(ĐSPL) - Bi hài kịch bắt đầu xảy ra khi chị V. "ngấm tình cảm" của "trai ngoại" quen qua Facebook và bị lừa hàng chục ngàn USD.
Vốn là cô gái mới bước qua tuổi đôi mươi, cũng như bao thanh niên của thời hiện đại, chị Nguyễn Thị V. dùng mạng xã hội Fabook để giao lưu với bạn bè. Trong một lần, chị thấy một trang Facebook lạ, mang tên của người nước ngoài vào làm quen, thấy hay hay nên chị V. cũng chấp nhận yêu cầu kết bạn.
Khoảng tháng 10/2013, chị Nguyễn Thị V. (nhân viên văn phòng, SN 1988, ngụ phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP.HCM), nhận lời mời kết bạn của một người nước ngoài trên trang mạng xã hội Facebook. Thấy việc giao lưu kết bạn qua mạng cũng chẳng có gì đáng lo, hơn nữa, chị V. lại có vốn tiếng Anh giao tiếp nên vui vẻ đồng ý. Sau đó, chị thấy người này nhảy vào nick chát của chị nói chuyện. Tuy là người nước ngoài, nhưng A.H nói chuyện rất duyên và hài hước. Anh này tự giới thiệu tên là A.H, mang quốc tịch Ireland nhưng hiện đang cư ngụ tại Brazil và làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu với mức lương 50 ngàn USD một năm. Hắn còn than vãn, đã bị người yêu bỏ, đang rất buồn chán trong chuyện tình cảm và cưa cẩm chị V.
Sau khi thấy chị V. đã “ngấm tình cảm” của mình, đầu tháng 3/2014, A.H nói rằng muốn sang Việt Nam làm ăn. Thấy người bạn ngoại có nhã ý, chị V. cũng đồng tình và động viên A.H cứ mạnh dạn sang Việt Nam đầu tư kinh doanh. Qua trò chuyện, A.H nói sẽ gửi một két sắt trong đó chứa 320 ngàn USD cho chị V. giữ hộ để chờ A.H làm thủ tục sang Việt Nam kinh doanh. Thấy vậy, chị V. cũng nhanh chóng đồng ý. Chỉ vài ngày sau cuộc trò chuyện trên, một người đàn ông ngoại quốc tự xưng là D.J đến trước nhà chị V. tự xưng là nhân viên của công ty giao nhận Parcel Delivery and courier servicer. LTD.
|
Ngày càng nhiều vụ người nước ngoài lừa đảo bị bắt giữ tại Việt Nam (ảnh minh họa) |
Thấy nhân viên giao nhận là người nước ngoài, chị V. lại càng tin tưởng. Để nhận được két, D.J hướng dẫn chị V. nộp 11 ngàn USD tiền thuế bao gồm: Phí bảo hiểm tiền mặt, phí chống rửa tiền tại Việt Nam, thuế sân bay... Sau khi đã “giảng giải” cho chị V. các khoản thuế, D.J không quên để lại số tài khoản do hai người phụ nữ Việt Nam đứng tên để chị V. dễ bề gửi tiền vào. Tối ngày 22/3, D.J gọi điện thông báo két sắt đã chuyển về Việt Nam và D.J đến giao trực tiếp cho chị V. luôn. D.J nói vì sợ máy soi của công an Việt Nam, nên A.H đã “biến” USD thành những tờ giấy màu xanh. Vì vậy D.J còn dạy chị V. cách dùng hóa chất để “phù phép” giấy thành tiền.
Vui mừng vì đã nhận được két sắt, chị V. mở ra xem, thấy toàn giấy màu xanh nên lại gọi điện hỏi D.J cách “tẩy rửa tiền”. Tuy nhiên lúc này D.J lại đòi thêm 60 ngàn USD để mua hộ hóa chất tẩy giấy xanh thành tiền chỉ trong nháy mắt. Lúc đó, chị V. mới giật mình nghi ngờ, nên giả vờ hẹn vài hôm nữa sẽ gặp giao tiền. Sau khi cúp máy, chị V. đến công an phường Linh Tây trình báo sự việc. Sau khi nghe chị V. tường trình lại toàn bộ câu chuyện, các đồng chí công an xác định đây là một vụ lừa đảo. Sau đó, công an hướng dẫn chị V. vẫn giữ liên lạc bình thường, hẹn địa điểm giao tiền để lấy hóa chất. Khi D.J đến điểm hẹn để nhận tiền thì hắn đã bị bắt. Qua đấu tranh, tên D.J khai, hắn chính là A.H mà chị V. quen qua mạng, lợi dụng lòng tin này, D.J đã lừa đảo chị V.
Có dấu hiệu băng nhóm lừa đảo xuyên quốc gia Ngày 27/3, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, đại diện Công an quận Thủ Đức cho biết, cơ quan này đã kết hợp với công an phường Linh Tây để cùng lên kế hoạch bắt D.J khi hắn đang đến lấy tiền của chị V. Do vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, có dấu hiệu băng nhóm lừa đảo xuyên quốc gia, nên công an quận Thủ Đức đã chuyển hồ sơ lên công an TP.HCM để điều tra làm rõ. Qua đây, các đồng chí công an cảnh báo thêm về việc rất nhiều người Việt Nam, nhất là phụ nữ, hay bị những người nước ngoài lừa đảo kiểu như chị V. Nên nếu có ai là người lạ, người nước ngoài nhờ vả giữ tiền hay chuyển tiền, thì nhất quyết nói không, tránh “tiền mất tật mang”. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trai-ngoai-lua-dao-hang-chuc-ngan-usd-cua-thieu-nu-a27506.html