Nguyên nhân, triệu chứng đau mắt đỏ
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh đau mắt đỏ có có thể gặp ở tất cả mọi giới, mọi lứa tuổi và dễ lây. Các nguyên nhân và triệu chứng đau mắt đỏ thường gặp như:
- Do virus: Đây là nguyên gây bệnh hay gặp nhất với các triệu chứng ra ghèn dây, ngứa, chảy nước mắt do cộm, sưng mi, thị lực giảm, chói sáng khi biến chứng khô mắt. Bệnh rất dễ lây khi tiếp xúc trực tiếp với nước mắt bệnh nhân; ho, hắt hơi khi viêm họng hay cảm cúm đi kèm.
- Do vi khuẩn: Thường là do vi khuẩn Staphylococcus, Haemophilus Influenzae ..., có thể gây ra những tổn thương nặng nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng thường gặp như ghèn vàng hay màu vàng xanh nhạt gây dính 2 mi mắt khi thức dậy vào buổi sáng, ngứa và chảy nước mắt, nếu bệnh nặng có thể gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực không phục hồi. Bệnh lây qua dịch tiết nước mắt hoặc vật dụng dính dịch tiết mắt.
- Do dị ứng: Như bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, thuốc, ... thường rất khó xác định chính xác tác nhân gây dị ứng, xảy ra theo mùa, kéo dài hay tái phát. Bệnh có các triệu chứng như chảy nước mắt, ngứa mắt nhiều, viêm mũi dị ứng, bệnh xảy ra cả hai mắt và không lây.
Nên làm gì khi bị đau mắt đỏ?
Tạp chí Tri thức dẫn lời bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thu Lan Hương, Chuyên khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho hay, cách xử lý khi có người bị bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ là:
- Lau rửa ghèn, gỉ mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại
- Tránh khói bụi, đeo kính mát
- Trẻ em bị bệnh nên nghỉ học, không đưa trẻ đến trường hoặc những nơi đông người trong thời gian bị bệnh
- Khi trẻ bị đau mắt, thông thường sẽ bị một bên mắt trước, người nhà cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn, gỉ và nước mắt chảy ra (làm tương tự đối với người lớn)
- Tránh ôm ấp khi trẻ em bị bệnh, ngủ riêng
- Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn
- Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Không dùng chung thuốc nhỏ mắt của người khác
- Không đắp các loại lá vào mắt như lá trầu, lá dâu…
Khi nào cần đến bác sĩ?
- Khi thấy đau ở mắt hoặc có vấn đề khi nhìn.
- Khi thấy nhạy cảm với ánh sáng (thấy khó chịu khi nhìn vào nguồn ánh sáng mạnh).
- Khi triệu chứng kéo dài cả tuần hoặc hơn, hoặc triệu chứng không bớt mà ngày càng tệ.
- Khi mắt ra rất nhiều mủ hoặc ghèn.
- Khi bạn có triệu chứng khác của nhiễm trùng như sốt hoặc đau nhức