+Aa-
    Zalo

    Đại án tại VNCB: “Bỏ của chạy lấy người” nhưng… không thoát

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bình phát hiện 2 công ty Toàn Tâm và An Phát đều liên quan đến Tập đoàn Thiên Thanh về tài sản đảm bảo nên không ký cho vay và xin nghỉ việc

    (ĐSPL) - Bình phát hiện 2 công ty Toàn Tâm và An Phát đều liên quan đến Tập đoàn Thiên Thanh về tài sản đảm bảo nên không ký cho vay và xin nghỉ việc.

    Theo báo Dân Việt đăng tải, tại phiên tòa ngày 28/7, Võ Ngọc Nguyên Bình (nguyên phó phòng phụ trách kinh doanh VNCB chi nhánh Sài Gòn) cho biết: "Bị cáo thấy hồ sơ vay vốn mà lãnh đạo đưa xuống có liên quan đến Tập đoàn Thiên Thanh về tài sản đảm bảo nên không ký, tuy nhiên bị cáo thấy việc này là… “chống đối lãnh đạo” nên bị cáo xin nghỉ việc".

    Theo cáo trạng, Võ Ngọc Nguyên Bình là người ký duyệt hồ sơ vay của 4 công ty (đều do Phạm Công Danh lập nên) với số tiền giải ngân là 1.770 tỷ đồng. Trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, Bình không đi thẩm định thực tế mà chỉ tìm hiểu thông tin qua Internet dẫn đến gây thiệt hại cho VNCB hơn 858 tỷ đồng.

    Các bị cáo được dẫn giải lên tòa (Ảnh: Dân Việt)

    Tại tòa, nguyên phó phòng phụ trách kinh doanh của VNCB chi nhánh Sài Gòn khai: “Bị cáo có xem xét báo cáo tài chính của các công ty này và thấy báo cáo có cân đối hợp lý. Bị cáo cũng xem xét tài sản đảm bảo là sổ hồng và những sổ hồng này được VNCB định giá cao nên cũng rất yên tâm ký đề xuất cho vay”.

    Việc ký hợp đồng tín dụng với 4 công ty này, theo Bình khai là đều trực tiếp ký với lãnh đạo 4 doanh nghiệp trên. Tuy nhiên, phản bác lại lời khai của Bình, 3 trong 4 “giám đốc hờ” trên đều khẳng định chưa từng gặp Bình, 1 người thì khai không nhớ.

    Sau khi ký cho vay 4 hồ sơ trên, bị cáo Bình tiếp tục được giao xử lý tiếp hồ sơ vay cho 2 công ty là Toàn Tâm và An Phát (cũng do Phạm Công Danh lập nên), nhưng lúc này Bình phát hiện 2 công ty trên đều liên quan đến Tập đoàn Thiên Thanh về tài sản đảm bảo nên không ký cho vay.

    “Bị cáo phát hiện 2 công ty Toàn Tâm và An Phát  đều liên quan đến Tập đoàn Thiên Thanh, trong khi Tập đoàn Thiên Thanh lại là cổ đông lớn của ngân hàng nên bị cáo cảm thấy cho vay là không đúng quy định pháp luật. Bị cáo đã quyết định không ký cho vay và xin nghỉ việc”, Bình khai tại tòa.

    “Sau đó, bị cáo cũng tiến hành tìm hiểu thêm về dòng tiền cho 4 doanh nghiệp vay sử dụng thế nào, nhưng thấy tiền không chuyển trực tiếp cho bên vay sử dụng nên bị cáo cảm thấy rất lo lắng”, Bình kể thêm, giọng mếu máo.

    Tòa đặt câu hỏi, nếu không ký cho vay thì thôi, sao bị cáo còn nghỉ việc? Bình cho biết: “Bị cáo cảm thấy việc chống đối lãnh đạo là không hợp lý nên xin nghỉ…”.

    Dù đã “bỏ của chạy lấy người”, nhưng hành vi ký 4 hồ sơ của Bình đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động tín dụng, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh giải quyết cho các công ty của mình vay trái pháp luật 1.770 tỷ đồng từ VNCB và gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 858 tỷ đồng nên Võ Ngọc Nguyên Bình đã bị bắt và truy tố trước tòa.

    Theo báo Dân Trí, trong sáng 28/7, HĐXX tiếp tục làm việc với phần xét hỏi các để làm rõ “đường đi” của việc thẩm định hồ sơ cho vay gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ở Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB)

    Bị cáo Doãn Quốc Long (cựu cán bộ tín dụng VNCB Chi nhánh Sài Gòn) là người tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của Công ty Đại Hoàng Phương vay 280 tỷ đồng. Tuy nhiên, Doãn Quốc Long không thẩm định thực tế khách hàng, không thẩm định thực tế tài sản đảm bảo, không kiểm tra thực tế tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Đại Hoàng Phương. Trong quá trình hoàn thành hồ sơ thẩm định, tuy Công ty Đại Hoàng Phương không có báo cáo tài chính, có rủi ro về tài sản và tài chính nhưng Long vẫn ký báo cáo đề xuất tín dụng đồng ý cho đơn vị trên vay tiền.

