Dòng sự kiện
      +Aa-
      Zalo

      Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Cơ hội vàng để tái cấu trúc phân bố dân cư

      (ĐS&PL) - Ông Trường cho rằng dự án đường sắt tốc độ cao sẽ là cơ hội vàng để tái cấu trúc lại phân bố dân cư giữa khu vực đô thị, khu vực ven đô và khu vực nông thôn.

      Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro chia sẻ về giá trị mà đường sắt tốc độ cao mang lại.

      Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến tổng chi phí khoảng hơn 67 tỷ USD. Đây không chỉ đơn thuần là một công trình giao thông, mà còn là chất xúc tác mạnh mẽ cho sự phát triển đô thị dọc theo chiều dài đất nước. Quy hoạch không gian đô thị xung quanh tuyến đường sắt này cũng được xem là "chìa khóa" để khai mở tiềm năng kinh tế - xã hội to lớn mà dự án mang lại.

      Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có điểm đầu tuyến tại TP.Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm) với tổng chiều dài khoảng 1.541 km. Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố. Quy mô đầu tư mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

      Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro)

      Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro)

      Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) khẳng định, đây là công trình đặc biệt quan trọng đối với phát triển đất nước, góp phần nâng tầm vị thế, cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên mới. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều sự thay đổi và giá trị về kinh tế, phát triển.

      Ông Trường nói: "Với một đất nước hẹp và dài hình chữ S như Việt Nam hay Nhật Bản thì đường sắt phải là phương tiện vận chuyển chủ yếu, đặc biệt ở những cự ly trên 800km. Tuy nhiên, ở Việt Nam thời gian qua đầu tư cho đường sắt đang ở mức rất hạn chế, chính vì thế đường sắt chưa phát huy được vai trò, sứ mệnh của mình trong vận chuyển hàng hoá, hành khách Bắc - Nam.

      Nếu nhìn ra thế giới, các nước bắt đầu xây dựng đường sắt tốc độ cao thì hiện nay chúng ta đã hội tụ đầy đủ các điều kiện. Điều này đã đáp ứng được sự mong mỏi của người dân, các cấp chính quyền và đặc biệt là những người trong ngành Đường sắt như chúng tôi".

      Theo ông Trường, từ kinh nghệm vận hành tuyến đường sắt đô thi Cát Linh - Hà Đông và tuyến đường sắt đô thị Nhổn  - ga Hà Nội đoạn trên cao có thể thấy rằng, để vận hành được các dự án thì cần sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với đó là những cơ chế đặc thù, những quyết sách kịp thời. Từ đó, Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho rằng chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã thể hiện quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo và dự án chắc chắn sẽ thành công.

      Chia sẻ về hiệu quả mà dự án đường sắt tốc độ cao mang lại, ông Trường cho rằng dự án không dừng lại ở việc đem lại hiệu quả vận tải, hiệu quả tài chính mà dự án còn mang lại hiệu quả về kinh tế xã hội, về môi trường và an ninh quốc phòng,...

      "Hiệu quả đầu tiên mà chúng ta có thể nhận thấy đó là dự án sẽ giúp tái cấu trúc lại phân bố dân cư giữa khu vực đô thị, khu vực ven đô và khu vực nông thôn để hạn chế di cư từ khu vực nông thôn về khu vực thành phố khiến mật độ dân cư tại đây quá cao. Với các ưu thế là khu vực mới được khai thác từ đầu, quỹ đất sạch dồi dào, mật độ dân cư thấp, quy hoạch lấy nhà ga và tuyến đường sắt tốc độ cao làm nền tảng để tạo ra một đô thị hoặc điểm dân cư đô thị mới với đầy đủ các chức năng đồng bộ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đặc biệt là các cơ sở dịch vụ công cộng hiệu quả, chất lượng cao.

      Tiếp đó, đường sắt tốc độ cao giúp chúng ta phát triển kết nối vùng và phát triển kinh tế ở các khu vực chưa phát triển. Nhờ tốc độ di chuyển vượt trội và sự tiện nghi, đường sắt tốc độ cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, hợp tác đầu tư, trao đổi văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa các đô thị. Từ đó, hình thành các chuỗi đô thị, vùng đô thị phát triển năng động, tạo động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. 

      Đây cũng là công cụ để chúng ta tiến tới mục tiêu Net Zero theo cam kết của Chính Phủ. Tuyến đường khi đưa vào vận hành sẽ đảm bảo nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc – Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức, góp phần giảm chi phí logistics, tạo tiền đề phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ...", ông Trường phân tích.

      Link bài gốcLấy link
      https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/uong-sat-toc-o-cao-bac-nam-co-hoi-vang-e-tai-cau-truc-phan-bo-dan-cu-a478874.html
      Zalo

      Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

      Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

      Đã tặng:
      Tặng quà tác giả
      BÌNH LUẬN
      Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
      Tin liên quan