(ĐSPL) - Thủ đoạn của Tuấn Anh là tạo vỏ bọc của một ông chủ nhà hàng lớn ở Ailen rồi gây dựng niềm tin và lừa hàng chục người dân. Chỉ trong một thời gian ngắn, Tuấn Anh đã thay đổi rất nhiều chiêu thức và thu tiền bất chính hàng tỷ đồng.
Cơ quan Công an mới đây đã nhanh chóng vào cuộc và phát hiện ra đường dây lừa xuất khẩu lao động quy mô lớn do Nguyễn Tuấn Anh (SN 1972, trú 24B Trưng Trắc, phường Ninh Hiệp, TX. Ninh Hòa, Khánh Hòa, tạm trú P.9, Q.3, TPHCM) cầm đầu. Thủ đoạn của Tuấn Anh là tạo vỏ bọc của một ông chủ nhà hàng lớn ở Ailen rồi gây dựng niềm tin và lừa hàng chục người dân. Chỉ trong một thời gian ngắn, Tuấn Anh đã thay đổi rất nhiều chiêu thức và thu tiền bất chính hàng tỷ đồng.
Kẻ đi làm thuê thành “ông chủ nhà hàng”
Năm 2002, Tuấn Anh sang Cộng hòa Ailen lao động làm thuê tại các sân golf, nhà hàng. Tại đây, Tuấn Anh lập gia đình với chị Vi Thị Hiền (SN 1978) và có với nhau một con gái. Tháng 9/2010, Tuấn Anh điện thoại về TP.Hồ Chí Minh trao đổi với anh trai tên là Nguyễn Kim Đồng (SN 1970, trú 105 Nguyễn Huệ, phường Tân Thành, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) với nội dung là muốn đưa anh sang Ailen chữa bệnh và làm việc. Được người em cưu mang nên Đồng mừng lắm, nhưng lại muốn cho thêm người bạn gái của mình là Dương Thị Ngọc Bích (sinh 1982, trú 22/452B Lê Đức Thọ, phường 16, Q. Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) cùng đi và được Tuấn Anh chấp nhận.
Khi nghe tin Đồng và Bích sắp được đi Ailen, nhiều người dân ở TP. Hồ Chí Minh và những người thân quen của Đồng và Bích đề nghị Đồng liên hệ với Tuấn Anh để đưa người nhà của họ đi Ailen. Nhận thấy đây là một cơ hội làm ăn lớn, Tuấn Anh triển khai “kịch bản” và tự phong mình là ông chủ một nhà hàng lớn có tên Hồng Kông ở Ailen, đang cần người làm việc và thông qua anh trai là Đồng tuyển người sang Ailen lao động với mức thu nhập 1.800 Euro/tháng, thời hạn 5 năm, mỗi năm được nghỉ phép 30 ngày. Số tiền chi phí lo thủ tục cho một người xuất cảnh sang Ailen là 7.000 Euro.
Để tạo lòng tin cho các nạn nhân và che giấu hành vi gian dối của mình, Tuấn Anh nhờ Đồng làm giúp các hợp đồng lao động, một con dấu “Tuấn Anh Nguyễn” và một con dấu mang tên nhà hàng Hồng Kông. Tuấn Anh dặn Đồng khi nào làm xong thì đóng dấu lên hợp đồng và đưa cho những người muốn sang Ailen lao động xem, ký tên vào rồi chờ Tuấn Anh về Việt Nam giải quyết. Nội dung hợp đồng ghi rõ chi phí bảo lãnh qua Ailen làm việc là 13.000 Euro bao gồm: Khoản tạm ứng đóng thuế cho Chính phủ Ailen một năm 7.000 Euro; phí Luật sư 3.000 Euro; 400 Euro lệ phí hộ chiếu, Visa nhập cảnh... (trong đó người lao động phải đóng trước 7.000 Euro).
