…
"Công ty cam kết sẽ giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình thi công. Chúng tôi tin giảm được tối đa các rủi ro tác động đến môi trường và sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm khắc phục, bồi thường theo quy định của pháp luật nếu phát sinh sự cố môi trường", Phó tổng giám đốc Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 khẳng định.
(Tổng hợp)