+Aa-
    Zalo

    Đề xuất nghiên cứu quy định "tù tại gia" để giảm áp lực quá tải trại giam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.

    Hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.

    Chiều 12/11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), một số đại biểu quan tâm đến quy định "căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam".

    Tổng kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại tổ - Ảnh: Vnexpress

    Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam sẽ tạo hình ảnh phản cảm, có nguy cơ phạm nhân bỏ trốn và sự lạm dụng của cán bộ quản lý trại.

    Ông Hồ Đức Phớc cũng đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.

    Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga băn khoăn về chất lượng dự thảo khi chuyển từ sửa một số điều thành luật sửa đổi, bởi thời gian trình gấp gáp khiến việc thẩm tra gặp khó khăn.

    Bà Nga cho rằng không tổ chức lao động thì không ai trông được số lượng lớn phạm nhân như thế nhưng hiện nay lao động trong phạm vi trại giam dưới sự quản ý của cán bộ. Việc đưa ra ngoài lao động sẽ rất phức tạp và trên thực tế cũng có trường hợp bỏ trốn, tạo ra hình ảnh phản cảm và tác động đến người dân xung quanh.

    “Nơi nào khó khăn thì đề nghị địa phương tạo điều kiện về đất đai để tổ chức lao động cho phạm nhân. Có phối hợp với doanh nghiệp thì cũng tổ chức lao động trong trại. Tôi không đồng ý đưa hẳn ra ngoài”- bà Nga nêu quan điểm.

    Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai ở Quốc hội - Ảnh: Vnexpress

    Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai - Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề về xã hội cho rằng, dự thảo Luật đã có nhiều quy định tiến bộ. Đơn cử như quy định về quyền của phạm nhân "được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan".

    Tuy nhiên, ông Mai băn khoăn tính khả thi của quy định trên. "Khi phạm nhân yêu cầu thực hiện một loạt các quyền không bị hạn chế, như việc giữ tinh trùng hay lấy trứng thì làm thế nào? Những điều này sẽ khó thực hiện nếu không có hướng dẫn cụ thể", ông Mai nói.

    Đề cập đến điều 27 dự thảo Luật, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu phạm nhân có một số quyền khác của công dân như hiến tinh trùng, hiến giác mạc, nội tạng... song theo bà "nếu thực hiện thì sau khi hiến, điều kiện trong trại giam có đảm bảo để chăm sóc sức khoẻ cho họ không?".

    "Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn, học tập kinh nghiệm của các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam chứ không nên đề ra những cái cao siêu nhưng thực tế thì không thực hiện được", nữ đại biểu TP HCM nói.

    Đại biểu Tạ Minh Tâm cũng cho rằng quy định của dự thảo Luật phải có bước đi phù hợp đảm bảo khả năng đáp ứng của Nhà nước. "Tôi thống nhất quy định phạm nhân được quyền hưởng các quyền khác của công dân, nhưng đề nghị ban soạn thảo viết lại cho chặt chẽ, để tránh khi luật có hiệu lực sẽ bị diễn dịch theo hướng khó cho công tác thi hành án hình sự và phòng, chống tội phạm", ông Tâm nêu quan điểm.

    Sáng 19/11, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

    Quỳnh Chi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-nghien-cuu-quy-dinh-tu-tai-gia-de-giam-ap-luc-qua-tai-trai-giam-a251083.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.