+Aa-
    Zalo

    Truy tìm tung tích "đại tá Bộ Công an" lừa đảo tinh vi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người dân, Nguyễn Thành Phương đã tự trang bị bộ cảnh phục gắn quân hàm đại tá công an, lừa đảo hàng tỷ đồng.

    (ĐSPL) - Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết của một số người dân, đối tượng Nguyễn Thành Phương đã tự trang bị bộ cảnh phục, trên vai gắn quân hàm đại tá, xưng là cán bộ của Bộ Công an, dễ dàng lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
    Giả danh đại tá công an lừa đảo
    Mới đây, tòa soạn báo Đời sống và Pháp luật nhận được đơn tố cáo của một số người dân tại TP.HCM về việc bị một đối tượng xưng tên Nguyễn Thành Phương (SN 1963, nguyên quán Thái Bình, tạm trú 1137 Phạm Văn Bạch, phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM) là đại tá, Trưởng phòng Đặc nhiệm điều tra tổng hợp Bộ Công an (phía Nam) để lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
    Ngày 1/4, sau khi nhận được đơn tố cáo, PV đã tiếp cận các nạn nhân để nắm bắt sự việc. Là nạn nhân đầu tiên của vụ việc, anh Lê Văn Sĩ (SN 1982, ngụ phường 12, quận Gò Vấp) cho biết: "Cuối năm 2013, ông Phương chuyển đến ở sát bên cạnh nhà tôi. Vợ chồng ông Phương có một con trai tên là Kiệt Sumo (học sinh trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp) và con gái nhỏ tên Sumi (học trường mầm non Họa Mi, đường Cây Trâm, quận Gò Vấp). Từ ngày về sống bên cạnh, ông Phương nhiều lần mời gọi tôi sang quán cà phê của vợ mình là Đặng Thị Mười Một (SN 1980, quê tỉnh Vĩnh Long) ngồi chơi, nói chuyện".
    Anh Sĩ cho hay: "ông Phương xưng mình là đại tá, Trưởng phòng Đặc nhiệm điều tra tổng hợp Bộ Công an ở phía Nam. Hàng ngày, ông Phương thường xuyên sử dụng hai chiếc xe hơi mang biển kiểm soát 51A - 153.02 và 51A - 478.10. Trên xe, thường xuyên có quân hàm, quân phục, súng ngắn, roi và roi điện chuyên dụng của cảnh sát đặc nhiệm. Ngoài ra, ông Phương còn sử dụng nhiều chiếc xe tay ga đắt tiền như: SH, Nouvo LX, Ariblade... để lấy lòng tin mọi người".
    "Với mối quan hệ rộng rãi của một "cán bộ công an cấp cao", ông Phương đã giới thiệu cho tôi mua hai chiếc xe máy trong đợt thanh lý của công an, tổng số tiền là 58 triệu đồng. Sau này, tôi mới biết thực chất, ông Phương môi giới bán xe của một người khác cho tôi, chứ không phải xe thanh lý. Không chỉ vậy, ông Phương còn "cho" tôi một "kèo" thơm hơn. Ông Phương giới thiệu và giúp tôi mua chiếc xe hơi giá rẻ trong đợt thanh lý vào tháng 4/2014. Thấy "sếp" (ông Phương) nói có nhiều mối quan hệ với các cán bộ công an cấp cao nên tôi tin tưởng, gật đồng đầu ý đưa cho ông ấy 30 triệu đồng làm hồ sơ đấu thầu mua xe hơi thanh lý. Tôi đã đưa cho ông ấy tổng cộng là 165 triệu đồng để làm thủ tục mua xe. Tuy nhiên, xe chưa kịp lấy thì gia đình ông Phương đã biến mất", anh Sĩ chia sẻ với PV.
    Lần tìm tung tích kẻ giả danh đại tá  bộ Công an lừa đảo
    Dương Anh Tuấn (tự xưng là Nguyễn Thành Phương) và con trai Kiệt Sumo (ảnh: nạn nhân cung cấp).
    Nạn nhân liên tiếp "sập bẫy"
