Hơn 95% dân số thế giới sống trong không khí ô nhiễm, điều này đã góp phần gây tử vong cho hơn 6 triệu người vào năm ngoái.
Theo kết quả nghiên cứu mới đây, 95% dân số toàn cầu đang sống trong các khu vực mà không khí ngoài trời vượt quá giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Điều này đã góp phần gây tử vong hơn 6 triệu người trên thế giới vào năm ngoái.
Gần 60% thế giới hít thở không khí có mức ô nhiễm gấp 3 hoặc gấp rưỡi giới hạn được coi là an toàn đối với sức khỏe con người.
Các nhà khoa học đo mức độ không khí ô nhiễm bằng số lượng PM, loại vật chất gây ô nhiễm nguy hiểm ở nhiều kích thước, đặc biệt PM2.5 là phân tử bụi có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet.
Hơn 95 phần trăm dân số toàn cầu thở không khí vượt quá giới hạn an toàn - Ảnh: Health Efects Institute |
Theo WHO, nồng độ PM2.5, hạt ô nhiễm nguy hiểm nhất, cần giới hạn ở mức 10 microgram/m3. Nhưng thậm chí khi đặt ra mục tiêu chất lượng không khí tạm thời là 35 microgam/m3 - mà 60% thế giới vẫn không đạt được.
"Chúng tôi có bằng chứng cho thấy tác động của PM2.5 tới phổi và sức khỏe tim mạch. Chẳng hạn, phơi nhiễm PM2.5 làm tăng nguy cơ viêm các mô và nhiễm trùng hệ thống, tăng tổn thương ADN, màng lipit của tế bào và tăng rủi ro hình thành cục máu đông", Jim Zhang, giáo sư sức khỏe và môi trường từ Viện nghiên cứu sức khỏe toàn cầu trường Nicholas, thuộc đại học Duke, cho hay.
Theo Stuart Batterman, giáo sư khoa học sức khỏe và môi trường, đại học Michigan, Mỹ cung cấp thêm: Các nghiên cứu còn củng cố bằng chứng cho thấy PM2.5 làm giảm cân nặng trẻ sơ sinh, suy giảm hệ miễn dịch, chức năng nhận thức và miễn dịch. Các phân tử ô nhiễm này có thể đi sâu và tồn tại trong phổi, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
"Đây là nguyên nhân làm tăng các trường hợp nhập viện hoặc gây tử vong vì hen suyễn, bệnh tim mạch hay bệnh phổi", ông nói.
Hình ảnh ô nhiễm không khí ở London - Ảnh: PA |
Nghiên cứu cho thấy nồng độ cao nhất của PM có thể tìm thấy ở Bắc Phi, Đông Phi và Trung Đông. Đứng đầu bảng là Niger với 204 microgram/m3 không khí và Saudi Arabia là 188.
Các quốc gia có không khí trong lành trên thế giới, với mức trung bình hàng năm là 8 microgram/m3 gồm: Úc, Brunei, Canada, Estonia, Phần Lan, Greenland, Iceland, New Zealand, Thụy Điển và một số quốc đảo Thái Bình Dương.
NGUYỄN QUỲNH(T/h)