(ĐSPL) - Để bắt được đối tượng Mẫn Đức Phương, một tay sai đắc lực trong đường dây làm giả hài cốt liệt sỹ do "cậu Thủy" cầm đầu, Công an tỉnh Quảng Trị ra chỉ thị phải giữ bí mật đến phút cuối.
Hàng xóm không hay việc Phương bị bắt
Trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị phát hiện thêm những “chân rết” đã giúp vợ chồng “cậu Thủy” thực hiện nhiều vụ làm giả hài cốt liệt sỹ thu lợi bất chính. Do đó, ngày 25/3/2014 lệnh bắt Mẫn Đức Phương được thực thi ngay tại nơi Phương sinh sống, thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Cùng ngày, Công an tỉnh Quảng Trị đã di lý nghi phạm vào Quảng Trị để phục vụ công tác mở rộng điều tra về cặp vợ chồng hờ Nguyễn Thanh Thúy và Mẫn Thị Duyên. Được biết Phương là em ruột của Mẫn Thị Duyên, nghi ngờ đóng vai trò quan trọng và là mắt xích chính trong đường dây làm giả hài cốt của đôi vợ chồng này.
|
Chân dung "cậu Thủy" và ngôi nhà vợ chồng y tại thôn Trác Bút. |
Việc bắt Phương được Công an tỉnh Quảng Trị ra chỉ thị giữ kín đến phút chót giống như bắt hai vợ chồng “cậu Thủy” nên hàng xóm cũng không hề hay biết. “Dù ở ngay gần nhà Phương nhưng chúng tôi cũng khồng hề hay biết Phương bị bắt đi lúc nào.
Qua tìm hiểu được biết, trước đây Phương vốn là người hiền lành và là con thứ 7 trong gia đình. Phương đã có vợ và 3 đứa con nhỏ. Vợ Phương làm nông nghiệp, Phương làm nghề tự do, nhưng kể từ khi người chị gái Mẫn Thị Duyên ra tù về và "cặp" với Nguyễn Thanh Thúy, cuộc sống của gia đình Phương thay đổi hẳn.
“Chẳng thấy Phương làm gì, chỉ tối ngày theo chị và anh rể hờ đi vào tận miền Trung, miền Nam. Mỗi lần về là lại rủng rỉnh tiền bạc”, một người hàng xóm giấu tên cho biết thêm.
Những chiêu trò quái đản
Đến khi nhóm PV báo Đời sống và Pháp luật về địa phương để tìm hiểu sự việc thì người dân mới ngỡ ngàng. Lúc này, họ mới khớp nối lại những việc làm trước đây của y. Nhiều người dân cho biết, trước đây, có phóng viên gặp gỡ, trao đổi với họ thông tin về vợ chồng "cậu Thủy" thì ngay tối hôm đó đã có kẻ xăm trổ đầy mình đến tận nhà đe dọa. Nhất là sau vụ bắt vợ chồng “cậu Thủy” nhiều người dân địa phương bị các đối tượng được “cậu Thủy” nuôi dưỡng, trong đó có Phương, đe dọa, dằn mặt. Khi biết chính xác thông tin Phương đã bị bắt nhiều người mới cởi mở hơn.
Khi nói về "cậu Thủy" - người anh vợ của Phương - một người dân cho biết: “Sau khi bị đuổi khỏi ngành công an, Thúy được làm lái xe trong huyện đội và tiếp tục bị đuổi vì vi phạm kỷ luật trong cơ quan. Trở về quê, Thúy không có nghề nghiệp gì lại được một thầy cúng tên là Quý ở địa phương cho đi theo học nghề. Trong thời gian “tầm sư học đạo” nghề thầy cúng, nhận thấy nhiều người đang rất mong muốn đi tìm những ngôi mộ của gia đình bị thất lạc, Thúy tự nhận mình là “nhà tâm linh” đi tìm mồ mả thất lạc. Để tạo thanh thế, Thúy đã chọn một gia đình ở địa phương có mộ cụ tổ đời thứ 3 bị thất lạc. Sau đó, y câu kết với người em vợ của mình là Mẫn Đức Phương và nuôi cả chục đàn em sẵn sàng theo sự chỉ đạo của Phương và Thúy. Để thực hiện màn lừa đảo, Phương chỉ đạo cho đám tay chân đi đào trộm mộ rồi chở đi chôn theo mưu đồ của Thúy. Một năm sau Thúy mới đặt vấn đề tìm mộ cho gia đình kia. Với những thông tin thu thập được trong lúc cúng cho gia đình, Thúy phán ngôi mộ không mất mà chỉ trôi sang góc ruộng bên cạnh. Trên tiểu có 7 viên gạch thất, từ viên thứ nhất đến viên thứ 3 có mảnh vải vàng che phía trên. Nếu không tin thì mai cùng đi ra khai quật thử. Thúy xoen xoét nói là chỉ làm vì cái tâm chứ không đòi hỏi điều gì. Hôm sau, cả gia đình, dòng tộc nọ đã chết lặng vì những gì "thầy" Thúy phán không sai một chi tiết nào. Sau lần đó, danh tiếng của “nhà tâm linh” Thúy nổi như cồn, khắp mọi nơi đều biết đến và cũng với những chiêu trò như vậy, Thúy đã thực hiện nhiều quả lừa ngoạn mục.
