Nữ giới thường mong có được người chồng biết lắng nghe và chia sẻ để họ trút mọi buồn vui nhưng thực tế rất khó tìm được người đàn ông như vậy.
Khi nào đàn ông nói nhiều?
Trước hết cần phải thấy rằng nam và nữ sử dụng ngôn ngữ không giống nhau. Nếu phụ nữ coi ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp thì nam giới lại coi nó là công cụ để đua tranh. Ai nghĩ rằng đàn ông ít nói hơn đàn bà là rất nhầm. Hãy thử quan sát một hội nghị có cả nam và nữ: nam giới nói rất hăng, bởi vì đó là chỗ tranh tài xem ai có tầm nhìn xa hơn, đề xuất táo bạo hơn. Còn nói chuyện ở nhà với vợ thì tranh cái gì? Vì vậy họ chỉ ầm ừ cho qua chuyện!
Tác giả cuốn Những khảo nghiệm về đàn ông, Richard Stin phát hiện: "Trong khi nói chuyện, đàn ông luôn tìm cách thay đổi ý kiến hoặc hành vi của người nói chuyện với mình. Khi có động cơ đó, họ nói như máy. Ngược lại, không có động cơ đó, họ như người buồn ngủ". Vì vậy trong câu chuyện, đàn ông thường đưa ra một chủ đề gì đó để tranh luận, như vậy mới có chỗ để giành phần thắng. Nếu câu chuyện chỉ là giãi bày tâm sự như kiểu "hôm nay buồn, cô bạn nghĩ sai về mình" thì họ nghe một cách lơ đãng.
Sau 17 năm nghe hàng núi băng ghi âm sinh hoạt vợ chồng, nữ chuyên gia xã hội học Pamela Feseman cho biết: trong đời sống vợ chồng, nếu câu chuyện do đàn ông khởi xướng thì có tới 96% sẽ được phát triển đến cùng, nhưng nếu do phụ nữ bắt đầu thì tỷ lệ ấy hạ xuống chỉ còn 34%. Số còn lại do nam giới bỏ cuộc hoặc tìm cách phá ngang.
Giáo sư Walon Farayer lại đi theo một hướng khác. Ông tổ chức từng nhóm nam nữ nói chuyện với nhau và rút ra nhận xét: nếu nhóm có từ 6 người trở lên và gồm nửa nam, nửa nữ thì thời gian nói chuyện của nam chiếm tới 72% và chủ đề câu chuyện thường bị dẫn dắt vào những vấn đề mà nam giới thích. Nữ giới có xu hướng mỉm cười và đặt những câu hỏi cho rõ thêm. Nam giới hay có thói quen cắt ngang lời người khác để thêm ý mình vào.
Giáo sư Kanda Weis nhận xét: "Chính tâm lý ganh đua giành phần thắng là trở ngại lớn nhất của đàn ông để có được hạnh phúc gia đình và cũng làm cho họ không nhìn thấy những yếu kém của mình".
Khiến chồng mở lời
Một người vợ phàn nàn rằng không có cuộc sống nào buồn tẻ hơn là sống với chồng. Chuyên viên tư vấn gợi mở: "Chắc anh ấy hay nói những điều không hợp ý chị?". Chị trả lời ngay: "Nếu thế đã không buồn. Đằng này, anh ấy chỉ đi làm về là ngồi im. Tôi đành phải bắt chuyện "Hôm nay ở cơ quan anh có chuyện gì à?". Anh ấy đáp: "Không, bình thường". Tôi kể chuyện ở cơ quan tôi thì anh ấy miễn cưỡng nghe nhưng không nói một lời, càng không hé răng về công việc của anh ấy, cứ như bí mật quân sự không bằng. Có khi cả buổi tối, anh ấy chẳng mở miệng lần nào. Nhưng một lần, tôi cùng anh ấy đến chơi nhà người bạn. Tôi vô cùng ngạc nhiên thấy anh ấy trò chuyện rất rôm rả. Lại có biết cả những truyện tiếu lâm rất dí dỏm. Tôi nghĩ bụng, chắc là nhờ có mấy phụ nữ nhưng tôi đã nhầm. Một lần khác, ở chỗ toàn đàn ông, anh ấy cũng ba hoa không kém. Thế ra, chỉ với riêng tôi anh ấy lầm lỳ không nói. Hay là anh ấy coi thường tôi?".
