Chất lượng không khí ở Hà Nội đang ở mức báo động khiến người dân đối mặt với nhiều nguy hiểm về sức khỏe, đặc biệt là đường hô hấp.
Trong những ngày gần đây, các điểm quan sát chất lượng không khí ở Hà Nội đều cho những kết quả ở ngưỡng kém và xấu vào thời điểm đầu giờ sáng. Thậm chí, tình trạng trời mù còn kéo dài tới đầu giờ chiều.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, hiện tượng trời mù ở Hà Nội hiện nay cũng khá giống với thời điểm cuối tháng 1/2019 khi ô nhiễm không khí ở Thủ đô lên đến mức cao, ở ngưỡng xấu và nguy hại tới sức khỏe.
“Từ đầu tuần tới giờ, chúng tôi đo không khí ở chỉ số rất cao ở mức vạch đỏ (151-200 AQI: ở mức xấu). Hiện nay không khí cũng diễn biến phức tạp, chỉ số lúc lên, lúc xuống”, ông Tùng nói.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Tùng cho hay, xe máy và các phương tiện khác cùng với khi thải công nghiệp, sinh hoạt khác đã tạo nên sức ép cho không khí, khiến cho ô nhiễm không khí ngày càng tăng cao.
Tình hình chất lượng không khí lên mức báo động ngày 27/3 ở Hà Nội - Ảnh: Kênh 14 |
Thông tin với Sức khỏe & Đời sống, BSCKII Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng Khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trong không khí ô nhiễm có nhiều hạt bụi nhỏ, hạt càng nhỏ sẽ càng vào sâu. Riêng với những hạt bụi có kích thước PM 2,5 có thể đi thẳng vào phế nang phổi, thậm chí đi thẳng vào máu. Với bất cứ dị nguyên nào từ môi trường vào cơ thể đều có thể gây kích ứng.
Khi tiếp xúc với bụi hay môi trường ô nhiễm, con người sẽ có phản ứng ho kích ứng, hắt hơi giống triệu chứng cảm cúm. Tiếp theo, người bệnh có thể bị ho, tăng tiết dịch, khạc đờm kéo dài, có thể dẫn tới tình trạng viêm phế quản mạn tính. Lâu dài có thể gây rối loạn đường thở.
Bụi PM2.5 có thể xâm nhập sâu vào cơ thể - Ảnh: Vietnamnet |
“Bụi ô nhiễm đi vào sâu trong hệ hô hấp tới các phế nang sẽ ảnh hưởng tới chức năng phổi gây rất nhiều các bệnh phổi. Đặc biệt bụi có kích thước PM2,5 có thể vượt qua tất cả các hàng rào bảo vệ của cơ thể, vào tận phế nang và đi vào máu, gây độc cho cơ thể”, BS Ngọc nói.
BS Ngọc khuyến cáo, với tình trạng không khí bị ô nhiễm, những người có bệnh lý hô hấp, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp sẽ bị nặng lên dẫn đến tình trạng khó thở tăng lên, nặng sẽ suy hô hấp phải phải nhập viện.
Trong môi trường ô nhiễm, những người có cơ địa dị ứng, nhạy cảm, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, hoặc các bệnh nền mãn tính đều có thể khiến bệnh nặng thêm hoặc dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Ô nhiễm khói bụi ở mức cao tại các khu đô thị - Ảnh: Sức khỏe & Đời sống |
Trong khí đó, chia sẻ với Vietnamnet, TS Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Sức khỏe Môi trường Cộng đồng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế cảnh báo: Thời tiết ẩm, nhiều hơi nước sẽ gây bất lợi đối với một số người mắc bệnh mạn tính, người già, trẻ em, bệnh phổi,… Vì thế, với mức cảnh báo chất lượng không khí xấu, người dân nên hạn chế ra ngoài.
Với các gia đình, ở trong nhà có thể đóng kín cửa, bật máy lọc không khí để giảm bớt nồng độ ô nhiễm.
Theo TS Tùng, để cải thiện chất lượng không khí, cần sự vào cuộc của nhiều ngành, địa phương chứ không riêng ngành tài nguyên môi trường, như liên quan đến đăng kiểm, quản lý khí thải phương tiện thì phải là Bộ Công an, liên quan đến công trình xây dựng thì phải Bộ Xây Dựng, quản lý chất thải phải do địa phương...
Theo bảng quy đổi giá trị AQI, chỉ số chất lượng không khí gồm các mức: - Mức tốt (0- 50): Không ảnh hưởng đến sức khỏe. - Mức trung bình (51-100): Khuyến cáo nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) nên hạn chế thời gian ở ngoài. - Mức kém (101-150): Nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài. - Mức xấu (151-200): Nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài. - Mức rất xấu (201-300): Mọi người đều có thể bị ảnh hưởng, hạn chế ở ngoài. - Mức nguy hại (trên 300): Khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà. |
Quỳnh Chi (T/h)