Những ngày gần đây, động thái phương Tây chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine đang trở thành tiêu đề hàng đầu trên các phương tiện truyền thông thế giới. Nhiều bài viết ca ngợi sức mạnh chim sắt F-16 và nhiều chuyên gia cho rằng chiến đấu cơ này sẽ thay đổi cục diện cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự cũng từng nhiều lần cảnh báo về những nguy hiểm mà các phi công Ukraine sẽ phải đối mặt khi điều khiển máy bay F-16 chống lại lực lượng Nga.
Không giống như nhiều loại vũ khí phương Tây gửi cho Kiev được phát triển trong những thập kỷ gần đây như gồm máy bay không người lái, đạn pháo hay tên lửa chính xác, F-16 là một “di sản công nghệ” mà Nga đã có đủ mọi công cụ để phá hủy từ những năm 1970.
Nói theo cách khác, máy bay chiến đấu đa chức năng thế hệ thứ 4 có thể phù hợp để ném bom các nước có lực lượng quân sự non yếu chứ hoàn toàn không phù hợp để nhắm vào đối thủ ngang hàng của Mỹ và NATO.
Ông Nikolai Bodrikhin, chuyên gia quân sự hàng đầu về lĩnh vực hàng không của Nga nói: “Chúng khó có thể thay đổi bất cứ điều gì, vì những máy bay loại này đã khá cũ. Nó đã rất quen thuộc với Nga. Các phương tiện tác chiến điện tử mà nó sử dụng đều không có gì xa lạ. Nga có một loạt vũ khí chống lại nó, cả không đối không và đất đối không”.
Cụ thể, các vũ khí không đối không mà Nga có thể sử dụng để đối phó F-16 bao gồm tên lửa tầm ngắn R-73 và R-77 (tầm bắn 40-160km), tên lửa tầm trung R-27 (tầm bắn lên tới 170km), tên lửa tầm xa tầm bắn R-33 (biến thể mới nhất có thể bay tới 304 km) và tên lửa siêu thanh ngoài tầm nhìn R-37 (tầm bắn 150-400km, tốc độ tối đa Mach 6).
Nhắc tới hệ thống phòng thủ trên mặt đất của Nga, có thể kể tới tên lửa dẫn đường hồng ngoại 9K333 Verba (tầm bắn tối đa 4,5km), tên lửa siêu thanh hai tầng dẫn đường bằng laser 9M337 Sosna-R (tầm bắn tối đa 10km), hệ thống Pantsir (tầm bắn 20 km khi sử dụng tên lửa Hermes-K và 57E6), hệ thống tên lửa di động 2K12 Kub (tầm bắn lên tới 25km).
Ngoài ra, còn phải nhắc đến các hệ thống tên lửa S-200, S-300, S-350, S-400 và S-500. Các hệ thống này có thể phóng tên lửa bắn trúng mục tiêu cách xa 200-600km, vượt tầm bắn của bất kỳ loại vũ khí hiện có nào trên F-16.
“Các lực lượng của Nga đều có tên lửa với tầm bắn cũng không kém gì tên lửa không đối không của F-16. Nga có các tổ hợp trên mặt đất, thậm chí cả tổ hợp S-200 cũ cũng có thể dễ dàng tấn công F-16 chứ chưa nói đến S-300, S-400 hiện đại hơn và các hệ thống khác như các biến thể của hệ thống Buk”, ông Bodrikhin nói.
“Nói cách khác, Nga có rất nhiều hệ thống phòng không có khả năng bắn hạ một số lượng đáng kể những máy bay này, ngay cả khi chúng tấn công đồng thời”, ông Bodrikhin cho biết thêm.
Nếu tiêm kích F-16 xuất hiện trên chiến trường Ukraine, thì nhiều khả năng sẽ xảy ra một cuộc đối đầu trực diện giữa máy bay chiến đấu mang tính biểu tượng của phương Tây với các đối thủ do Nga sản xuất như tiêm kích Su-30, Su-35 hay MiG-31. Cuộc không chiến này sẽ được các chiến lược gia, chỉ huy quân sự, phi công và các nhà khoa học theo dõi sát sao vì nó có thể xác định hướng đi của lĩnh vực hàng không quốc phòng trong nhiều thập kỷ tới.
F-16 được đánh giá cao về tính cơ động, tốc độ và phạm vi hoạt động, đồng thời có khả năng mang nhiều loại vũ khí, chẳng hạn như tên lửa hoặc bom. F-16 tuy chỉ có một động cơ nhưng có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2 (khoảng 2.100 km/h). Máy bay có kíp lái 1 thành viên, dài 14,8m, cao 4,8m, sải cánh 9,8m, trọng lượng cất cánh 16,875 tấn, tầm bay trên 3.200km, trần bay 15.240m. Nó được trang bị một khẩu pháo đa nòng M-61A1 20 mm và có thể mang theo 6 tên lửa không đối không.