11 nước thành viên của CPTPP tiếp tục ký Hiệp định dù Mỹ đã rút lui là dấu hiệu cho thấy châu Á đã không còn nằm dưới đôi cánh của đại bàng.
Ngày 8/3 vừa qua, 11 quốc gia, bao gồm Việt Nam, đã chính thức kỳ kết Hiệp định Thương mại tự do CPTPP bất chấp sự rút lui của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đó là bước ngoặt mới nhất trong sự chuyển mình của Châu Á từ sự kiểm soát của Mỹ sang một tư thế chủ động và linh hoạt hơn.
Thỏa thuận thương mại đã đạt được là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy các nước như Úc và Nhật Bản đang sẵn sàng bỏ qua Mỹ để tiến hành hiệp thương và toàn cầu hóa. Khi TPP tạm dừng lại do sự vắng mặt của vị lãnh đạo quan trọng nhất, CPTPP vẫn trở thành một trong những liên minh kinh tế được đánh giá cao trong khu vực và trên thế giới.
Lãnh đạo các nước thành viên của CPTPP - Ảnh: Guardian |
Sự thay đổi này có thể tiến triển nhanh chóng và mạnh mẽ hơn dưới thời của Tổng thống Trump do các chính sách đối ngoại lỏng lẻo và thái độ bất hợp tác với các hiệp định thương mại. Hiện nay, những cuộc khủng hoảng về xã hội như thành phố Jerusalem, chiến tranh thương mại với Trung Quốc và cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân với Triều Tiên đang khiến nước Mỹ rối loạn.
Sau CPTPP, khi nước Úc đã tự hào tuyên bố: “Thế giới sẽ ăn thịt bò của Úc nhiều hơn, uống rượu vang của Úc nhiều hơn và sử dụng dịch vụ Úc nhiều hơn”.
Tổng thống Trump vẫn đang bận rộn với việc ban hành chính sách thuế mới cho thép và hợp kim nhập khẩu, tìm cách lôi kéo đồng minh bằng tặng quyền xuất khẩu ngoại lệ. Thời báo kinh tế Bloomberg nhận xét “CPTPP là điều thú vị nước Mỹ đã bỏ lỡ”.
Các chuyên gia nhận định điều này có thể khiến căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc thêm trầm trọng bởi cả hai nước đều đang tìm cách định hình lại nền kinh tế và hệ thống chính trị của châu lục đông dân nhất thế giới này.
Việc ông Trump quyết định rút lui khỏi một Liên minh kinh tế với phần lớn các quốc gia thành viên đến từ châu Á thực sự là một bước đi sai lầm trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Trung Quốc có thể bùng nổ bất cứ lúc nào và chiến lược “Một vành đai – Một con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình đang trên đà bành trướng tới cả châu Âu.
Biểu đồ so sánh các giao dịch liên quan tới vũ khí của Mỹ và Trung Quốc với các quốc gia châu Á - Ảnh: NYT |
Theo các chuyên gia của tờ TheGuardians, để kìm hãm lại ảnh hưởng của Trung Quốc, khu vực ông Trump cần tập trung chính là châu Á và không phải châu Âu – nơi ông sẽ khó có thể thiết lập được quan hệ đồng minh vững chắc như những gì Chủ tịch Tập đang thực hiện với những người hàng xóm. Trong thời gian tới, khả năng ông Trump đưa Mỹ tái gia nhập CPTPP vẫn còn để ngỏ.
Hiện nay, khả năng quân sự của Mỹ vẫn chiếm ưu thế tại châu Á nhưng Trung Quốc đã bắt đầu tăng sức ép và dùng đòn bẩy kinh tế để sắp xếp lại khu vực, lôi kéo các đồng minh lâu năm của Mỹ như Philippines và Indonesia.