Tìm hiểu thêm, PV còn được người dân kể cho biết một chiêu trò quái đản khác của đại gia đình lừa đảo này. Thời gian trước khi bị bắt, “cậu Thủy” cứ nhằm nhà ai có người bị ốm đau, bệnh tật là giả đò vô tình qua chơi, nhìn ngắm khắp nhà một lượt. Rồi y phán: “Mắt tôi có thể nhìn xuyên suốt lục địa” thấy nhà chị, nhà anh có cây, có vật đã thành tinh nếu không làm cây hương yểm đi thì nó còn bắt cả nhà phải chết. Người nào yếu bóng vía nghe thấy vậy liền van nài Thúy ra tay trừ yêu, giải hạn và phải theo Thúy hết khóa lễ này đến khóa lễ khác vô cùng tốn kém.
|
"Cậu Thủy" trong một lần tìm mộ liệt sỹ. |
Năm 1996, Thúy và Duyên bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt vì tội lừa đảo, chiếm dụng tài sản và tàng trữ vũ khí quân dụng bị tuyên phạt với mức án 10 năm tù giam. Năm 2005, sau khi ra tù, Thúy sống trong tình trạng nghèo đói, mắt bị mờ phải sống nhờ sự cưu mang của người chị gái Nguyễn Thị Minh ở quê chừng 1 năm. Chờ cho Duyên mãn hạn tù, cặp đôi này lại tiếp tục tìm đến nhau, trở lại con đường cũ cúng bái, tìm mộ và lòe có khả năng “thấu thị” tại thị trấn Chờ, Yên Phong (Bắc Ninh). Đặc biệt hơn, lần này cặp đôi còn chuyển sang lĩnh vực “ngoại cảm” tìm mộ liệt sỹ. Nhờ đó mà “cậu Thủy” đã giàu lên nhanh chóng với khối tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng.
Trong đó đình đám nhất là việc tìm mộ ở thôn Phương Mỹ, xã Mỹ Đồng, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Số người nhờ “cậu Thủy” tìm mộ lên đến hơn chục gia đình, với hàng chục ngôi mộ. Những ngôi mộ được tìm ban đầu chỉ 15 triệu đồng/ngôi, sau tăng lên 30 triệu đồng. Thấy đông người đăng ký, vợ chồng Thủy lại tăng giá lên 50 triệu đồng/ngôi.
Cái giá phải trả
Ngày 28/10/2013, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị có sự chứng kiến của cơ quan An ninh điều tra bộ Công an và Công an tỉnh Bắc Ninh đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Thanh Thúy (SN 1959) và Mẫn Thị Duyên, cùng trú tại thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự.
Hành vi cụ thể của Nguyễn Thanh Thúy là làm giả hài cốt, di vật, nơi chôn cất liệt sỹ để thu lợi bất chính. Mới đây, Công an tỉnh Quảng Trị gia hạn tạm giam vợ chồng Nguyễn Thanh Thúy và Mẫn Thị Duyên thêm bốn tháng nữa để tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc. Theo thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh, vào tháng 7/2013, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (NHCSXH) tổ chức đợt quy tập hài cốt liệt sỹ tại thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh (Quảng Trị) và thực hiện cất bốc theo hướng dẫn của Nguyễn Thanh Thúy. Ngay tại điểm cất bốc, bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã lập biên bản, kết luận hiện trường mà Thúy đề nghị khai quật đã được chuẩn bị từ trước. Theo đó, quan sát bằng mắt thường có nhiều rễ cây đã bị đào bới và chặt phá từ trước; đào bằng tay sâu xuống khoảng một mét; vị trí các hài cốt phát hiện không phù hợp với tư thế chôn cất tự nhiên; đất lẫn với hài cốt màu nâu vàng không phù hợp với đất tự nhiên tại các vị trí khai quật. Đồng thời khẳng định, số hài cốt tìm thấy không đủ cơ sở để xác nhận là hài cốt liệt sỹ.
Như vậy, qua công tác điều tra, Công an tỉnh Quảng Trị đã tìm thêm được những chứng cứ và mắt xích quan trọng trong việc hỗ trợ, góp sức từ người em trai của Duyên là Mẫn Đức Phương đã cùng vợ chồng anh rể hờ tổ chức làm giả hài cốt liệt sỹ thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-vay-bat-bi-mat-em-vo-cau-thuy-dien-ra-nhu-the-nao-a27666.html