    Là một trong những nạn nhân bị ông Phương lừa đảo mua xe hơi thanh lý giá rẻ, anh Lý Văn Hải (SN 1963, ngụ quận Bình Chánh, TP.HCM) trình bày: "Đã rất nhiều lần, tôi tìm mọi cách để thẩm tra lý lịch của ông Phương xem có đúng là cán bộ công an cấp cao như giới thiệu, nhưng đối tượng này khá tinh vi và sành sỏi. Mỗi lần tôi ngỏ ý được xem thẻ ngành của ông ấy là bị phủ đầu ngay lập tức. Đại loại là những câu như: "Tao làm công an mà chưa điều tra tụi mày. Sao tụi mày lại dám điều tra tao".
    Không chỉ vậy, ông Phương khá khôn khéo trong việc lấy lòng tin của mọi người. Nhiều hôm, ông Phương chạy xe hơi với tốc độ vượt quá mức quy định nên bị công an thổi phạt. Theo suy nghĩ của chúng tôi, với những vi phạm của ông ấy khi điều khiển xe ô tô thì chắc chắn sẽ bị tạm giữ bằng lái và phương tiện. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau khi xuống xe, ông ấy lại leo lên lái xe đi như chưa có chuyện gì xảy ra".
    Cũng theo anh Hải: "Không hiểu làm cách nào, trong một lần đi chơi xa cùng với chúng tôi, ông Phương đã mua chuộc được cả một nhân viên tiếp tân trong khách sạn. Sau một đêm nghỉ ngơi tại khách sạn này, chúng tôi xuống thanh toán tiền thì nhân viên tiếp tân nói "sếp" của tụi tôi là cán bộ công an đi công tác nên không phải thanh toán tiền. Thậm chí, thấy chúng tôi có vẻ nghi ngờ về chỗ ở, ông Phương nói là mua hai mảnh đất liền kề nhau nhưng chưa kịp xây dựng. Cứ như thế, tôi đã bị ông ấy lừa gạt nhiều lần mà không hề hay biết".
    Anh Hải cho biết thêm: "Qua một người bạn và cũng là một nạn nhân, tôi mới quen biết ông Phương. Trước khi "bốc hơi", ông ấy đã lừa đảo chiếm đoạt của vợ chồng tôi số tiền 150 triệu đồng chạy thủ tục hợp đồng xin phép xây dựng một nhà hàng sinh thái tại quận 7 (TP.HCM). Ông Phương còn "hứa" sẽ giúp chúng tôi mua xe hơi thanh lý giá rẻ vào tháng 4/2014 và làm giùm bảng ưu tiên để tránh bị phạt khi đi đường cấm. Vì quá tin tưởng, vợ chồng tôi đã đưa cho ông Phương 30 triệu đồng tiền làm thủ tục mua xe hơi".
    Không chỉ lừa đảo các nạn nhân mua xe hơi thanh lý, ông Phương còn lừa người dân làm chứng thư bảo lãnh vay vốn ngân hàng để lấy vốn làm ăn. Nạn nhân là anh Lê Đức Thọ (SN 1978, quê tỉnh Vĩnh Long). Anh Thọ cho biết: "Dùng thủ đoạn giả danh công an, ông Phương bảo tôi lập một công ty để thuận lợi cho việc làm ăn. Không chỉ vậy, ông Phương còn lừa đảo và chiếm đoạt tổng cộng của tôi là 360 triệu đồng tiền mua xe hơi và làm chứng thư bảo lãnh ngân hàng, đấy là chưa kể đến những khoản tiền lặt vặt khác".
    Cũng với những thủ đoạn lừa đảo nói trên, chị Võ Thị Tiết Sương (SN 1988, quê tỉnh Quảng Ngãi, hiện tạm trú tại quận Gò Vấp) bị lừa mất số tiền 63 triệu đồng và một giấy phép đăng ký kinh doanh công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ an ninh Tín Nghĩa. Giải thích về vấn đề này, chị Sương cho hay: "Thấy công ty của chúng tôi khó khăn, ông Phương nói sẽ đứng ra bảo lãnh để giúp công ty làm hồ sơ vay tiền ngân hàng NN&PTNT quận 7. Sau khi đưa xong số tiền đặt cọc nói trên cùng với giấy phép kinh doanh của công ty, ông Phương hẹn vào lúc 8h ngày 25/3 sẽ chở tôi qua ngân hàng trên để làm hồ sơ nhận tiền vay. Tuy nhiên, sáng đó, tôi gọi điện liên tục nhưng không liên lạc được với ông Phương. Mọi người chạy tới nhà ông ấy ở thì mới biết đã bị lừa.
