UBND thành phố Hà Nội nghiêm cấm các cán bộ tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”...
Ngày 3/7 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Theo đó, Thành phố yêu cầu tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị số 12 đến các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Ảnh: CTT UBND Hà Nội |
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; chủ động nắm chắc tình hình, lĩnh vực, địa bàn quản lý để làm tốt công tác dự báo, tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động phòng ngừa, không tham gia vào hoạt động “tín dụng đen”; đồng thời cung cấp thông tin cho đơn vị có thẩm quyền về hoạt động của các cá nhân, ổ nhóm, đường dây tội phạm hoạt động “tín dụng đen”.
Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 và Kế hoạch của Thành phố về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” phải tiến hành đồng bộ, liên tục, kiên quyết với những giải pháp, bước đi vững chắc, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm, có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân nhằm đạt hiệu quả cao nhất và phải được gắn kết với các cuộc vận động, chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo... do Đảng, Nhà nước, Thành phố và đơn vị, địa phương phát động. Định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết để đề ra các nội dung, biện pháp phù hợp thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Cần chủ động nắm tình hình các đối tượng, ổ nhóm, hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn, áp dụng đồng bộ các biện pháp vào công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật. Nâng cao kết quả điều tra khám phá các loại tội phạm, đồng thời, làm giảm một cách rõ rệt các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn thành phố.
Các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang chấp hành nghiêm pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn; nghiêm cấm tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, thành lập doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ... vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Rà soát, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, các cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện quy định của pháp luật; quy định, hướng dẫn của Bộ, ngành và Thành phố trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Nguyễn Phượng