Năm nay Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên tuyển 600 sinh viên ngành Y khoa, trong đó 120 chỉ tiêu được xét bằng học bạ.
Trường sử dụng ba tổ hợp gồm B00 (Toán, Hóa, Sinh), D07 (Toán, Hóa, Anh) và B08 (Toán, Sinh, Anh). Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình học tập 6 học kỳ của ba môn và điểm ưu tiên. Trường cộng 0,25-1 điểm với thí sinh có giải học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Ngoài ra, Trường Y Dược Thái Nguyên xét 60 chỉ tiêu bằng đề án riêng. Thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.5 trở lên cùng học lực giỏi 3 năm; hoặc học sinh chuyên Toán, Hóa, Sinh, có giải khuyến khích cấp tỉnh một trong ba môn này, đạt học lực giỏi 3 năm được đăng ký xét tuyển.
Khoa Y Dược, ĐH Đà Nẵng năm nay, tuyển 300 chỉ tiêu với 3 phương thức xét tuyển, trong đó có sử dụng phương thức xét tuyển học bạ đối với các ngành Điều dưỡng (20 chỉ tiêu, tổ hợp xét tuyển B00, B08) và Kỹ thuật xét nghiệm y học (20 chỉ tiêu, tổ hợp xét tuyển B00, B08, A00)
Điểm xét tuyển là tổng điểm các môn học theo thang điểm 10 và điểm ưu tiên khu vực, được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Điểm môn học trong tổ hợp xét tuyển là trung bình cộng điểm môn học lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12.
Thời gian trường nhận hồ sơ theo phương thức này từ ngày 15/4 - 31/5. Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày hết hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, trường sẽ công bố kết quả xét tuyển.
Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cũng dành chỉ tiêu tuyển ngành Y khoa cho cách xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với học bạ. Điều kiện là thí sinh phải có chứng chỉ IELTS 6.0 hoặc TOEFL iBT từ 60/120 điểm trở lên, cùng học lực 3 năm loại giỏi, điểm trung bình 6 kỳ của hai môn Toán - Hóa, Toán - Lý hoặc Toán - Sinh từ 8 trở lên.
Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) chưa công bố chỉ tiêu từng ngành nhưng cho biết có xét tuyển học bạ vào ngành Y khoa, tương tự năm ngoái. Điểm xét tuyển dựa vào học bạ lớp 11 và học kỳ I lớp 12 với các môn trong tổ hợp.
Để đăng ký xét tuyển, thí sinh phải có học lực lớp 12 đạt loại giỏi, đồng thời tổng điểm trung bình cộng các môn trong tổ hợp từ 24 trở lên.
Trường Đại học Y tế Công cộng trong năm 2024 tuyển 785 chỉ tiêu theo 4 phương thức xét tuyển, trong đó xét tuyển học bạ áp dụng cho 5 ngành, gồm: Y tế công cộng, Dinh dưỡng, Công tác xã hội, Kỹ thuật phục hồi chức năng và Khoa học dữ liệu.
Thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo phương thức này sẽ được nhà trường thông báo khi đề án tuyển sinh đại học của trường được công bố chính thức, dự kiến vào tháng 4/2024.
Năm nay, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tuyển sinh ngành Dược học theo phương thức xét tuyển học bạ, ngưỡng điểm nhận hồ sơ là 24 (tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển) và có học lực năm lớp 12 xếp loại Giỏi. Đối với học sinh thuộc trường top sẽ được cộng điểm thưởng khi xét tuyển vào trường này.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến dành 50% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ trong năm 2024. Với phương thức xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, thí sinh cần có tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên.
Để đăng ký xét tuyển, thí sinh phải có học lực lớp 12 đạt loại giỏi, đồng thời tổng điểm trung bình cộng các môn trong tổ hợp từ 24 trở lên.
Cùng điều kiện này, nhưng Đại học Đại Nam (Hà Nội), Văn Lang (TP.HCM) đưa ra hai cách xét học bạ, gồm xét điểm lớp 11 và học kỳ I lớp 12 hoặc tính riêng điểm lớp 12. Còn Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chỉ xét điểm lớp 12.
Một loạt trường khác nhận hồ sơ xét tuyển học bạ vào ngành Y khoa nếu có học lực lớp 12 loại giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8 trở lên như Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Võ Trường Toản (Hậu Giang), Phan Châu Trinh (Quảng Nam). Đây cũng là điều kiện tối thiểu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định với các ngành đào tạo trong lĩnh vực sức khỏe.
Trường Đại học Võ Trường Toản còn xét kết hợp học bạ với điểm thi tốt nghiệp. Thí sinh được chọn một môn theo điểm thi và hai môn trong tổ hợp theo học bạ lớp 12, hoặc lớp 10, 11.
Với phương thức xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12), thí sinh cần có tổng điểm trung bình 3 học kỳ (học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên). Riêng với nhóm ngành Khoa học sức khỏe, điều kiện xét tuyển học bạ áp dụng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trường nhận học bạ theo 8 đợt, từ 8/1-15/9.
Các trường đào tạo Y khoa hàng đầu như Y Hà Nội, Y Dược TP.HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch… không sử dụng học bạ để xét tuyển. Các trường này chỉ xét dựa vào điểm thi tốt nghiệp, hoặc kết hợp điểm thi với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Chương trình đào tạo Y khoa kéo dài 6 năm. Học phí các trường hiện từ vài chục đến vài trăm triệu đồng một năm. Như tại Đại học Y Hà Nội, mức thu khoảng 21-55 triệu đồng, Đại học Y Dược TP.HCM thu 41-77 triệu đồng. Mức cao nhất là ngành Răng - Hàm - Mặt của Đại học Quốc tế Hồng Bàng với 250 triệu đồng, chương trình Y khoa Việt - Đức của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - 209 triệu đồng một năm.
Như Quỳnh (T/h)