Nhưng nếu am hiểu tâm lý đàn ông, chị em không nên lấy đó làm buồn. Các nghiên cứu tâm lý đàn ông hiện đại trong gia đình đều khẳng định là những lúc đàn ông không nói chuyện với vợ con phần lớn là họ đang bằng lòng với thực tại. Hình ảnh người đàn ông buổi tối ngồi nhà lẳng lặng nhâm nhi chén trà hay đọc báo là lúc tâm trạng họ thanh thản, yêu đời. Người vợ hiểu chồng nên để cho họ được im lặng hưởng thụ bầu không khí đầm ấm mà ta gọi là hạnh phúc gia đình.
Nhưng nếu chị em nào muốn chồng nói chuyện nhiều hơn cũng chẳng khó, điều cơ bản là phải biết cách nói chuyện với chồng. Các chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên cho những phụ nữ cảm thấy bất hạnh vì chồng ít lời: "Bạn đừng nói chuyện theo kiểu trò chuyện với bạn gái, đừng giãi bày tâm sự về những cái trừu tượng mà phải biết cách nêu vấn đề cụ thể cho anh ta tranh luận. Thỉnh thoảng bạn đặt một câu hỏi lật ngược vấn đề. Anh ta sẽ hăng hái lên ngay. Nếu bạn tỏ ra phục tài, công nhận lý luận của anh ta có lý thì lần sau anh ta sẽ rất thích nói chuyện với bạn".
Đàn ông không thích những "câu chuyện riêng". Cái mạnh của họ là ở chỗ đông người. Có lẽ do bản chất ganh đua, hiếu thắng, đàn ông lúc nào cũng muốn mình phải hơn những người đàn ông khác. Ngay cả những khi kể chuyện tiếu lâm, hình như họ cũng nghĩ ai kể được nhiều và làm cho mọi người cười nhiều nhất là thắng, ai phải ngồi nghe là thua. Nói cách khác, đàn ông thích dùng ngôn ngữ để khẳng định vị thế của mình trong một môi trường cụ thể.
Tâm trạng đàn ông càng xúc động thì vẻ ngoài của họ càng trầm tĩnh, lầm lỳ, lý tính, tập trung tư tưởng đối mặt với sự thật để tìm một giải pháp, chứ không thích chia sẻ với người khác.
Cho nên những phụ nữ không ngoan thường chỉ nói với chồng càng ngắn gọn càng tốt. Thí dụ: "Anh đi mua hộ em mấy cái bánh mỳ đi!" Chứ không nên nói: "Hôm qua, bọn trẻ nhà mình bảo thích ăn bánh mỳ theo kiểu Tây. Ăn cơm mãi cũng chán, bữa nay thay đổi bằng bánh mỳ xem nào. Em đang dở tay, anh xuống nhà lấy xe máy ra cửa hàng đầu phố mua cho nhanh!". Bởi vì sau câu nói dài dòng như thế anh chồng có thể hỏi: "Mua cái gì cơ?". Nói ngắn và đừng tranh luận nếu bạn không biết nhún nhường trước đàn ông, đó là bí quyết để người chồng muốn nói chuyện với bạn! Hệ quả của điều này là không khí cởi mở và sự quý mến mà người chồng dành cho bạn.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Quý cho biết: "Trên thực tế, có những cặp vợ chồng hàng ngày chung sống với nhau nhưng không thể trò chuyện, tâm sự với nhau vì họ bị những gánh nặng về kinh tế, con cái ngăn cách khiến họ không thể mở lòng.
