+Aa-
    Zalo

    Giá y tế, giáo dục đẩy CPI 8 tháng tăng mạnh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình 8 tháng năm 2017 so với cùng kỳ tăng 3,8%, nhưng CPI hai nhóm hàng thiết yếu là giáo dục và y tế lại rất cao, lần lượt 10% và 47%.

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình 8 tháng năm 2017 so với cùng kỳ tăng 3,8%, nhưng CPI hai nhóm hàng thiết yếu là giáo dục và y tế lại rất cao, lần lượt 10% và 47%.

    Theo thông tin được đăng tải trên Tuổi trẻ, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI tháng 8/2017 tăng 0,92% so với tháng trước do nhiều nhóm hàng hóa đều có chỉ số tăng mạnh.  Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tháng 8 tăng so với tháng trước, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 2,86% (riêng dịch vụ y tế tăng 3,72%). Giáo dục tăng 0,57% (trong đó dịch vụ giáo dục tăng 0,51%) do trong tháng có 5 tỉnh, thành phố điều chỉnh tăng học phí.

    Nguyên nhân là do trong tháng có 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế theo quy định. Việc điều chỉnh tăng giá thuốc và dịch vụ y tế khiến cho CPI tăng khoảng 0,14%.

    Nhóm giao thông cũng tăng mạnh tới 2,13% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào thời điểm 4/8 và thời điểm 19/8, khiến cho CPI tăng khoảng 0,2%.

    Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,06%, trong đó lương thực tăng 0,31%, thực phẩm tăng 1,64% do giá thịt lợn và rau xanh tăng mạnh, tác động làm CPI tăng 0,37%....

    Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2017 tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Ảnh: Kinh tế & Đô thị

    Báo Hải quan đăng tải, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 8 năm 2017 (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 1,31 % so với cùng kỳ và bình quân 8 tháng đầu năm 2017 tăng 1,47% so cùng kỳ cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.

    Bình luận về chỉ số lạm phát trong những tháng đầu năm nay, Dân trí đăng tải ý kiến của chuyên gia đến từ Fullbright Việt Nam - ông Vũ Thành Tự Anh, cho biết, CPI trung bình 8 tháng năm 2017 so với 8 tháng năm 2016 là 3,8%, nhưng chỉ số giá tiêu dùng đối với hai nhóm hàng thiết yếu là giáo dục và y tế lại rất cao.

    "Cần nhấn mạnh thêm là xu thế y tế và giáo dục tăng giá gấp nhiều lần so với mặt bằng chung đã tồn tại một cách nhất quán từ 5-7 năm trở lại đây", ông Vũ Thành Tự Anh nhìn nhận.

    Còn theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, phân rã các thành phần của lạm phát cho thấy thành phần mùa vụ (lạm phát do yếu tố mùa vụ) đóng góp 0 điểm %, trong khi thành phần chu kỳ (lạm phát do yếu tố giá) đóng góp 0,1 điểm % vào lạm phát tổng thể của tháng 8. Trước đó, trong tháng 6 và 7, thành phần chu kỳ đóng góp lần lượt -0,6 và -0,7 điểm % vào lạm phát tổng thể.

    “Đây có thể là dấu hiệu ban đầu cho thấy một chu kỳ tăng giá mới có thể bắt đầu trong những tháng tiếp theo, cần được theo dõi để kiểm soát giá dịch vụ công trong những tháng tới nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra” - Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia khuyến cáo.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-y-te-giao-duc-day-cpi-8-thang-tang-manh-a200922.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan