+Aa-
    Zalo

    "Đại gia" ngành du lịch Vietravel (VTR) thoát lỗ sau 2 năm, tổng nợ hơn 1.700 tỷ đồng

    (ĐS&PL) - Kết thúc năm 2022, Vietravel ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 ấn tượng lên tới gần 105 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nợ của công ty này ở mức gần 1.714 tỷ đồng, tương ứng gấp hơn 14 lần vốn chủ sở hữu (121 tỷ đồng). Cơ cấu nợ chủ yếu là nợ ngắn hạn (1.692 tỷ đồng) – vượt cả tài sản ngắn hạn của VTR (1.657 tỷ đồng).

    Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel, mã chứng khoán: VTR) cho biết sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 6/5.

    Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiếm toán, Vietravel đã kết thúc năm với những chỉ số kinh doanh tăng trưởng ấn tượng.

    vtrvayno12
    Chú thích ảnh

    Theo đó, đến hết ngày 31/12/2022, VTR ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.824 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021. Đóng góp chủ đạo vào cơ cấu doanh thu là mảng dịch vụ du lịch lữ hành đem về cho VTR 3.684 tỷ đồng. Doanh thu bán vé máy bay ghi nhận 28 tỷ đồng, giảm 72%.

    Doanh thu tăng mạnh, các khoản chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp chỉ ngang bằng hoặc giảm so với cùng kỳ nên sau cùng, VTR báo lãi sau thuế năm 2022 đạt gần 105 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 349 tỷ đồng.

    Theo VTR, thực tế cho thấy, tuy nền kinh tế toàn cầu đã dần phục hồi trong năm 2021 nhưng động lực đã yếu đi bởi nhiều bất định và rủi ro khác nhau sau hai năm khủng hoảng dịch COVID-19, gây ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của VTR nói riêng và cả ngành du lịch, hàng không nói chung. Tập đoàn đã vươn lên, nỗ lực để thực hiện hiệu quả kết quả kinh doanh của hệ thống.

    Đến cuối năm 2022, Vietravel đang ghi nhận tổng nợ gần 1.714 tỷ đồng, tương ứng gấp hơn 14 lần vốn chủ sở hữu (121 tỷ đồng). Cơ cấu nợ chủ yếu là nợ ngắn hạn (1.692 tỷ đồng) – vượt cả tài sản ngắn hạn của VTR (1.657 tỷ đồng). Riêng vay nợ tài chính là hơn 721 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ cũng đang âm hơn 31,8 tỷ đồng.

    Liên quan đến khoản nợ của Vietravel và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh, ngày 7/2, VTR đã phát hành 6 triệu cổ phiếu VTR để hoán đổi nợ cho Hưng Thịnh. Giá phát hành là 28.000 đồng/cổ phiếu và bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.

    Với tỷ lệ sở hữu mới là 20,48%, Hưng Thịnh đã chính thức trở thành cổ đông lớn tại Vietravel. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VTR của Vietravel vẫn đang trong diện hạn chế giao dịch do âm vốn chủ sở hữu (căn cứ kết quả báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022).

    Hiện tại, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đang là chủ nợ lớn nhất của Vietravel với khoản vay hơn 196 tỷ đồng. Xếp sau là Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) với khoản vay hơn 149 tỷ đồng. Đây đều là hai khoản vay ngắn hạn không có tài sản đảm bảo.

    vtrvayno

    Thông tin chi tiết các khoản nợ của Vietravel tính tới ngày 31/12/2022.

    Trước đó, hồi tháng 12/2022, Vietravel cũng đã mua lại trước hạn lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng, qua đó làm “sạch” dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp.

    Song song với đó, vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Vietravel cũng thông báo bán hơn 1 triệu cổ phiếu VTR cho nhóm công ty thuộc VinaCapital để giảm tỷ lệ sở hữu. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến 7/4-5/5 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.

    Hiện tập đoàn Vietravel đang nắm giữ hơn 5,25 triệu cổ phiếu VTR, tương ứng 17,92% vốn. Nếu giao dịch hoàn tất, lượng sở hữu của tập đoàn sẽ giảm xuống còn 4,18 triệu cổ phiếu, tương ứng 14,27%.

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-gia-nganh-du-lich-vietravel-vtr-thoat-lo-sau-2-nam-tong-no-hon-1700-ty-dong-a571103.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan