+Aa-
    Zalo

    Bộ TN-MT lên tiếng về việc cấp giấy phép nhận chìm 1 triệu mét khối bùn xuống biển Bình Thuận

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cấp phép cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.....

    Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cấp phép cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.

    Theo tin tức trên TTXVN, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chính thức thông tin về việc cấp Giấy phép nhận chìm ở biển cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 tỉnh Bình Thuận.

    Cụ thể, ngày 23/6/2017, Bộ TN-MT đã cấp Giấy phép số 1517/GP-BTNMT cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm vật liệu nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận).

    Báo Tuổi trẻ cũng đưa tin, theo đó, Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 được phép nhận chìm 918.533m3 vật, chất có được từ quá trình nạo vét vũng quay tàu và khu biến chuyên dùng, phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Trong đó, có 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, cát pha, cát kết phong hóa, sét, bùn trầm tích...

    Một góc Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Ảnh: Thanh Niên.

    Giấy phép nêu rõ vật, chất được phép nhận chìm phải đảm bảo không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

    Địa điểm nhận chìm thuộc vùng biển xà Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Tổng diện tích được phép nhận chìm là 30ha mặt nước biển, nơi nhận chìm có độ sâu lớn nhất -36,1m.  

    Để cấp giấy phép nhận chìm này, Bộ TN-MT cũng đã lấy ý kiến UBND tỉnh Bình Thuận và các bộ, ngành liên quan như Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ NN-PTNT về vị trí nơi nhận chìm cũng như tác động của việc này với vùng biển Vĩnh Tân, đặc biệt là tác động đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

    Giấy phép của Bộ TN-MT có hiệu lực kể từ ngày ký và hết hạn vào ngày 30/10/2017.  Đây là thời gian gió mùa Tây Nam hoạt động, nên hướng phát tán vật, chất nhận chìm không hướng về Khu bảo tồn biển Hòn Cau và các khu vực nuôi trồng hải sản ven bờ. Hơn nữa, độ sâu lớn nhất của khu vực nhận chìm là -36,1m, trong khi đó, độ sâu của Khu Bảo tồn biển Hòn Cau từ -5m đến -10m nên khó có khả năng dịch chuyển vật, chất nhận chìm ở đáy biển đến Khu Bảo tồn biển Hòn Cau.

    Phương tiện nhận chìm được sử dụng là các xà lan phễu chuyên dụng, nhận chìm theo hình thức mở đáy xà lan và sử dụng lưới chắn bùn nhằm giảm thiểu phát tán vật, chất nhận chìm do tác động của sóng, gió đến môi trường biển.

    Được biết, khu vực nhận chìm thuộc vùng biển xã Vĩnh Tân, huyên Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, có diện tích 30 ha, cách Khu bảo tồn Hòn Cau là 8 km, nằm trong diện tích 300 ha đã được UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất đề nghị cho nhận chìm và xác định trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đầu tư xây dựng bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 1571/QĐ-BTNMT ngày 24/7/2014.

    Việc nhận chìm chỉ cho phép tiến hành từng bước với sự quan trắc, giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường biển trong suốt quá trình thực hiện. Theo đó, trong Giấy phép nhận chìm đã quy định Chương trình quan trắc, giám sát độc lập tại 13 điểm do Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (đơn vị giám sát độc lập) thực hiện với sự tham gia của đại diện Bộ TN-MT, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương để quan trắc, giám sát nguồn gây tác động đến môi trường và đối tượng có thể bị tác động do hoạt động nhận chìm; kịp thời phát hiện và xử lý các tác động tiêu cực đến môi trường.

    Những rạng san hô tuyệt đẹp dưới biển Hòn Cau. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

    Việc quan trắc, giám sát bao gồm: Hành trình vận chuyển, khối lượng vật, chất nhận chìm trong quá trình chuyên chở từ khu nạo vét đến khu vực nhận chìm, các thông số về chất lượng nước biển (độ pH, ôxy hòa tan (DO), tổng chất rắn lơ lửng (TSS), độ đục), độ lắng trầm tích, thông số hệ sinh thái và thông số chất lượng hệ sinh thái. Việc quan trắc, giám sát chất lượng nước biển tại mỗi điểm thực hiện 3 lần/ngày tại 3 tầng (tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy) trong suốt quá trình nhận chìm.

    Giấy phép nhận chìm cũng đã quy định trường hợp một trong các thông số chất lượng nước biển tại bất kỳ điểm quan trắc, giám sát nào trong 13 điểm nêu trên vượt giá trị giới hạn quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển thì Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 phải dừng ngay hoạt động nhận chìm và chỉ được phép tiếp tục thực hiện khi có giải pháp khắc phục được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận.

    Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã cam kết và trong Giấy phép nhận chìm đã quy định, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 chịu mọi trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố môi trường, tràn dầu, cháy nổ và có trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại do sự cố môi trường, tràn dầu, cháy nổ và hoạt động nhận chìm ở biển gây ra.

    Được biết, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tỉnh Bình Thuận là một trong 5 nhà máy nhiệt điện than thuộc Trung tâm điện lực tỉnh Bình Thuận (với tổng quy mô công suất lắp đặt khoảng 6.180 MW), khi hoàn thành đầu tư xây dựng sẽ là Trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước, góp phần quan trọng vào cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-tn-mt-len-tieng-ve-viec-cap-giay-phep-nhan-chim-1-trieu-met-khoi-bun-xuong-bien-binh-thuan-a194759.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan