+Aa-
    Zalo

    Nỗi đau của người mẹ già mua xích xiềng chân con điên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ngoài hai đứa con điên dại, 20 năm nay, bà Nguyễn Thị Nhung, trú tại xóm 5, xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) còn phải chăm thêm người chồng phát bệnh tâm thần.

    (ĐSPL) - Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Nguyễn Thị Nhung, trú tại xóm 5, xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) chưa một ngày được thảnh thơi. Ngoài 2 đứa con ngơ ngơ ngẩn ngẩn, 20 năm trở lại đây, bà còn phải chăm thêm người chồng phát bệnh tâm thần.

    Mẹ hứng đòn từ con điên dại

    Chúng tôi đến thăm nhà bà Nhung khi trời quá trưa. Trong ngôi nhà sập sệ nằm thấp trũng so với lòng đường ấy phả ra một mùi ẩm ướt, tối tăm, lạnh lẽo. Đang loay xoay tìm chủ nhà, bỗng từ đâu bật ra giọng cười giòn tan điên dại, khiến chúng tôi giật thột, hoảng sợ. Cùng lúc này, bà Nhung xuất hiện để “dẹp đường” cho chúng tôi vào.

    Bà Nguyễn Thị Nhung cho biết, chủ nhân của giọng cười man dại đó là chồng bà - ông Ngô Xuân Thung. 

    Quan sát xung quanh ngôi nhà trống hơ, trống hoác ấy, chỉ có 3 con người nằm trên giường, mắt trợn ngược nhìn lên trần nhà rồi cười vô thức.

    Khi được hỏi về hoàn cảnh của mình, bà Nhung lặng đi một lúc để nhớ lại quãng ngày dài vất vả vì chồng con của mình. “Lấy chồng hơn 30 năm, cái khó nối tiếp cái khổ đeo bám tôi từ đó đến nay. Người ta lấy chồng để được cậy nhờ, còn tôi chỉ mong chồng mình tỉnh táo, bình thường như những người khác là tôi mừng rồi”, người đàn bà khắc khổ lấy tay quệt ngang dòng nước mắt tâm sự với chúng tôi.

    Cám cảnh người phụ nữ nuôi chồng tâm thần, con điên dại

    Chị Ngô Thị Mai, con gái đầu bà Nhung nằm co quắt trong góc giường.

    Sau một lúc chuyện trò, bà Nhung vén tầm mành đưa chúng tôi lại gần chỗ nằm của chị Ngô Thị Mai (SN 1981), con gái đầu của mình. Thấy người lạ, chị Mai co rúm người lại, lấy tay che kín mặt, thi thoảng liếc nhìn trộm chúng tôi.

    “Tai họa bắt đầu ập xuống gia đình tôi, khi con Mai tròn 16 tuổi. Ở độ tuổi đẹp nhất của một người con gái thì cháu nó bỗng dưng phát bệnh. Nó bỏ học lang thang khắp nơi, cười cười nói nói điên dại. Giai đoạn ấy khổ hơn bây giờ vì Mai bắt đầu bước vào tuổi dậy thì. Cháu nó chẳng ý thức được những thay đổi trong cơ thể của một người con gái. Tôi bày dạy gì nó cũng chẳng nhớ. Lúc đó, một tay tôi phải lo trông nom, tắm giặt, cơm nước cho các con để ông nhà đi kiếm tiền chữa bệnh cho Mai. Tôi và chồng phải thay phiên nhau túc trực bên Mai, chẳng dám rời. Bố mẹ chỉ lơ là chút cháu đã bỏ đi rồi. Nhốt con ở nhà thì nó đập phá đồ đạc, để chơi với em thì sợ nó đánh đập em”, người mẹ bất hạnh ấy kể về bệnh tình của con mà không ngăn được nước mắt.

    Vừa kể chuyện, bà Nhung vừa kéo tay chúng tôi xuống gian bếp. Tại đây, trên một tấm phản nhỏ được kê trên mấy viên gạch tạp lô, anh Ngô Xuân Long (SN 1981), con trai thứ 2 của bà đang nằm trần truồng, tay vắt trán che mặt, hỏi gì cũng không nói.

    Cám cảnh người phụ nữ nuôi chồng tâm thần, con điên dại

    Anh Ngô Xuân Long, con trai thứ 2 bà Nhung cũng rơi vào cảnh điên dại.

    Kể về con trai mình, bà Nhung nén tiếng thở dài: “Có một sự trùng hợp mà đến giờ tôi vẫn phân vân chưa có lời đáp. Cũng năm 16 tuổi, con trai tôi tiếp tục bị phát bệnh. Một lần nữa, tôi phải chấp nhận nỗi đau đồng nghĩa với nỗi khổ kéo dài thêm. Chăm lo cho con ăn học đến tuổi đó, cứ nghĩ học xong nó biết tìm công tìm việc đỡ đần. Vợ chồng tôi nào ngờ chưa được nhờ con một giờ, nay nó lại phát bệnh. Sức khỏe của đứa con trai mới lớn cứ hùng hục mà chẳng dùng được vào việc gì ngoài đập phá đồ đạc. Có khi giữa đêm nó lên cơn, quay sang đánh đập tôi chán rồi bỏ đi. Mỗi lần như thế, nó bỏ nhà đi cả tháng trời mới về. Mà Long cũng không tự về được, tôi toàn phải đi nhờ người tìm cháu về".

