Học sinh nghỉ học, phụ huynh nghỉ làm do đau mắt đỏ
Chị P.T.N. (50 tuổi, Tân Bình, TP.HCM) là công nhân may mặc. Gia đình chị có 4 người nhưng đã có ba người bị đau mắt đỏ gồm chị và hai con. Các bé phải nghỉ học 3 ngày, riêng chị nghỉ làm 10 ngày theo chỉ định của công ty.
Chị N. cho biết người đầu tiên trong gia đình bị đau mắt đỏ là con trai lớn. Chỉ một đêm, bệnh đau mắt đỏ lây qua bé út và sau một ngày thì tới chị. Mỗi sáng thức dậy, hai mắt chị N. bị bao phủ bởi ghèn không thể mở mắt ra được. Do đó, chị luôn để chai nước muối ở đầu giường, dùng khăn thấm ướt mắt cho tới khi có thể mở được.
Chị N. có sử dụng thuốc kháng sinh nhỏ mắt nhưng không thuyên giảm, mắt càng đau và khó chịu hơn. Chị N. cảm nhận có rất nhiều hạt cát đang nằm trong mắt, mỗi lần nhắm/mở, di chuyển mắt sẽ thấy khó chịu nhiều hơn. Chị tự mua thuốc kháng sinh về nhỏ mắt nhưng không đỡ, mắt càng đau và sưng húp, phải mang kính râm ngay khi ở nhà. Chị cho biết trước đây từng bị đau mắt đỏ nhưng lần này đau nhức nhiều hơn.
Mẹ bé P.C.T. (8 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Sáng nay tôi đưa con đi học, cô giáo thấy mắt con sưng nhẹ, đỏ, nghi ngờ bị đau mắt đỏ nên cho con nghỉ học. Tối hôm qua, tôi có kiểm tra mắt con nhưng không thấy sao, không ngờ bệnh lây nhanh quá. Giờ tôi phải nghỉ làm để chăm sóc cho tới khi con khỏi bệnh".
Thạc sĩ bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa Mắt, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, chị N và bé T đều bị đau mắt đỏ với các triệu chứng đặc trưng như: mắt đỏ, ngứa mắt, cộm như có hạt bụi trong mắt, tiết nhiều ghèn, chảy nước mắt, sưng mắt, đau nhức…
Tùy triệu chứng nhẹ hoặc nặng, bệnh sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Phần lớn, người bệnh được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt và uống kháng sinh, thuốc chống dị ứng, thuốc giảm sưng viêm.
Người bệnh cần nghỉ ngơi ở nhà từ 7-10 ngày. Khi điều trị đau mắt đỏ tại nhà, người bệnh cần chườm lạnh giúp mắt giảm sưng, giảm khó chịu. Thường xuyên rửa tay và mặt sạch với xà bông sát khuẩn dịu nhẹ. Tránh dùng chung ly, bát, khăn mặt với người khác để ngừa lây nhiễm. Không dụi mắt, không đi bơi, việc này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Bệnh dễ lây nơi đông người
Theo BS Tùng, đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) xảy ra khi lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng mắt) và kết mạc mi mắt bị viêm nhiễm. Bác sĩ Tùng giải thích có 2 nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ gồm: nguyên nhân không do nhiễm khuẩn (hóa chất, thuốc, dị ứng…) và nguyên nhân do nhiễm khuẩn: trong đó chiếm đa số là từ nhiễm virus Adenovirus. Năm nay, ngành y tế xác định tác nhân gây bệnh chiếm đa số là Enterovirus, khác với mọi năm là Adenovirus.
Bệnh đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp và dịch tiết. Đơn giản như khi chạm tay vào những vật dụng đồ dùng cá nhân nhiễm mầm bệnh như: gối, khăn mặt, kính mắt, tay nắm cửa, bút, điện thoại, đồ chơi… cũng có nguy cơ mắc bệnh. Hoặc sử dụng chung nguồn nước với người bệnh tại ao hồ, bể bơi… Ngoài ra, người dân nếu có các thói quen như dụi mắt, sờ tay vào mũi miệng cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Bệnh đau mắt đỏ có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng: trẻ em, người trưởng thành, người già. Đặc biệt, người nhạy cảm với thời tiết, người đang mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu dễ bị virus tấn công hơn. Bệnh xảy ra quanh năm, lây lan nhanh và bùng thành dịch từ mùa hè đến cuối mùa thu.
Bệnh đau mắt đỏ có các các triệu chứng như: ngứa mắt, cộm như có hạt bụi trong mắt, mắt đỏ, mắt tiết nhiều ghèn, chảy nước mắt sống, mi mắt sưng nề, đau nhức. Bệnh có thể kèm theo các triệu chứng khác như: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, nổi hạch sau tai… Nếu điều trị không đúng cách hoặc chậm trễ có thể gây ra biến chứng viêm giác mạc, loét giác mạc, mù lòa.
Bác sĩ Tùng cho biết gần đây thời tiết chuyển từ nắng nóng qua mưa rất nhanh nên làm độ ẩm không khí cao, kèm theo môi trường nhiều khói bụi, nguồn nước bị ô nhiễm tạo điều kiện thuật lợi cho virus, vi khuẩn phát triển và bùng thành dịch. Môi trường công sở, lớp học, công cộng là những nơi dễ lây lan nhanh và nhiều.
Để phòng bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ Tùng khuyên người dân thực hiện các cách sau: luôn vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà bông, nhỏ nước muối sinh lý để rửa mắt, mang kính khi đi ra ngoài để hạn chế gió và bụi bẩn, không tiếp xúc quá gần hay sử dụng chung vật dụng cá nhân với người đang mắc bệnh, hạn chế tới nơi đông người. Người sau khi khỏi bệnh cần sát khuẩn kính mắt, giặt sạch chăn gối, khăn mặt để tránh tái nhiễm.
Khi nhận thấy các triệu chứng bất thường ở mắt, người dân nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời, phòng tránh biến chứng.
Lê Liên