(ĐS&PL) Ngày 15/04/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12/CT – TTg về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Theo đánh giá của Chính phủ, tín dụng đen ở nhiều địa phương đã gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp.
Cho vay năng lãi là một loại hình tội phạm nguy hiểm
Về lãi suất cho vay, Điều 468, Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Như vậy, lãi suất do các bên thỏa thuận và không vượt quá 20%/năm, tức không quá 1,66%/tháng. Nếu lãi suất cho vay vượt quá 20% thì được xác định là cho vay nặng lãi.
Có thể hiểu cho vay nặng lãi thực chất là hình thức tín dụng tư nhân chuyên cho vay với mức lãi suất cao, không nằm trong khuôn khổ hoạt động của các tổ chức tín dụng hợp pháp, không theo các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng, ngân hàng. Đây là một hình thức cho vay và vay với mức lãi suất rất cao so với lãi suất thông thường của các tổ chức tín dụng. Nếu trần lãi suất cho vay của ngân hàng khoảng 9% đến 13%/năm, thì khi tham gia vay nặng lãi, người vay thường phải chịu mức lãi suất từ 100% đến 200%/năm, thậm chí lên đến 300%/năm.
Cho vay năng lãi là một loại hình tội phạm nguy hiểm |
Trong nhiều trường hợp những đối tượng cho vay đã tạo ra những giao dịch gian dối giả tạo để che đậy hành vi cho vay nặng lãi như: Nhận tiền xin việc; nhận tiền đặt cọc bán tài sản; ép buộc, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất, hoặc tìm cách thu lại các giấy tờ liên quan; chuyển hóa hoạt động cho vay nợ bằng hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp nhằm chuyển hướng sang các giao dịch dân sự…
Thông thường những giao dịch kiểu này, con nợ phải viết giấy nhận tiền với số tiền lớn hơn số tiền thực nhận vì đã bao gồm cả gốc và lãi trong một thời gian nhất định đã được xác định trước. Khi con nợ hết khả năng thanh toán chúng dùng chính những giấy tờ được ghi theo hướng bất lợi cho người đi vay để uy hiếp, đe dọa, cưỡng đoạt tài sản để thu lợi bất chính.
Thập chí có những trường hợp, các đối tượng thông đồng với một số cán bộ, công chức thoái hóa biến chất nằm trong cơ quan bảo vệ pháp luật “gây sức ép”, đòi nợ thuê dưới hình thức giải quyết đơn thư “tố giác” con nợ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi những giấy tờ giao dịch giả mạo gian dối nêu trên. Nhiều gia đình sau một thời gian vì hoàn cảnh bất đắc dĩ nào đó phải vay "nóng" đã lâm vào hoàn cảnh mất hết tài sản, tan nát cửa nhà mới nhận mình bị lừa bởi một loại hình tội phạm có tổ chức.
Thuận lợi của vay lãi suất cao đó là người vay không cần tài sản thế chấp, thủ tục vay đơn giản người vay chỉ cần phô-tô hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, thời gian giải ngân nhanh và số tiền được vay theo thỏa thuận. Tuy nhiên, về cơ bản những cá nhân, tổ chức đứng ra cho vay nặng lãi đều gắn với các hành vi vi phạm pháp luật, có những tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng và an ninh tiền tệ quốc gia. Vì vậy, dư luận cho rằng cần có biện pháp xử lý nghiêm để ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm nguy hiểm này.
Xử lý nghiêm cán bộ, công chức tiếp tay cho tín dụng đen…
Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố kiểm tra cơ sở cầm đồ, dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê. Cùng đó, siết chặt việc cấp giấy chứng nhận và tăng cường quản lý, kiểm tra các tiệm cầm đồ, đòi nợ; thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tư với các cơ sở vi phạm.
Bộ Công an được yêu cầu mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên toàn quốc và không gian mạng liên quan đến hoạt động tín dụng đen, gắn với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ, biêu phường...
Công an Thanh Hóa truy quét các đối tượng cho vay nặng lãi |
Với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh huy động tối đa vốn nhàn rỗi trong dân; đẩy mạnh dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến và đơn giản thủ tục cho vay để mọi người dân tiếp cận vốn vay hợp pháp dễ dàng. Ngân hàng Nhà nước ban hành hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng chính sách đa dạng loại hình cho vay, sản phẩm dịch vụ ngân hàng; phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô... nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Cùng đó, cơ quan này cần đẩy mạnh huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, phát huy tiềm năng, nội lực của nền kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến.
Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiểm soát chặt việc đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ và phối hợp với lực lượng công an trong cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành chỉ đạo, ban hành chính sách an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động, phòng ngừa tín dụng đen và các hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, tội phạm.
Lãnh đạo địa phương cùng các cơ quan, đơn vị vận động người dân chủ động phát hiện, ngăn chặn các đối tượng phát, dán tờ rơi, quét sơn quảng cáo liên quan đến cho vay lãi cao; đối tượng đòi nợ với các hành vi đổ chất bẩn, chất thải, gây mất an ninh, trật tự. Bóc gỡ, xóa bỏ tờ rơi, biển quảng cáo dán, treo trên tường, cột điện, trụ điện, cây xanh... về cho vay tài chính, cầm đồ làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, xã hội.
UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan đăng ký kinh doanh cấp đăng ký doanh nghiệp và hộ kinh doanh đúng quy định; thu hồi giấy phép kinh doanh các cơ sở cho vay tín dụng đen.
Cấm cán bộ công chức góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho tín dụng đen, cho vay lãi nặng, lập doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ... vi phạm pháp luật. Trường hợp bị phát hiện sẽ xử nghiêm cán bộ vi phạm.
Dư luận hết sức đồng tình trước Chỉ thị 12/CT – TTg của Thủ tướng Chính phủ để ngăn chặn đẩy lùi cho vay nặng lãi, tín dụng “đen” là loại hình tội phạm nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại các địa phương. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm hành vi cho vay nặng lãi. Cùng với đó, trước những lời mời gọi, quảng cáo hấp dẫn của các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”, người dân phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác, tránh rơi vào “cạm bẫy” của các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng “đen” để không phải trở thành con nợ, dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra./.
An Luých/Sức Khỏe 365