Khi Mỹ rút khỏi TPP vào đầu năm 2017, TPP đã chính thức kết thúc nhưng giờ đây, TPP 2.0 đã trở lại với nhiều thay đổi đáng kể khi không còn “ông lớn” Donald Trump.
Một năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp ước này đã được tái soạn thảo và tiến hành đàm phán. 11 thành viên còn lại sẽ ký thỏa thuận cuối cùng vào tháng 3/2018 và chính thức có hiệu lực vào năm 2019. Dù ảnh hưởng của Hiệp định toàn diện và tiến bộ về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhỏ hơn đáng kể khi không còn thành viên lớn nhất, CPTPP vẫn là một hiệp ước thay đổi đáng kể tình hình thương mại trong khu vực.
Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, với khẩu hiệu “nước Mỹ vĩ đại”, ông Trump đã không có nhiều đàm phán kinh tế đa phương, chính sách thu hút doanh nghiệp nước ngoài hay áp đặt các điều khoản hà khắc hơn cho các hợp tác sẵn có. Những hành động này đã khiến Mỹ bị cô lập trong thương mại toàn cầu và phần còn lại của thế giới vẫn đang tiếp tục vòng xoay của nó. Vậy sự trở lại của TPP giờ đây có những gì giống và khác trước?
11 thành viên của CPTPP bao gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Tổng sản phẩm quốc nội kết hợp dự kiến đạt 13,5 nghìn tỷ USD, chiếm 13,4% GDP toàn cầu, trở thành một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới. So sánh với Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) tổng cộng khoảng 20 nghìn tỷ USD; Liên minh châu Âu 19 nghìn tỷ USD, CPTPP đang dần rút ngắn khoảng cách.
11 quốc gia thành viên của CPTPP - Ảnh: Customnews |
Khi Trump rút lui khỏi TPP, thay đổi lớn nhất chính là hai điều khoản gây tranh cãi về quy định giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với chính phủ (ISDS) và thắt chặt các điều luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trước đây, các doanh nghiệp Mỹ thường xuyên sử dụng ISDS để cáo buộc các chính quyền nước ngoài họ đang đầu tư khi không đạt được thỏa thuận như dự kiến.
Hai nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ trước đây, ông George W. Bush và ông Barack Obama đã có nhiều nỗ lực trong việc mở rộng ảnh hưởng của Đạo luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ra toàn cầu, đặc biệt là trong khối thành viên TPP. Hiện nay, 11 nước còn lại rõ ràng sẽ tiếp tục hợp tác sau khi xóa bỏ hai điều khoản trên.
CPTPP, với ảnh hưởng sâu rộng tại châu Á, vẫn chưa đủ sức nặng để thay đổi luật chơi của thương mại toàn cầu như TPP trước đây. Tuy nhiên, những tiềm năng của một khu vực có nhiều nền kinh tế trẻ và năng động nhất trên thế giới đã thu hút sự chú ý của những quốc gia chưa gia nhập như Hàn Quốc, Indonesia và thậm chí cả Anh. Đối với Trung Quốc, CPTPP là một bàn đạp thuận lợi cho chính sách “Một con đường – một vành đai” cũng như củng cổ vị thế hàng đầu tại châu lục và quốc tế dù một số điều khoản trong Hiệp định chưa thực sự phù hợp với cơ cấu kinh tế Đại lục hiện nay.
Trên thực tế, chính quyền Washington vẫn có thể tham gia lại hiệp định khi Tổng thống Trump nhận thấy sự suy yếu về ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á. Các điều khoản về luật bản quyền và ISDS sẽ thay đổi linh hoạt hơn nếu 11 quốc gia thành viên muốn chào đón “ông lớn” Mỹ trở lại cuộc chơi.
Thu Phương(Theo TheDiplomat)