    Tại phiên tòa, Long khai :“Bị cáo làm đúng theo quy trình và đã thẩm định hồ sơ, phương pháp thẩm định điều tra để xác nhận hồ sơ dựa trên thông tin khách hàng, xác minh bằng thông tin trên mạng, nhưng bị cáo không xác minh thẩm định trực tiếp bởi do anh Quyết đưa. Còn khoản vay cho công ty Đại Hoàng Phương thì do bị cáo là người lập tờ trình đề nghị cho vay”.

    Bị cáo Bùi Thanh Nguyên (cán bộ tín dụng VNCB chi nhánh Lam Giang) là người nhận và giải quyết hồ sơ cho Công ty IDICO vay, gây thiệt hại cho VNCB 220 tỷ đồng. Tại tòa, Nguyên cũng cho biết không đi gặp gỡ thực tế khách hàng. “Bị cáo đã thu thập thông tin đầy đủ trên mạng Internet và thấy IDICO có hoạt động kinh doanh thật và có thông tin khá nhiều nên bị cáo khảo sát từ trên đó. Bị cáo cũng không đi xác nhận tài sản đảm bảo thực tế”, Nguyên khai.

    Tuy nhiên, tại tòa Nguyên cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lấy các tài sản hiện có của IDICO để cấn trừ nợ vì trong hồ sơ vay vốn đã có ràng buộc này.

    Bị cáo Huỳnh Nguyên Sang (nguyên phó phòng phụ trách kinh doanh VNCB Lam Giang) cho biết, không gặp khách hàng, cũng không biết tài sản đảm bảo cho các khoản vay đã bị “cầm cố” để thế chấp cho vay tại Ngân hàng BIDV mà chỉ biết hồ sơ đảm bảo là “mối quan hệ” và được sếp Quyết (bị cáo Hoàng Đình Quyết - nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB Chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang) chỉ đạo nên ký hồ sơ.

    Bị cáo làm hồ sơ vay làm chung với bị cáo Nguyễn Quốc Long, bị cáo một mực cho rằng mình làm đúng quy định. Chỉ cần thẩm định bằng một trong những cách theo quy định chứ không yêu cầu làm đủ các quy định.

    Bị cáo Nguyễn Tiến Hùng (nguyên cán bộ tín dụng VNCB chi nhánh Sài Gòn) cũng “mắc sai lầm” tương tự. Cụ thể, Hùng là người tiếp nhận 6 hồ sơ của 6 công ty vay 2.470 tỷ đồng, tuy nhiên trong quá trình thẩm định, Hùng cũng không thẩm định thực tế tài sản đảm bảo, không kiểm tra thực tế tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vay vốn… khiến Phạm Công Danh vay trái pháp luật được 2.470 tỷ đồng. Kết quả điều tra gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.300 tỷ đồng.

    “Bị cáo làm theo lãnh đạo chứ không đến trực tiếp thẩm định, chỉ làm theo hồ sơ của khách hàng bởi những khoản vay này đã có chủ trương cho vay. Việc rủi ro cho vay là việc sau này mà xác suất rủi ro là rất thấp. Các hồ sơ cho vay này mặc dù có chủ trương nhưng vẫn phải trải qua các quy định cho vay theo từng bước”, bị cáo Hùng khai.

    Tương tự, bị cáo Lý Minh (nguyên trưởng phòng phụ trách kinh doanh VNCB chi nhánh Sài Gòn) cũng không đi thực tế mà chỉ nghe sếp Khương ((bị cáo Mai Hữu Khương) nói đã xem sơ qua nên không thẩm định kỹ. Đáng nói, theo quy định thì với hồ sơ trên 500 triệu thì trưởng phòng kinh doanh phải trực tiếp thẩm định khách hàng cùng nhân viên tín dụng.

    Tuy nhiên, với các hồ sơ này thì Minh có bảo xuống nhân viên là đã trực tiếp thẩm định rồi, không cần phải thẩm định nữa nên nhân viên cấp dưới không thẩm định.

    Tại phiên tòa sáng 28/7, HĐXX chất vấn: Bị cáo đã nhận thấy việc thẩm định chưa đi thực tế có rủi ro, sao vẫn cho vay? Minh còn lý luận: “Bản chất tín dụng là rủi ro nhưng nó là rủi ro có thể xảy ra, không nhất thiết là xảy ra. Rủi ro không phải là lý do chính để không cho vay”.

    NINH LAN (Tổng hợp)
    Nguồn nguoiduatin
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-an-tai-vncb-bo-cua-chay-lay-nguoi-nhung-khong-thoat-a141534.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Cá kho tộ thơm ngon cho bữa cơm đầu tuần

    Cá kho tộ thơm ngon cho bữa cơm đầu tuần

    (ĐSPL) - Đầu tuần bổ sung năng lượng mới với món cá kho tộ thơm ngon bổ dưỡng. Chỉ với một khoảng thời gian ngắn bạn đã có thể mang đến bữa cơm món ăn hấp dẫn.