(ĐSPL) - Mới đây, cơ quan y tế ghi nhận thêm một trường hợp bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tử vong ở Khánh Hòa. Mặc dù, trình độ, thiết bị y tế của nước ta được cải thiện rất nhiều. Nhưng, những biến đổi khó lường của các dịch bệnh, buộc chúng ta phải nhìn nhận tác động của biến đổi khí hậu đang dần rõ nét.
Đặc biệt, TP.HCM là địa phương ghi nhận sự biến đổi liên tục của khí hậu. Thực tế, biến đổi khí hậu đã và đang trực tiếp, gián tiếp gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm cho con người, PV báo ĐS&PL đã vào cuộc ghi nhận diễn biến thực tế và đưa ra những thực tế đáng lo ngại…
Gia tăng dịch bệnh
Cụm từ “Biến đổi khí hậu” (BĐKH) nghe rất lớn lao, nhưng thực ra nó chính là những tình trạng, hiện tượng rất gần gũi và mỗi ngày đe dọa cuộc sống, sức khỏe của con người. Ở Việt Nam, BĐKH bao gồm tình trạng ngập úng nghiêm trọng do triều cường, mưa lớn kéo dài ở TP.HCM, Hà Nội..., là nhiệt độ tăng cao bất thường, những cơn siêu bão oanh tạc các tỉnh miền Trung, hiện tượng El Nino, sương mù khô...
Theo Thạc sỹ Lê Minh Tuấn (chuyên gia môi trường, trường ĐHQG TP.HCM), bên cạnh việc gia tăng dân số, BĐKH đang khiến cho sức khỏe con người ngày càng xấu đi. Tỉ lệ chết bởi ung thư ngày càng nhiều, các dịch bệnh mới cũng như dịch bệnh quen thuộc có nhiều biến đổi khó lường.
Ông Lương Minh Tuấn (55 tuổi, ngụ Q. Bình Chánh, TP.HCM) bức xúc: “Hễ đến đợt triều cường là gia đình tôi lại nơm nớp lo sợ. Bởi lượng nước cống hôi thối sẽ theo triều cường dâng cao, ngập vào nhà. Nguồn nước sinh hoạt bị ảnh hưởng bởi chúng tôi còn chưa có nước máy sạch. Do đó, các thành viên trong gia đình dễ bị tiêu chảy, ngộ độc, dị ứng khi ngâm chân trong nước bẩn... Chẳng những vậy, nước ngập tới đâu, muỗi sinh sôi tới đó. Trong khu vực có người bị bệnh sốt xuất huyết là hầu hết nhà nào cũng sẽ có người nhiễm bệnh”.
Ngập lụt nghiêm trọng tại TP.HCM. |
Các chuyên gia môi trường cho biết, ngập úng sẽ làm ảnh hưởng đến các nhà máy xử lý nước thải. Sự xâm nhập của nước biển làm cho chất lượng nước ngầm xấu đi. Từ đó, sức khỏe người dân TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng, khi làm tăng tỉ lệ các bệnh về đường ruột do nước như tả, lỵ, tiêu chảy...
Tại TP.HCM, trong những tháng đầu năm 2015, tình trạng nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí tăng dẫn đến gia tăng một số bệnh đối với tuổi già như tim mạch, thần kinh, dị ứng. Sau đợt nắng nóng, thành phố lại đón nhận những cơn mưa kéo dài gây ngập úng.
Trẻ em sống tại thành phố lại oằn mình gánh những dịch bệnh đầy ám ảnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng... Tương tự ở các tỉnh, thành khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa... số lượng bệnh nhân mắc dịch bệnh cũng gia tăng không ngừng.
Những ngày nắng gắt xen lẫn ngày mưa dầm là nguyên nhân gây ra các căn bệnh viêm mũi dị ứng, viêm xoang, nhức đầu, sốt... cho người lớn. Sau đợt mưa, thành phố lại xuất hiện hiện tượng sương mù khô gây khó chịu và ảnh hưởng sức khỏe của người dân.
Chị Nguyễn Lương Diêu (30 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM) chia sẻ: “Sương mù khô làm mắt tôi đau nhức. Tôi phải đi khám bác sỹ. Bác sỹ khuyên không nên ra ngoài nhiều, tránh tiếp xúc với sương mù hoặc đeo mắt kính khi phải ra ngoài. Không chỉ đau mắt, căn bệnh viêm xoang của tôi cũng tái phát do ô nhiễm không khí”.
Những con số biết nói…
Thạc sỹ Lê Văn An (chuyên gia nghiên cứu các căn bệnh liên quan đến môi trường thuộc viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) nhìn nhận, một trong những nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết trở lại và bùng phát là do hiện tượng El Nino năm nay được đánh giá mạnh nhất trong nhiều năm qua.
Điều này gây ra thời tiết khô hạn khiến việc tích trữ nước gia tăng, gia tăng nhiệt độ trung bình, làm cho thời gian phát triển chu kỳ trứng thành muỗi rút ngắn, kéo dài thời gian sống của muỗi, làm gia tăng mật độ muỗi khiến tăng nguy cơ dịch sốt xuất huyết. Trước đây, nước ta đã từng trải qua dịch sốt xuất huyết lớn nhất năm 1998, tương ứng với thời kỳ hoạt động của hiện tượng El Nino 1997-1998.