Những mâu thuẫn tích tụ trong cuộc sống hàng ngày cũng khiến cả hai mất đi thiện cảm cho nhau, vì thế, họ không đủ vị tha hay hài hước để có thể tiếp tục dành cho người bạn đời của mình nhiều tình yêu thương.
Ngược lại, với những mối quan hệ ảo, họ có thể thoải mái chia sẻ mà không bị giới hạn về thời gian, tuổi tác, cả hai lại rất yên tâm vì không biết gì về nhau. Cho nên, chuyện họ xích lại gần nhau, cảm mến nhau là chuyện dễ xảy ra, dù vẫn là người vợ ấy, vẫn là người chồng ấy.
“Bởi thế, bài học rút ra ở đây là vợ chồng chín bỏ làm mười. Nếu vẫn còn yêu thương và muốn tiếp tục duy trì cuộc sống gia đình thì cả hai cần nín nhịn và bỏ qua cho nhau, hệt như cách mà họ dành cho những người vừa mới quen biết”, Tiến sĩ Quý nhấn mạnh.
Những chuyện cần nói
Đúng là cuộc sống vợ chồng mà không có chuyện gì để nói với nhau nữa thì vô cùng buồn tẻ. Nhưng thông thường mỗi người, ngoài công việc làm ăn sinh sống ra, thường đều ai cũng có quan tâm đến một số khía cạnh nào đó của cuộc sống.
Muốn trò chuyện với nhau trước hết bạn phải biết chồng quan tâm tới chuyện gì? Có hứng thú về cái gì? Bạn cần phải tìm hiểu để biết những sở thích của chồng bạn. Không gì vô duyên hơn là nói chuyện về đề tài mà người kia không quan tâm hoặc không thích.
Chẳng hạn khi xem ti-vi anh ấy thường xem chuyên mục gì? Thời sự, thể thao hay ca nhạc …? Nếu thấy anh ấy hay xem gì, bạn hãy dành thời gian tìm hiểu về cái đó mới nói chuyện với anh ta được.
Để có đủ hiểu biết trò chuyện với chồng, bạn phải tự nâng cao tri thức của mình về mặt đó. Cách mở mang tri thức tốt nhất hiện nay là tìm hiểu qua mạng internet. Bạn ở nhà có nhiều thời gian lại càng nên sử dụng mạng nắm bắt tin tức, mở mang kiến thức mới có thể đàm đạo với chồng được. Nếu bạn đã ít giao tiếp lại lười lên mạng cập nhật những tri thức hiện đại thì chẳng bao lâu bạn sẽ không biết gì để nói chuyện với chồng nữa. Hai người chỉ hợp chuyện khi người ta có trình độ hiểu biết ngang nhau ít ra là về những lĩnh vực mà cả hai cùng quan tâm. Không có gì chán bằng nói chuyện với một người về đề tài nào đó mà họ chẳng biết gì về mặt ấy cả.
Bạn đừng ngại nói nhiều sẽ làm anh ấy mệt. Nếu hợp chuyện thì càng nói càng hăng không mệt đâu. Nhiều khi cứ ngồi lì một chỗ chẳng nói chẳng rằng còn mệt hơn.
Nếu có thể, ngày nghỉ bạn nên đòi anh ấy đưa đi chơi đây đó. Khi đi ra ngoài, bạn có nhiều chuyện để hỏi han về những cảnh đẹp chẳng hạn chắc chắn anh ấy sẽ có dịp khoe khoang những hiểu biết của mình với vợ. Bạn sẽ thấy bao nhiêu chuyện lạ và có thể trò chuyện với nhau về những gì cả hai cùng thấy hôm đó. Nếu cứ ở nhà chẳng đi đến đâu, chẳng phải làm gì thì sẽ “cạn vốn” và cuộc hôn nhân sẽ đi vào chỗ bế tắc, nặng nề, tẻ nhạt. Vậy bắt đầu từ hôm nay, hãy thay đổi cách sống của bạn đi, chồng bạn sẽ thích nói chuyện với bạn đấy!
Nam Anh (T/h)