Bằng thủ đoạn nêu trên, cuối năm 2010 Tuấn Anh đã lừa đảo chiếm đoạt của 10 người dân tại các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Tây Ninh, Đồng Nai với tổng số tiền là 1.948.000.000 VNĐ, 2.000 USD và 7.000 Euro. Sau khi có tiền, Tuấn Anh "cặp bồ" với chị Phạm Thị Hồng Phúc (SN 1983; trú 75/11/22 Trần Văn Đang, phường 9, quận 3, TP.Hồ Chí Minh) hai người thuê căn hộ tại số 75/9/16 đường Trần Văn Đang, phường 9, quận 3, TP.Hồ Chí Minh và sống với nhau như vợ chồng. Tại đây, Tuấn Anh bắt đầu những ngày ăn chơi sa đọa, tiêu tiền như nước.
|
Hai đối tượng Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Đức Lễ tại trại giam Công an tỉnh Khánh Hòa. |
Chỉ đạo “vợ hờ” làm giáo viên Anh văn, gã xe ôm làm “nhân viên Đại sứ quán”
Tháng 6/2012 do không có tiền để trang trải cuộc sống, Tuấn Anh di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh ra Nha Trang tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo bằng thủ đoạn trên. Theo đó, tại thành phố biển, Nguyễn Tuấn Anh tình cờ gặp Nguyễn Đức Lễ ở một quán cà phê, khi đó Lễ đang là nhân viên bán hàng đa cấp. Tuấn Anh cũng tự giới thiệu mình là chủ nhà hàng Hồng Kông ở Ailen và có nhu cầu tuyển người làm việc. Ngoài ra, y còn “bốc phét” tuyển cả lao động làm việc tại một sân golf ở Ailen với mức lương cao. Tưởng thật, Nguyễn Đức Lễ đã đặt vấn đề với Tuấn Anh và nhờ đưa con gái Lễ là Nguyễn Ngọc Khánh đi Ailen lao động, Tuấn Anh nhanh chóng đồng ý.
Sau đó, Nguyễn Đức Lễ đã tung tin tuyển lao động đi Bắc Âu làm việc với mức lương cao. Y đã thu tiền đặt cọc của một số người và hứa hẹn sẽ đưa họ sang Ailen lao động, đồng thời báo cho Nguyễn Tuấn Anh biết. Để tạo thêm niềm tin nhằm thúc đẩy Nguyễn Đức Lễ tiếp tục thu tiền, Tuấn Anh đã xây dựng “kịch bản” để lừa đảo bằng cách sử dụng người vợ hờ là Phạm Thị Hồng Phúc đóng vai giáo viên dạy tiếng Anh ở Trung tâm Dạy nghề quận 1, TP. Hồ Chí Minh, lấy tên là Mỹ Linh và có em họ đang làm việc với Tuấn Anh ở Ailen. Nguyễn Tuấn Anh còn trực tiếp soạn thảo hợp đồng lao động bằng tiếng Anh, dịch, công chứng, làm dấu giả, tạo dựng người là tiếp viên hàng không gửi các tài liệu trên cho Nguyễn Đức Lễ. Để tránh bị phát hiện, Tuấn Anh còn yêu cầu Phúc tiếp xúc với Lễ tại một quán cà phê ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Tuấn Anh còn mượn thẻ ATM của em vợ là Đặng Thị Thu Nguyệt, mượn chứng minh nhân dân của một người chạy xe thồ có tên Hoàng Quốc Đạt (sinh năm 1975, ở phường 9, quận 3, TP. Hồ Chí Minh) để mở thẻ ATM tại ngân hàng, đồng thời giới thiệu với Lễ rằng Đạt là nhân viên ngoại giao, công tác tại Đại sứ quán Ailen và yêu cầu Lễ chuyển tiền thu được từ các hộ dân vào tài khoản của Đạt...
Từ nhân viên bán hàng đa cấp trở thành đồng phạm lừa đảo
Trong thời gian nhờ Tuấn Anh giúp đưa con gái đi xuất khẩu lao động, Lễ được Tuấn Anh thông báo giá tiền làm bằng, giấy tờ và hộ chiếu như sau: Bằng tiếng Anh, bằng nghề là 4 triệu đồng/người; làm giấy khám sức khỏe và công chứng giấy tờ là 800.000 đồng/người; hộ chiếu là 3 triệu đồng/người. Lễ đồng ý và cũng bằng thủ đoạn giới thiệu có con gái chuẩn bị sang Ailen lao động với mức chi phí là 6.400 Euro. Chi phí tại Việt Nam để làm thủ tục, giấy tờ cho một người sang Ailen lao động mọi người phải tự chi trả trước, Nguyễn Đức Lễ đã tự đặt ra và thu mỗi người từ 30 triệu đồng đến 80 triệu đồng để làm bằng tiếng Anh, bằng nghề, hộ chiếu, giấy khám sức khỏe và công chứng giấy tờ.