Qua ghi nhận thực tế tại các bệnh viện Nhi đồng ở TP.HCM, số lượng bệnh nhi gia tăng một cách chóng mặt. Bắt đầu từ khoảng tháng 6/2015, tại các bệnh viện, trẻ mắc bệnh về đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng đã phải chen chúc nằm ở hành lang.
Tại bệnh viện Nhi đồng 1, số lượng bệnh nhân nhập viện thời gian gần đây được cho là tăng đột biến so với những năm trước. Theo các bác sỹ, bình quân mỗi ngày bệnh viện chỉ khám và điều trị cho khoảng 1.500 bệnh nhân.
Tuy nhiên tính đến đầu tháng 10/2015, con số này tăng lên hơn 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Số lượng bệnh nhân ngoại trú cũng tăng bất thường. Cụ thể theo số liệu từ bệnh viện, đầu tháng 9/2015, mỗi ngày bệnh viện nhận khám và điều trị ngoại trú cho hơn 5.200 bệnh nhân. Đến đầu tháng 10, con số này tăng lên đến 6.200 bệnh nhân mỗi ngày. Số lượng bệnh nhân nhập viện chủ yếu do sốt xuất huyết, tay chân miệng và bệnh hô hấp.
Các bác sỹ cho biết, có thể do ảnh hưởng từ BĐKH nên năm nay tình hình bệnh nhân nhập viện về các dịch bệnh tăng đột biến so với những năm trước. Phía bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trong ba tháng 7, 8 và 9 vừa qua, số lượng bệnh nhân nhập viện do các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng và hô hấp tăng nhanh bất thường so với các tháng trước đó.
Bác sỹ Nguyễn Hoàng Phong, Phó khoa Hô hấp 1, bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, thời gian gần đây, tại TP.HCM tình hình bệnh nhân đến khám ngày càng tăng. Cụ thể hai tháng vừa qua, tại khoa Hô hấp 1, bình quân mỗi ngày có 200 bệnh nhân đến khám và điều trị. Nửa đầu tháng 10/2015, số lượng bệnh nhân tăng thêm từ 250 - 270 bệnh nhân/ngày. Bình quân tại khoa luôn có 50-60 bệnh nhân nhập viện bị bệnh hô hấp nặng.
Theo bác sỹ Phong, thời điểm tháng 9, 10, 11 là mùa của nhiều dịch bệnh tăng cao, trong đó có bệnh hô hấp. Nguyên nhân về ô nhiễm môi trường là một yếu tố làm tăng tỉ lệ trẻ nhập viện vì hô hấp. Những đối tượng như trẻ em, hệ miễn dịch chưa tốt, chưa hoàn thiện, nên gặp thời tiết thất thường, ô nhiễm có thể là nguyên nhân gây bệnh nhanh nhất.
Do đó, để phòng bệnh, phụ huynh nên cho trẻ uống nước ấm, giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ. Ra đường phải đeo khẩu trang, mặc áo gió. Khi trẻ bệnh thường có dấu hiệu như ho, sổ mũi cần đưa đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế khám chữa bệnh kịp thời, không nên tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ. Đưa trẻ khám sớm để tránh những biến chứng có thể xảy ra. Hiện, những ca nhập viện nặng về hô hấp tại bệnh viện Nhi đồng 2 đều có dấu hiệu suy hô hấp. Các bác sỹ đang tích cực điều trị cho bệnh nhân bằng cách hỗ trợ hô hấp, sử dụng kháng sinh...
Hiện tượng mù khô gây bệnh nguy hiểm
Thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa 1 Nguyễn Hải Công, khoa Hô hấp, bệnh viện Quân y 175 cho biết: “Việc xuất hiện mù khô đột xuất, nếu xác định cụ thể là do ô nhiễm môi trường, có khói bụi thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Cụ thể là ảnh hưởng đến đường hô hấp. Trong đó những đối tượng như trẻ em, người già tiếp xúc với không khí ô nhiễm qua đường thở sẽ gây phản ứng viêm tạo các bệnh như viêm phế quản, viêm đường hô hấp trên…
Nếu tiếp xúc lâu dài với khói bụi độc hại này (tương đương với mức độ độc hại của khói thuốc lá), có thể dẫn đến các bệnh viêm hô hấp mãn tính. Đặc biệt, nếu là người có bệnh hen suyễn tiếp xúc với không khí này nhiều, sẽ có nguy cơ bùng phát bệnh nặng hơn. Đối với những người dân lưu thông trên đường, cần phòng tránh bằng cách đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc trực tiếp với không khí ô nhiễm. Đối với mắt, cũng cần bảo vệ để phòng, tránh các tác nhân gây bệnh liên quan đến mắt”.
NGỌC LÀI - HÀ NGUYỄN - LÀNH NGUYỄN
Xem thêm video Tin tức:
[mecloud]PAkbJKoZUq[/mecloud]