Dưa hấu
Bảo quản trong tủ lạnh sẽ khiến dưa hấu bị úng, làm mất đi các chất dinh dưỡng vốn có. Với những quả dưa hấu còn nguyên quả, bạn chỉ cần để ở nhiệt độ thoáng mát, khô ráo. Nếu đã cắt dưa hấu thành miếng nhưng không ăn hết, bạn để vào hộp kín, bảo quản trong tủ lạnh tối đa 3-4 ngày.
Cà chua
Tác động của nhiệt độ thấp trong tủ lạnh khiến cà chua không thể tiếp tục chín, đồng nghĩa với việc không còn hương vị tươi ngon. Nhiệt độ lạnh khiến cà chua bị khô, vỏ nhăn nheo, nước bị mất, rất dễ vỡ khi cắt thái.
Cách bảo quản cà chua tốt nhất là để ở nhiệt độ phòng (khoảng 25 độ C) và dùng trong 1 tuần. Nếu mua cà chua đã được bảo quản trong tủ lạnh trước đó, hãy để chúng ở nhiệt độ phòng trong khoảng 1 tiếng để quả hồi phục về trạng thái gần như ban đầu.
Lưu ý, trong trường hợp cà chua đã chín mọng nhưng chưa ăn hết hoặc thời tiết quá nóng, bạn nên cho cà chua vào tủ lạnh để tránh tình trạng quả bị hư hỏng.
Chocolate
Chocolate để trong tủ lạnh sẽ kết thành màn sương trắng, dẫn đến mất hương vị ban đầu và chất dinh dưỡng, đồng thời tạo cơ hội để vi khuẩn xâm nhập. Bạn nên bọc kín chocolate và đặt ở ngăn mát trong khoảng thời gian ngắn.
Quả táo
Cất táo vào tủ lạnh sẽ phá vỡ độ giòn của quả. Tốt nhất bạn nên để táo vào giỏ và bảo quản nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời. Bằng cách này, táo sẽ chín tự nhiên, đồng thời giữ được độ giòn, ngọt vốn có. Táo vẫn sẽ tươi ngon trong 1-2 tuần khi để ở môi trường tự nhiên.
Quả chuối
Chuối là loại quả trồng ở vùng có khí hậu nóng nên loại quả này không phù hợp với sự mát mẻ của tủ lạnh. Bảo quản trong tủ lạnh khiến chuối nhanh bị úng, vỏ đổi màu tối và dễ dập nát hơn so với để bên ngoài.
Bánh mì
Các chuyên gia ẩm thực cho biết, bánh mì có thể mất độ ẩm và dễ hỏng hơn gấp 3 lần khi bảo quản trong tủ lạnh. Ngay cả khi bạn hâm nóng lại, bánh mì cũng sẽ cứng nhanh hơn. Nếu ăn trong 1 ngày, bạn nên để bánh mì ở nhiệt độ phòng bên ngoài.
Trong trường hợp muốn sử dụng bánh mì trong nhiều ngày, bạn có thể cho bánh mì vào một túi zip bảo quản thực phẩm, ép hết khộng khí ra ngoài, đóng kín rồi đặt vào ngăn đá tủ lạnh. Dù bạn để nguyên ổ hay cắt ra thành từng lát, bánh mì vẫn sẽ được bảo quản rất tốt và có thể sử dụng từ 1-3 tuần, tùy vào việc bánh có bị không khí tràn vào không.
Khoai tây
Nhiệt độ mát mẻ là điều kiện lý tưởng để bảo quản khoai tây, tuy nhiên mội trường bên trong tủ lạnh không thực sự phù hợp. Nhiệt độ quá thấp có thể dẫn đến hiện tượng ngọt do lạnh khi một số tinh bột được chuyển thành đường khử, từ đó tạo thành các chất gây ung thư như acrylamit khi chiên hoặc tiếp xúc với nhiệt độ nấu nướng quá cao. Bạn nên bảo quản thực phẩm này ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời.
Hành tây
Hành tây sẽ nhanh hỏng và dễ mốc khi bảo quản trong tủ lạnh, ảnh hưởng đến các thực phẩm khác. Bạn nên để hành tây nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Với hành tây đã bóc vỏ, bạn có thể cho vào túi chân không và đặt ở ngăn mát tủ lạnh.
Quả bơ
Bảo quản trong tủ lạnh sẽ ngăn cản quá trình chín tự nhiên, khiến bơ bị sượng và cứng. Loại quả này thơm ngon nhất khi chín tự nhiên và chỉ cần bảo quản ở nơi khô ráo.
Cà phê
Cà phê hút mùi rất hiệu quả, nếu để chung với các thực phẩm khác trong tủ lạnh thì rất dễ bị thay đổi hương vị, uống không còn ngon. Không khí, hơi ẩm, nhiệt độ và ánh sáng là 4 tác nhân chính làm ảnh hưởng đến chất lượng của cà phê. Các loại hạt cà phê, bột cà phê sẽ giữ được hương vị chuẩn nhất khi để ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh hơi nóng, ánh nắng mặt trời trực tiếp.
Đinh Kim(T/h)