Mới đây, sở Y tế TP.HCM đã thông tin về 3 sự cố y khoa trong phẫu thuật thẩm mỹ, xảy ra tại các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân trên địa bàn thành phố, được các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM báo cáo về Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, thông tin trên TTXVN.
Gần nhất là trường hợp nữ bệnh nhân tử vong sau khi nâng mũi bằng vật liệu silicon và sụn vành tai tại Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Thẩm mỹ Quốc tế Thailand Hospital (địa chỉ tại 86 - 88 Pasteur, phường Bến Nghé, Quận 1,TP.HCM).
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhân dân 115, người bệnh N.T.T.H (SN 1991) đến phòng khám trên vào lúc 10h ngày 4/6 để được tư vấn nâng mũi bằng vật liệu silicon và sụn vành tai. Lúc 14h cùng ngày, bệnh nhân được thực hiện dịch vụ kỹ thuật này. Ngay sau khi được gây tê bằng thuốc Lidocain 2% ở vành tai (khoảng 5 - 7 phút), bệnh nhân xuất hiện triệu chứng tê quanh miệng, đắng miệng, nhìn mờ, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt.
Nghi sốc phản vệ với Lidocain, bác sĩ phòng khám tiến hành hồi sức chống sốc và được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 để cấp cứu, nhưng tình trạng nặng không qua khỏi, bệnh nhân đã tử vong lúc 22h15 ngày 4/6/2024.
Theo Sở Y tế TP.HCM, phòng khám trên do bác sỹ T.M.T là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, được Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 08964/HCM-GPHĐ ngày 10/10/2023.
Trường hợp thứ hai là tin báo của Bệnh viện Quân y 175 về bệnh nhân V.T.A.Đ (31 tuổi) thực hiện dịch vụ hút mỡ bụng, cấy mỡ vào vùng trán và thái dương tại Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH Viện thẩm mỹ Nguyên Anh tại địa chỉ số 467 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10.
Theo đó, ngày 1/6, bệnh nhân V.T.A.Đ đến cơ sở trên thực hiện dịch vụ hút mỡ bụng cấy mỡ vùng trán và thái dương, 45 phút sau khi thực hiện dịch vụ, người bệnh có biểu hiện lừ đừ, tiếp xúc chậm, không nói được, yếu tay, chân bên phải. Phòng khám này đã chuyển cấp cứu người bệnh đến Bệnh viện Quân y 175 với chẩn đoán: Nhồi máu não diện rộng bán cầu trái do thuyên tắc mỡ sau phẫu thuật cấy mỡ tự thân.
Hiện người bệnh đang vẫn còn tình trạng rất nặng, đang được nhân viên y tế Bệnh viện Quân y 175 tích cực điều trị.
Sở Y tế TP.HCM đã vào cuộc kiểm tra, nhận thấy phòng khám này được cấp giấy phép khám chữa bệnh. Hiện cơ quan chuyên môn đang tiếp tục làm rõ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám này, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có), theo Hà Nội mới.
Trường hợp thứ ba, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM báo cáo sự cố y khoa liên quan người bệnh N.T.H.L (46 tuổi) bị biến chứng sau tiêm chất làm đầy (filler) tại đia chỉ số 515 Lê Hồng Phong (phường 2, quận 10).
Qua xác minh, Sở Y tế phát hiện tài khoản mạng xã hội Facebook "ToNy An An", "Thẩm mỹ viện ToNy An An" có đăng tải các clip, hình ảnh thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ và cung cấp số điện thoại 03894.99999 liên hệ người tên "Bác An" để tư vấn và đặt lịch.
Ngày 4/6, Thanh tra Sở phối hợp Phòng Y tế quận 10 tiến hành kiểm tra tại 2 địa chỉ trên địa bàn. Tại địa chỉ 324/12 Lý Thường Kiệt (phường 12, quận 10) có biển hiệu Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ ToNy An An, qua kiểm tra ghi nhận tại đây cơ sở đang sửa chữa, tòa nhà có 5 tầng, các phòng chưa có dấu hiệu hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Tại địa chỉ 515 Lê Hồng Phong, Phường 2, Quận 10 có biển hiệu Phòng khám thẩm mỹ Quốc tế HanJin "HanJin Beauty". Kiểm tra tại tầng trệt tòa nhà đang trong quá trình sửa chữa, tuy nhiên trên các tầng 1, 2, 3 và 4 cơ sở đều có trang bị các trang thiết bị y tế đang có dấu hiệu hoạt động. Trong quá trình làm việc, đại diện cơ sở tại địa chỉ này không hợp tác với Đoàn kiểm tra, bỏ ra về và không ký biên bản kiểm tra y tế.
Tại thời điểm kiểm tra, cả 2 địa chỉ nêu trên đều không cung cấp Giấy đăng ký kinh doanh. Thanh tra Sở đề nghị cơ sở ngưng việc cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (thẩm mỹ) khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định và xử lý theo quy định của pháp luật, theo báo Phụ nữ Việt Nam.