    Sáu năm trở lại đây, sức khỏe của bà yếu đi rất nhiều, không còn sức chịu đựng những trận đòn roi từ con, người mẹ này đành thắt ruột, cắn răng mua xích về xiềng chân con lại. Vì bị xích quá lâu, cả 2 chân của anh Long giờ đã liệt toàn phần. Mọi sinh hoạt của anh hầu như diễn ra tại chỗ. Mỗi ngày, bà Nhung phải đổ phân, nước tiểu, lau dọn, tắm rửa cho chị Mai và anh Long vài lần. Bà Nhung còn cho biết thêm, nếu không để ý dọn dẹp ngay sau khi các con đại tiện, họ sẽ bôi bẩn lên quần áo, giường chiếu. Đây cũng chính là lí do mà bà không thể rời nhà để đi tìm một công việc nào thêm.

    Gánh nặng chồng tâm thần

    Lau vội nước mắt, bà Nhung tiếp tục câu chuyện cuộc đời mình: “Tôi lấy ông ấy là người làng bên, đằng nội chỉ cho gian nhà để vợ chồng ra ở riêng. Nhưng từ khi con bệnh tật, vợ chồng tôi chạy vạy thuốc thang khắp nơi, tiền bằng nào cũng hết. Rồi cái gì đến cũng đã đến, chúng tôi phải bán nhà lo cho con. Sau khi bán chỗ tranh mưa, tránh nắng ấy, chúng tôi quay về ở đây (nhà hiện tại là nhà bên ngoại cho - PV). Bán hết mọi thứ mong chữa lành bệnh cho con, nhưng rồi chúng không khỏi mà chồng cũng phát bệnh tâm thần. Tôi khổ tâm lắm các cô ơi". Nhìn người đàn bà có khuôn mặt gia nua hơn tuổi, ngửa cổ lên trời than thở, chúng tôi không khỏi xót xa thay.

    Nghe bà Nhung kể chuyện cho chúng tôi ngoài nhà, ông Thung nói vọng ra: “Mụ Nhung bán nhà, bán đất của tôi ăn hết giờ mới khổ thế đấy”. Trước câu nói vô thức của chồng, bà Nhung gượng cười trong đau đớn, vạch vết sẹo dài cho chúng tôi xem rồi nói: "Cách đây khoảng gần chục năm, khi bệnh tình của ông Thung nặng dần, trong một lần lên cơn, ông đã dùng dao chém mạnh vào đầu khiến tôi bị thương nặng. Nhờ hàng xóm đưa tôi đến bệnh viện kịp thời nên may mắn thoát chết".

    Cám cảnh người phụ nữ nuôi chồng tâm thần, con điên dại

    Bà Nhung tựa cửa nhìn theo khi chia tay chúng tôi.

    Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cả nhà chỉ nhìn vào một sào ruộng. Tuy nhiên, sản lượng làm ra cũng chẳng bõ bèn vì hầu như phải bán đi để trả tiền thuê mướn. Giờ đây, 4 con người chỉ trông vào tiền trợ cấp hàng tháng của xã hội.

    Mỗi tháng, mọi khoản chi tiêu thuốc thang, ăn uống...đều từ một triệu đồng trợ cấp chất độc màu da cam của ông Thung. Để kiếm thêm tiền lo cho cuộc sống, bà Nhung phải chăn nuôi con gà, con lợn. Gia đình có nuôi được một con bò chuẩn bị đến ngày bán thì bị trộm dắt mất trong mùa mưa bão năm 2012. Từ đó đến nay, họ chẳng còn tiền mua lại con khác.

    Đã sống hơn nửa đời người mà bà Nhung vẫn chưa có được một ngày thảnh thơi. Tuổi già, sức khỏe ngày càng yếu. Không biết rồi đây, bà còn trụ được bao lâu nữa để lo cho người chồng điên dại và 2 đứa con tâm thần đáng thương của mình? Khi sức khỏe của bà cạn kiệt không thể tiếp tục gánh gồng nuôi gia đình nữa, liệu ai sẽ là người làm thay bà? Câu hỏi đang bị bỏ ngỏ...

    Mọi sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm, đồng hành Nhịp cầu Hồng Đức xin gửi về:
    - Bà Nguyễn Thị Nhung
    Xóm 5, xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An
    - Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung:
    Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP. Vinh - Nghệ An; ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010;
    Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung.

     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-dau-cua-nguoi-me-gia-mua-xich-xieng-chan-con-dien-a54272.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan