Trợ giúp pháp lý (TGPL) là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Dù hoạt động này là vô cùng cần thiết song trên thực tế nó chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Những e ngại từ “miễn phí”
Theo pháp luật hiện hành thì Trung tâm TGPL có thẩm quyền phân công cho các trợ giúp viên hoặc các luật sư cộng tác viên thực hiện TGPL cho các đối tượng: Người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, phụ nữ là nạn nhân của tội mua bán phụ nữ và bạo lực gia đình, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Đoàn Luật sư Hà Nội trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân tại Cung Trí thức Hà Nội, tháng 10/2013 |
Khi được TGPL miễn phí, người dân sẽ được hưởng các dịch vụ pháp lý mà không phải trả tiền. Tuy nhiên, điều khiến họ băn khoăn là nếu nhận TGPL thì luật sư sẽ làm gì để giúp đỡ họ và nếu không thu phí thì liệu luật sư có thể làm việc tận tâm, hết mình không. Chia sẻ về điều này, ông Lê Đình Long, ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết, gia đình ông là hộ nghèo, bản thân ông là nông dân, không am hiểu nhiều về pháp luật. Gần đây, do trong nội bộ gia đình phát sinh mâu thuẫn về quyền thừa kế đối với căn nhà bố mẹ ông để lại, ông muốn nhờ luật sư tư vấn giúp nhưng không biết thủ tục thế nào. “Tôi biết mình thuộc đối tượng được TGPL miễn phí nhưng khi tìm đến các Trung tâm, tiếp xúc với luật sư tôi vẫn thấy không yên tâm, chỉ lo nếu không được thanh toán tiền công, họ chỉ tư vấn qua loa cho xong việc” - ông Long chia sẻ.
Với một vụ việc của khách hàng thuộc đối tượng TGPL, luật sư sẽ mất thời gian, công sức tìm hiểu và chịu trách nhiệm như một vụ việc thông thường song họ lại không nhận được thù lao từ đối tượng này.
Theo luật sư Hoàng Huy Được – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, với người nghèo, họ không chỉ khó khăn về kinh tế mà còn hạn chế về kiến thức pháp luật. Khi có tranh chấp xảy ra, họ thường không biết xử lý thế nào. Do vậy, nếu luật sư nhận lời giúp đỡ, họ rất phấn khởi và trân trọng. Đáng buồn là vẫn có luật sư dù tư vấn cho người nghèo, người đang khó khăn về tiền bạc, nhưng vẫn vòi vĩnh, nếu không đạt được mục đích thì làm với thái độ thiếu nhiệt tình nên ảnh hưởng xấu đến uy tín của giới luật sư nói chung và làm giảm lòng tin của người dân vào hoạt động đầy tính nhân đạo này.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, hiện cả nước có trên 8.500 cộng tác viên (CTV) thực hiện hoạt động TGPL, trong đó có một phần không nhỏ là luật sư. Dù đã có đóng góp không nhỏ song hoạt động của lực lượng này chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn: Chất lượng vụ việc do CTV thực hiện chưa tương xứng với số lượng hiện có, hiệu quả hoạt động chưa cao. Bên cạnh đó, thù lao bồi dưỡng cho các CTV khi thực hiện vụ việc TGPL thấp, thủ tục thanh toán và lập hồ sơ vụ việc còn khá phức tạp nên chưa khuyến khích được CTV tham gia TGPL một cách tích cực, tự nguyện.
Những chuyện bi hài
Có một thực tế là khi tham gia bào chữa miễn phí cho bị cáo trong vụ án hình sự, một số luật sư bào chữa hầu như không tranh luận mà chỉ tìm một vài tình tiết liên quan đến nhân thân giảm nhẹ cho bị cáo như phạm tội lần đầu, hoàn cảnh gia đình khó khăn, khai báo thành khẩn...
Luật sư Hoàng Huy Được nhận xét, việc tham gia các hoạt động TGPL, bào chữa miễn phí là một nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của các luật sư. Tuy nhiên, lâu nay nghĩa vụ này còn bị xem nhẹ bởi các đối tượng thụ hưởng thường là người nghèo, không có khả năng chi trả.
Kết quả khảo sát thực tiễn về hoạt động TGPL của luật sư trong các vụ án hình sự cho thấy, giữa việc bào chữa có thù lao và không có thù lao có sự khác biệt về thái độ và tinh thần làm việc. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng bào chữa trong TGPL chưa tốt, thậm chí nội dung một số bài bào chữa còn na ná nhau hoặc không đánh giá đầy đủ chứng cứ, không nắm chắc được những tình tiết quan trọng của vụ án để tranh tụng tại tòa. Hoạt động TGPL miễn phí tại một số trung tâm hiện nay chủ yếu là các buổi tư vấn, giải đáp pháp luật chung chung, trong khi đó hầu hết những đối tượng thuộc diện TGPL miễn phí lại cần được giải đáp vấn đề của mình cụ thể và chi tiết.
Luật sư Được còn đưa ra dẫn chứng, tại một phiên tòa xử án trẻ vị thành niên phạm tội cướp tài sản, sau phần luận tội của đại diện VKS, luật sư bào chữa không tranh tụng gì ngoài phần phân tích nguyên nhân phạm tội một cách lấy lệ, rất thiếu thuyết phục: “Bị cáo tuổi đời còn trẻ, chưa va vấp nhiều, phạm tội bị rủ rê, lôi kéo…”. Điều này khiến những người có mặt tỏ ra khá thất vọng vì thái độ làm việc qua loa, đại khái của vị luật sư này. Có trường hợp luật sư được chỉ định lại… vắng mặt, chỉ gửi bản luận cứ cho HĐXX đọc trong phiên tòa cho xong nhiệm vụ.
Công tác TGPL miễn phí có ý nghĩa rất lớn cho người dân, nhất là với đối tượng yếu thế. Song miễn phí về kinh phí không có nghĩa là không đảm bảo chất lượng. Đối tượng được trợ giúp phải được tư vấn trực tiếp và cụ thể về mọi vấn đề pháp lý mà họ băn khoăn. Tuy vậy, điều này chưa được thực hiện hiệu quả do hầu hết các hoạt động trợ giúp hầu như mới chỉ dừng lại trên công văn, giấy tờ và các luật sư, trợ giúp viên lại không mấy mặn mà với hoạt động TGPL.
Bên cạnh đó, không ít trung tâm TGPL ra đời hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích. Có trường hợp cán bộ TGPL thực hiện việc tư vấn không đúng pháp luật, thậm chí còn có hành vi cò mồi, môi giới hoặc làm dịch vụ viết đơn kiện thuê, kích động người dân... Bà Nguyễn Thị Hòa ở đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ cho biết, theo quy định của pháp luật, những người có đầy đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm nhất định mới được tham gia hoạt động tư vấn, TGPL cho người dân. Song vẫn có những người trình độ am hiểu pháp luật yếu kém vẫn quảng cáo, thực hiện dịch vụ tư vấn pháp luật. Điều này khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng về chất lượng của hoạt động TGPL.
Linh Chi(theo ANTĐ)