Lễ đã chiếm đoạt 944 triệu đồng của 18 người trên địa bàn TP. Nha Trang, Cam Ranh, Bình Thuận và Nghệ An. Theo chỉ đạo của Tuấn Anh, Lễ đã báo cho một số người ở Nha Trang là sau 3 tháng họ sẽ được đưa sang Ailen lao động và Lễ đã chuyển 390.200.000 đồng cho Tuấn Anh. Trong đó, đã chuyển vào tài khoản mang tên Đặng Phạm Thu Nguyệt số tiền 205.200.000 đồng; chuyển vào tài khoản mang tên Hoàng Quốc Đạt 150 triệu đồng; chuyển trực tiếp cho Phạm Thị Hồng Phúc 24 triệu đồng; chuyển 11 triệu đồng và các giấy tờ khác qua các công ty vận tải hành khách. Sau khi chuyển 390.200.000 đồng cho Tuấn Anh, còn lại 553.800.000 đồng, Lễ chiếm đoạt dùng để xây nhà, trả nợ, chi tiêu cá nhân.
Đến khoảng tháng 10/2012 thì Tuấn Anh cắt đứt liên lạc với Lễ, thời hạn Lễ hẹn với những người nộp tiền đi Ailen đã đến, nhiều người đến hỏi Lễ lý do vì sao chưa đi được. Liên lạc với Tuấn Anh không được, Lễ phải dùng đủ lý do để kéo dài thời gian trả nợ.
Sau hơn hai năm chờ không thấy “ông chủ” nhà hàng Hồng Kông đưa sang lao động tại Ailen như đã hứa, nhiều nạn nhân đã làm đơn tố cáo đường dây xuất khẩu lao động ra nước ngoài có dấu hiệu lừa đảo do Tuấn Anh cầm đầu. Nhận được đơn tố cáo của công dân, Công an TP.HCM phối hợp với Công an các địa phương phá án. Điều tra và thu thập chứng cứ, xác định được cặp tình nhân Tuấn Anh và Hồng Phúc đang “du lịch” tại TP. Nha Trang. Mới đây, Công an tỉnh Khánh Hòa đã quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bắt tạm giam hai đối tượng là Nguyễn Đức Lễ và Nguyễn Tuấn Anh. Tiếp tục mở rộng vụ án, Công an tỉnh Khánh Hòa bắt tạm giam thêm Phạm Thị Hồng Phúc người sống với Nguyễn Tuấn Anh như vợ chồng tại TP.Hồ Chí Minh. Quá trình điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa đã xác định: Bằng các thủ đoạn lừa đảo nói trên, từ năm 2010 đến 2012, bọn chúng đã lừa đảo tổng số 28 nạn nhân tại các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Nghệ An, với tổng số tiền hơn 3,1 tỉ đồng, 2.000 USD và 7.000 Euro.
Sau đó, do Phúc đang nuôi con nhỏ nên chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Theo cơ quan điều tra, Phúc (sống như vợ chồng với Tuấn Anh) mặc dù biết Tuấn Anh hoàn toàn không có khả năng đưa người sang Ailen làm việc nhưng vẫn thực hiện theo yêu cầu, chỉ đạo của Tuấn Anh. Phúc đã gặp Lễ giới thiệu mình tên là Mỹ Linh, giáo viên dạy tiếng Anh, có em họ được Tuấn Anh đưa qua Ailen lao động và hiện đang làm việc tại nhà hàng của Tuấn Anh ở Ailen; bịa ra những câu chuyện không có thật về Tuấn Anh để thuyết phục Lễ tin tưởng Tuấn Anh sẽ đưa được mọi người đi Ailen lao động. Phúc đã trực tiếp nhận 24 triệu đồng từ Lễ. Mặt khác, toàn bộ số tiền 390.200.000 đồng, Tuấn Anh lấy từ Lễ, đã được sử dụng vào mục đích lo cho Phúc sinh con, trang trải cuộc sống gia đình, trả nợ, đầu tư mua tiệm Internet.
Ngày 16/4, viện KSND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã hoàn tất hồ sơ và chuyển toàn bộ sang TAND cùng cấp để đưa các đối tượng này ra xét xử.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ke-lam-thue-chem-la-ong-chu-nha-hang-o-ailen-lua-dao-tien-ty-a30333.html