    Lần tìm tung tích kẻ giả danh đại tá  bộ Công an lừa đảo
    Ngôi nhà gia đình ông Phương thuê ở trước khi bỏ trốn. (ảnh Thơ Trịnh)
    Đối tượng cao chạy xa bay
    Theo thông tin các nạn nhân cung cấp, ông Phương có hai người con nhỏ, một trai, một gái hiện đang theo học tại các trường trên địa bàn quận Gò Vấp. Lần theo những thông tin này, sáng 1/4, PV tìm đến trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (số 31/1C, đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP.HCM), nơi con trai ông Phương đang theo học.
    Tuy nhiên, qua tấm ảnh PV cung cấp, bà Nguyễn Kim Phương (Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai) nhận định, người trong ảnh có tên đầy đủ là Đặng Dương Anh Tuấn Kiệt (SN 2004), hiện đang theo học lớp 4.3. "Em Kiệt mới chuyển đến học ở đây vào đầu năm nay, nhưng thường xuyên nghỉ học. Mới đây, gia đình em Kiệt có gọi điện đến xin với nhà trường cho em nghỉ học một tuần với lý do bị ốm", bà Phương cho biết thêm.
    Qua hồ sơ nhập học của em Kiệt mà nhà trường cung cấp, PV phát hiện, người bố có tên trong giấy khai sinh của Kiệt là Dương Anh Tuấn và mẹ là Đặng Thị Mười Một (quê quán ở ấp Trường Hội, xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).  Như vậy, cái tên Phương rất có thể chỉ là tên mà người đàn ông này mạo danh để đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng tỷ đồng của nhiều người dân.    
    Công an đang vào cuộc
    Trao đổi với PV về nội dung đơn tố cáo của các nạn nhân nói trên, Thượng tá Hoàng Văn Thịnh (Đội trưởng đội Điều tra tổng hợp, công an quận Gò Vấp) cho biết: "Về sự việc này, công an phường 12 (quận Gò Vấp) chưa có văn bản báo cáo công an quận. Chúng tôi mới chỉ nhận được đơn tố cáo của một số nạn nhân. Hiện, cơ quan điều tra đang tiến hành xác minh, làm rõ".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truy-tim-tung-tich-dai-ta-bo-cong-an-lua-dao-tinh-vi-a28134.html
    Dùng kho “tiền cổ” triệu đô lừa đảo để...gỡ số tiền bị lừa

    Dùng kho “tiền cổ” triệu đô lừa đảo để...gỡ số tiền bị lừa

    (ĐS&PL) - Từng là nạn nhân của 1 nhóm lừa đảo, cay cú vì bị mất tiền Cao và Thùy đã học lõm phương pháp lừa đảo và tiến hành tìm kiếm người môi giới, đặt cọc cùng góp vốn chung để rao bán “tiền cổ” với mức lợi nhuận cao khiến nạn nhân lóa mắt và sập bẫy hòng gỡ lại số tiền đã mất.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Dùng kho “tiền cổ” triệu đô lừa đảo để...gỡ số tiền bị lừa

    Dùng kho “tiền cổ” triệu đô lừa đảo để...gỡ số tiền bị lừa

    (ĐS&PL) - Từng là nạn nhân của 1 nhóm lừa đảo, cay cú vì bị mất tiền Cao và Thùy đã học lõm phương pháp lừa đảo và tiến hành tìm kiếm người môi giới, đặt cọc cùng góp vốn chung để rao bán “tiền cổ” với mức lợi nhuận cao khiến nạn nhân lóa mắt và sập bẫy hòng gỡ lại số tiền đã mất.