Trước khi làm việc, Thủ tướng đã đến thị sát nhiều hạng mục của Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hà Tĩnh, sáng 24/7, tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Formosa, lãnh đạo Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), doanh nghiệp gây sự cố môi trường nghiêm trọng năm 2016 tại khu vực miền Trung. Cùng dự có lãnh đạo các tỉnh miền Trung và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Thủ tướng thị sát sơ đồ tổng thể khu xử lý môi trường Formosa |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sự cố môi trường xảy ra ở Formosa Hà Tĩnh năm 2016 là rất nghiêm trọng. Đảng và Nhà nước, tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh trong vùng, kể cả chủ đầu tư đã chỉ đạo quyết liệt để khắc phục sự cố này và hơn một năm qua đã đạt một số kết quả quan trọng.
Tại buổi làm việc hôm nay, Thủ tướng trực tiếp nghe chủ đầu tư, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả khắc phục sự cố, từ đó làm cơ sở đưa ra những kết luận cần thiết và biện pháp đặt ra trong thời gian tới.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thị sát nhiều hạng mục của Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh. Thủ tướng đã thị sát khu xử lý nước thải, bể nuôi cá sinh thái chứa nước thải đã xử lý, khu sản xuất, nghe FHS báo cáo quy trình sản xuất của xưởng lò cao.
Thủ tướng cũng đến thăm cảng nước sâu Sơn Dương, hiện có 11 bến tàu, cho phép tàu 200.000 tấn cập cảng.
Theo báo cáo của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đến cuối tháng 10/2016, các hạng mục công trình xử lý nước thải, khí thải, quản lý chất thải rắn và quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục phục vụ Lò cao số 01 và các công trình phụ trợ (nhiệt điện, luyện cốc, thiêu kết, luyện cán thép…) của FHS đã hoàn thành, đáp ứng quy chuẩn Việt Nam.
Thủ tướng tại Nhà điều hành xử lý nước thải |
Theo đánh giá của các tổ chức nước ngoài (Atkins của Anh và Veolia của Pháp) do Bộ Tài nguyên và Môi trường mời khảo sát thực tế tại FHS, công nghệ sản xuất và công nghệ xử lý chất thải đã được FHS đầu tư bài bản, quy mô, sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới. Đến nay, FHS đã khắc phục xong các lỗi vi phạm hành chính.
Riêng việc thay đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô (hiện FHS đang sử dụng phương pháp làm nguội ướt, không làm phát sinh nước thải ra môi trường), FHS đã hoàn thành thăm dò địa chất, đánh giá kỹ thuật và lựa chọn công nghệ làm nguội cốc khô (CDQ) của Công ty Nippon Steel (Nhật Bản), dự kiến tháng 3/2019 sẽ hoàn thành hệ thống CDQ số 1 và tháng 6/2019 hoàn thành hệ thống CDQ số 2 theo cam kết với Chính phủ Việt Nam.
Để kiểm soát các thông số môi trường trong nước tuần hoàn đập cốc, trong giai đoạn chờ chuyển sang hệ thống CDQ, FHS sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 Trạm xử lý nước tuần hoàn đập cốc, với công suất 12.000 m3/ngày/trạm, bảo đảm đạt Quy chuẩn Việt Nam trước khi tái sử dụng.
Công ty cũng đã phối hợp vưới các cơ quan khoa học kỹ thuật, các chuyên gia môi trường trong nước và quốc tế thực hiện kế hoạch cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải, với tổng kinh phí hơn 343 triệu USD. Công ty đã hoàn thành hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học được xây dựng trên diện tích 10 ha, bảo đảm ứng phó được các sự cố về nước thải có thể xảy ra ở 3 cấp độ.
Từ ngày 29/5/2017, Lò cao số 1 của FHS bắt đầu vận hành thử nghiệm, mỗi ngày cho ra lò khoảng 7.764 tấn gang lỏng. Tính đến hết ngày 17/7, FHS đã sản xuất được 304.000 tấn gang lỏng để luyện, cán thép.
Trong quá trình vận hành Lò cao số 1, hàng ngày tổ giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc FHS thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, vận hành liên tục các hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh để kiểm tra, giám sát; tiến hành lấy, phân tích mẫu nước thải (3 lần/ngày) và lấy mẫu khí thải hàng ngày, trong đó phân tích thông số dioxin/Furan tại tất cả các ống khói đang hoạt động của FHS.
Sau sự cố môi trường nghiêm trọng năm ngoái, Công ty Formosa đã nhận trách nhiệm và công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam, bồi thường thiệt hại cho người dân, khắc phục hậu quả môi trường, cam kết không tái phạm việc vi phạm pháp luật về môi trường.
Cụ thể về bồi thường thiệt hại, cuối tháng 8/2016, Công ty Formosa đã hoàn thành chuyển 500 triệu USD, tương đương 11.500 tỷ VND tiền bồi thường; đồng thời triển khai các biện pháp khắc phục tồn tại, vi phạm về môi trường.
Vũ Dũng