Theo Cục Y tế dự phòng,Bộ Y tế, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia.
Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.
Thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt TW cho thấy, những tuần gần đây ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc) đến khám. Trung bình 100 ca khám có khoảng 30 ca đau mắt đỏ. Riêng tuần vừa qua là 800 ca, có một số ca biến chứng do đau mắt đỏ.
Sức khỏe & Đời sống dẫn lời TS. BS Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt TW cho biết, nếu như các năm trước, khi mới bước vào năm học hầu như không ghi nhận các ca đau mắt đỏ ở học sinh phải đến khám, thì năm nay đã có khá nhiều trẻ em đau mắt đỏ được bố, mẹ đưa đến khám. Các cháu đau một bên, rồi hai bên, mắt sưng húp, khiến các gia đình rất lo lắng.
BS Hoàng Cương cũng lưu ý, mặc dù chưa có những số liệu thống kê liên quan về biến chứng, nhưng thực tế đã ghi nhận có một số ca biến chứng, do đó người dân không nên chủ quan khi bị đau mắt đỏ.
Tại TP.HCM, trong buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và phòng chống dịch bệnh trên địa bàn chiều 14/9, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết theo ghi nhận của Sở Y tế, số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố tăng cao so với các năm gần đây. Thống kê cho thấy, tổng số ca viêm kết mạc (đau mắt đỏ) tại thành phố ghi nhận trong ngày 13/9 là 3.840 ca, giảm 114 ca so với ngày 12/9 (ca có địa chỉ tại thành phố chiếm 86,9%); trong đó có 2.238 ca trẻ em dưới 16 tuổi (tăng 253 ca so với ngày 12/9).
Theo các bác sĩ, bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Các biến chứng của bệnh viêm kết mạc thường gặp gồm: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực…
Triệu chứng thường gặp bao gồm mắt đỏ do xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt như có cát trong mắt, kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ (có thể rỉ trắng, dịch tiết dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể rỉ xanh - vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn), sáng ngủ dậy trẻ khó mở mắt. Bên cạnh đó trẻ có thể kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt nhẹ ...
Đặc biệt, trẻ có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc) gây chảy máu.
5 khuyến cáo cần biết để phòng chống đau mắt đỏ
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
- Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.
Cảnh báo tình trạng dùng kháng sinh chữa đau mắt đỏ
Trước tình trạng số ca mắc đau mắt đỏ tăng cao, nhiều người dân có tâm lý ngại đến bệnh viện thăm khám và tự ý mua thuốc nhỏ mắt để điều trị bệnh, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng thị lực...
Báo Sài Gòn giải phóng dẫn lời BS CKII Trần Đình Tùng, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh, đau mắt đỏ là bệnh lý nhanh khỏi, nên việc tự ý mua thuốc nhỏ mắt hay kháng sinh điều trị bệnh là không cần thiết, gây hao tốn về mặt kinh tế. Việc nhỏ thuốc kháng sinh cho mắt lâu dài sẽ gây nấm mắt, uống kháng sinh dễ dẫn tới hiện tượng kháng thuốc.
Một số lời khuyên cho người bị đau mắt đỏ
Về thuốc nhỏ mắt sử dụng trong bệnh đau mắt đỏ, người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp sau: có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng,..), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.
Nếu tình trạng đau mắt trở nên quá nặng hãy đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Thùy Dung (T/h)